Xe hơi đang là “ác mộng” của các nước Đông Nam Á
“Thị trường xe hơi các nước bùng nổ là để tăng trưởng và ổn định nền kinh tế. Việc sở hữu xe chiếm vị trí trung tâm trong nguyện vọng của tầng lớp trung lưu tại các nước đang phát triển. Nhưng mang về mối nghi ngại nạn kẹt xe, cơn ác mộng cho toàn xã hội” – ông Arve Hansen, chuyên viên nghiên cứu thị trường tại các nước châu Á thuộc Đại học Oslo, cho biết.
Thiệt hại khôn lường
Nạn kẹt xe trầm trọng này khiến Bangkok thiệt hại 320 triệu USD mỗi năm, kéo theo nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất an toàn đô thị, trì trệ công việc, ảnh hưởng đến thói quen lựa chọn thức ăn nhanh. Trong năm 2016, người dân phải mất thêm 30 phút để lưu thông trên đường, theo Bangkok Post.
Theo thống kê của tờ Business Insider, mật độ xe hơi tại Bangkok hiện nay có đến 8,9 triệu xe, trong khi đó dân số thành phố này ở mức 6 triệu người. Mật độ lưu thông trên đường mỗi ngày tại thành phố này lên đến 17 triệu người, và chỉ 40% trong số đó sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Đặc biệt trong giờ cao điểm, tốc độ lưu thông ở Bangkok chậm hơn 85% so với những đoạn đường vắng, vào buổi đêm, các xe lưu thông chậm hơn 114%, một công ty định vị Hà Lan cho biết.
Giải toán kẹt xe ở các nước
Ùn tắc giao thông sẽ là quá khứ dĩ vãng trong ngành giao thông tại Đức, nơi có nhiều nhà sản xuất ôtô danh tiếng thế giới như BMW, Mercedes-Benz… Kể từ khi mua lại bản đồ HERE của Nokia hồi năm ngoái với giá 3,1 tỉ USD, BMW, Daimler và Volkswagen chưa tiết lộ bất kỳ định hướng phát triển công nghệ nào trong tương lai.
Phải tới ngày 27-9 vừa rồi, đại diện HERE chính thức công bố sẽ tung ra thị trường một loạt ứng dụng dành cho các xe thuộc thương hiệu BMW, Daimler và Volkswagen, tự động gửi mọi dữ liệu hành trình về trung tâm.
Khi một chiếc xe thành viên chạy trên đường sẽ chia sẻ chi tiết dữ liệu về lực phanh, định vị và thông tin từ camera hành trình.Từ đó HERE sẽ có một cơ sở dữ liệu khổng lồ, kết nối và chia sẻ tới toàn bộ các thành viên.
Hình ảnh từ camera cho phép những xe khác biết được đoạn đường mình sắp đi có thời tiết như thế nào, tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn ra sao, tốc độ xe có thể chạy được…
Ứng dụng này dự kiến được giới thiệu vào đầu năm 2017. Rất có thể trong tương lai họ sẽ bắt tay với một số hãng xe khác để có thể cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng hơn.
Tại Cuba, thị trường xe Cuba được “tự do hoá” sau gần hơn nửa thế kỷ. Niềm vui “lớn” đã không trọn vẹn khi toàn bộ xe của nước này có mức giá niêm yết đội lên 400% và hơn thế nữa.
Theo Reuters, một chiếc Ferrari 458 siêu sang tại thị trường Mỹ lúc bấy giờ có giá 234.000 USD, trong khi đó chiếc 508 phong cách thể thao bình thường tại một đại lý xe Peugeot ở thủ đô Havana có giá đến 262.000 USD. Vì vậy chỉ sau 6 tháng, 11 triệu dân nước này chỉ mua vỏn vẹn 50 chiếc xe hơi và 4 chiếc xe môtô từ các đại lý quốc doanh.
Business Insider cho rằng chính sách mới của Cuba được thiết kế để mọi việc đi theo đúng chiều hướng chính phủ mong muốn.
Ông Jorge Pinon – một chuyên gia năng lượng tại Đại học Texas, Mỹ – cho rằng vấn đề cố hữu lớn nhất cho các phương tiện giao thông nước này nằm ở cơ sở hạ tầng quá yếu kém.
Nhưng cốt yếu vẫn là khoản dự trữ ngoại tệ quốc gia còn eo hẹp, thu nhập bình quân của một nhân viên nhà nước chỉ mức 20 USD/tháng, việc mua một chiếc xe hơi trong dân chưa thật sự cần thiết.
Riêng tại Singapore, để hạn chế nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhiều hàng rào thuế quan cũng được đặt ra. Giá một chiếc Lamborghini Aventardor LP700-4 tại đây có thể tới 1,2 triệu USD, những chiếc “bình dân” hơn như Toyota Fortuner có giá 150.000 USD, Corolla Altis là 104.000 USD hay Scion FR-S mới là 135.421 USD. Một phép so sánh dễ nhất, chiếc Scion FR-S giá 30.000 USD tại Mỹ thì ở đây là 136.000 USD.
Việc cấp chứng chỉ sở hữu xe (có giá trị trong vòng 10 năm) của nước này cũng rất khó khăn, bởi chính sách hạn chế của chính phủ. Thậm chí để được cấp, người mua xe phải tham gia cuộc đấu giá với số tiền không nhỏ, lên đến 70-80% giá trị chiếc xe.
Đó là lý do khiến Singapore trở thành nước xử lý nạn kẹt xe tốt nhất thế giới.
“Quay số” để được đăng ký xe hơi là một trong những chính sách của Bắc Kinh (Trung Quốc), áp dụng để hạn chế lượng đăng ký ôtô mới. Theo New York Times, trong tháng 6-2016, có tới 2,7 triệu đơn đăng ký xe hơi của người dân qua mạng với tần suất chỉ 1 trong 725 đơn được duyệt.
Cách “xổ số” giấy phép này được áp dụng tháng 1-2011, ngoài ra chính quyền thành phố đang lên kế hoạch cho việc thu phí ùn tắc để người dân hạn chế tham gia giao thông giờ cao điểm.
12 người chết do kiệt sức vì kẹt xe Vào tháng 7-2016, một vụ kẹt xe kinh hoàng hơn 20 tiếng xảy ra tại Indonesia, cướp đi ít nhất 12 mạng người do mất nước và kiệt sức. Vụ tắc đường xảy ra trên đoạn đường Đông Brebes nối thủ đô Jakarta với thành phố Tegal, theo BBC News. Hầu hết các nạn nhân đều là người già, chết vì nhiệt độ bên trong xe quá nóng, trong đó 1 trẻ em chết vì ngộ độc khí thải. Giám đốc cơ quan y tế Sri Gunadi Parwoko cho biết thêm việc sơ cứu và điều trị trong trường hợp này rất khó khăn khi xe cứu thương không thể nào đến được nơi người bị nạn, cũng như họ không rõ những người nào cần hỗ trợ y tế trong hoàn cảnh hỗn loạn do kẹt xe. Đoạn đường Đông Brebes được cho là “ác mộng” đối với người dân Indonesia do các vụ kẹt xe nghiêm trọng thường xảy ra ở đây. Tổng thống Indonesia Joko Jokowi Widodo cho biết chính phủ sẽ nỗ lực giải quyết tình hình này trong 2 năm. Vấn nạn tắc đường ở Manila ngày càng tệ hơn do tầng lớp trung lưu mới nổi ồ ạt mua xe hơi, có đến 300.000 xe mới được bán ra trong năm 2015. “Đây sẽ là vấn đề nghiêm trọng nhất mà chính phủ tiếp theo đối mặt. Manila có nguy cơ trở thành đô thị mà người dân sẽ không thể di chuyển trong thành phố, nếu chính phủ vẫn còn thờ ơ với cơ sở hạ tầng” – John Forbes, một cố vấn cấp cao của Phòng thương mại Mỹ tại Manila, nói với AFP. |
Ý kiến ()