Xem "Sự khởi đầu hành tinh khỉ", ngẫm sự ẩn dụ về loài người
Tới mùa hè này, phần tiếp theo của bộ phim là “ Dawn of the Planet of the Apes” (tựa Việt là Sự khởi đầu của hành tinh khỉ) lại tiếp tục gây bất ngờ cho người xem. Dù đưa câu chuyện sang một hướng khác đen tối hơn nhưng “ Dawn” vẫn giữ được những tinh túy của phần một và đẩy cuộc cách mạng của loài khỉ lên một tầm cao mới.
Trong phần đầu tiên, nhân vật Caesar (Andy Serkis thủ vai) đã từ một chú khỉ bình thường biến thành một chú khỉ với trí thông minh như con người sau khi được tiêm loại thuốc ALZ-113. Caesar đã dùng trí thông minh của mình để giải cứu và giúp những con khỉ khác trong chuồng thú hoặc phòng thí nghiệm có được trí tuệ loài người. Trở thành thủ lĩnh của bầy khỉ, Caesar lãnh đạo bầy đàn của mình thoát khỏi San Francisco tới cư ngụ tại khu rừng Muir. Trong khi đó, một viên phi công loài người lại bước lên chuyến bay quốc tế và không hề hay biết mình đang mang mầm bệnh lan khắp toàn cầu …
“ Dawn” kể câu chuyện 10 năm sau những sự kiện trong phần đầu tiên, khi hầu hết nhân loại giờ đây đã bị quét sạch bởi virus cúm khỉ. Tại San Francisco, chỉ còn một nhúm người miễn dịch với mầm bệnh do Dreyfus (Gary Oldman) lãnh đạo tìm cách sống sót trong tình trạng không có điện còn nhiên liệu đã gần cạn kiệt.
Niềm hy vọng của họ được đặt vào một nhóm người gồm kiến trúc sư Malcolm (Jason Clarke), nữ y tá Ellie (Keri Russell), con trai của anh là Alexander (Kodi Smit-McPhee)… khi họ tình nguyện tới lãnh thổ của loài khỉ trong rừng Muir để tìm cách vận hành đập thủy điện. Malcolm đã thuyết phục được thủ lĩnh Caesar để được thử vận may với con đập. Nhưng liệu sự yên bình đó có kéo dài được lâu khi nội bộ của cả loài người lẫn khỉ đều tồn tại những mâu thuẫn âm ỉ? …
Nếu như “ Rise” là sự khởi đầu của cuộc cách mạng của loài khỉ thì “ Dawn” lại chuyển sang một hướng khác, đưa người xem tới xã hội của loài khỉ trên rừng Muir. Chúng như tấm gương phản chiếu chính xã hội loài người, với hai sự tương phản rõ rệt là Caesar và Koba. Cùng sở hữu trí thông minh vượt bậc với đồng loại, cùng mang tư chất thủ lĩnh và đều là những “sản phẩm” do con người tạo ra song chúng lại không cùng nhìn về một hướng. Nếu như Caesar từ hình tượng cách mạng như Che trong tập đầu chuyển sang trạng thái ôn hòa của Gandhi thì Koba (Toby Kebbell) lại luôn nung nấu mối thù với loài người và tìm cách kích động chiến tranh.
Xung đột giữa người và khỉ là chủ đề chính của bộ phim
Mâu thuẫn ấy giữa hai con khỉ đầu đàn khiến người xem cảm giác như mình không phải đang xem một bộ phim viễn tưởng mùa hè với nhân vật chính là loài khỉ mà giống với một tác phẩm chiến tranh – chính trị. Cuộc cách mạng của loài khỉ phần nào gợi nhớ tới cuốn sách nổi tiếng “ Animal Farm” (Chuyện ở nông trại) của George Orwell, khi đám súc vật trong trại nổi dậy chống lại con người. Giống như chú lợn Napoleon trong truyện, Koba tỏ ra hiếu chiến, độc ác, thực chất là sự tập hợp của những thói hư, tật xấu của con người.
Đấy chính là giá trị của “Dawn” đem tới cho khán giả, bởi sau khi thưởng thức những cuộc chiến giữa người với khỉ trong phim, con người cũng sẽ phải tự nhìn lại bản thân mình với tấm gương phản chiếu trong phim. Koba càng giống người thì càng trở nên xấu xa, với thói lừa lọc và bản năng hiếu chiến. Điều này được Caesar đúc kết lại bằng câu nói xót xa: “Ta từng nghĩ rằng loài khỉ tốt hơn người, nhưng đến bây giờ ta mới thấy chúng ta giống họ đến như thế nào.”
Đạo diễn Matt Reeves đã kế thừa rất tốt di sản của đạo diễn phần trước là Rupert Wyatt khi khiến “ Dawn” trở thành một trong những bộ phim phần kế tiếp hiếm hoi hay hơn cả tập đầu tiên. Nếu như “ Rise” được đánh giá cao bởi kịch tính được đẩy dần lên một cách hợp lý cùng cái kết nhân văn thì “ Dawn” lại dữ dội hơn, với bầu không khí căng thẳng, hồi hộp được giữ trong suốt hai tiếng đồng hồ. Reeves đã đan xen khéo léo xã hội loài người và loài khỉ trong phim để cho khán giả thấy toàn cảnh cục diện trước khi cuộc chiến không thể tránh khỏi diễn ra.
Dù không có nhiều nhưng các cảnh chiến đấu trong phim đều được thực hiện tốt, không hề thua kém trường đoạn ở cầu Cổng Vàng trong phần đầu tiên. Cuộc chiến dữ dội giữa người – khỉ hay khỉ – khỉ vừa quan trọng trong mạch phim lại vừa đem lại tính giải trí cho một bom tấn mùa hè mang nhiều chất chính trị.
Âm nhạc, hình ảnh sắc nét … là những điểm cộng của phim, song nổi bật hơn cả vẫn là diễn xuất tuyệt vời của Andy Serkis trong vai Caesar. Trong một bộ phim có sự tham gia của tài tử gạo cội Gary Oldman, Serkis vẫn tỏa sáng hơn bất kỳ ai hết. Anh làm nên tên tuổi với vai Gollum trong loạt phim “ Chúa nhẫn”, khỉ đột King Kong trong bộ phim cùng tên năm 2005 và rồi là Caesar với phương pháp Motion Capture (Nắm bắt chuyển động). Cử chỉ, nét mặt … của Serkis và các diễn viên khác được ghi lại trước máy quay và biến thành những Caesar, Koba trên phim với công nghệ máy tính. Dù là bằng ngôn ngữ thân thể hay sử dụng tiếng Anh như con người, Caesar đều khiến người xem liên tưởng tới một vị lãnh đạo tâm huyết và toát ra cái uy rõ rệt với những con khỉ khác. Không hề ngạc nhiên nếu sau “ Dawn“, Andy Serkis lại nhận được những đề cử về diễn xuất như “ Rise” từng đem lại cho anh.
Với nhân vật chính là loài khỉ, “ Dawn” vẫn phản ảnh xuất sắc những mâu thuẫn, xung đột trong xã hội loài người và đặt ra nhiều câu hỏi. Bộ phim có nội dung đen tối hơn, dữ dội hơn so với tập đầu tiên. Nhưng chúng vẫn có một điểm chung là khiến khán giả bị cuốn vào câu chuyện hấp dẫn, rời khỏi rạp với sự hài lòng và muốn được tiếp tục thưởng thức phần tiếp theo, khi mà cuộc chiến vẫn chưa lên tới đỉnh điểm. Với những ai là fan của “Rise” hay ưa thích các bộ phim viễn tưởng có chiều sâu, “ Dawn of the Planet of the Apes” chính là lựa chọn không thể bỏ qua.
Dawn of the Planet of the Apes (Sự khởi đầu của hành tinh khỉ)
Đạo diễn: Matt Reeves
Diễn viên: Gary Oldman, Andy Serkis, Toby Kebbell
Thể loại: Viễn tưởng, Hành động
Hãng phát hành: 20th Century Fox
Thời lượng: 130 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 11/7.
Ý kiến ()