Xe chở quá tải giảm mạnh
LSO-“Nếu thời điểm đầu năm 2014, xe tải vi phạm tải trọng từ 100%, thậm chí có những xe vượt quá tải trọng đến 200% thì đến nay đã giảm xuống còn 10 đến 30%. Cùng đó, lượng xe quá tải lưu thông trên địa bàn tỉnh đã giảm đến 60%”. Đó là nhận định của ông Vũ Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Lạng Sơn sau hơn 2 năm đẩy mạnh công tác kiểm soát tải trọng xe.
Thanh tra giao thông kiểm tra tải trọng xe công-ten-nơ ra cửa khẩu |
Lạng Sơn là điểm cuối của hành trình chở hàng hóa, nông sản từ các tỉnh miền trong qua cửa khẩu trên địa bàn và xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, lượng phương tiện lưu thông trên địa bàn luôn ở mức cao và có chiều hướng tăng. Xe chở quá tải trọng phổ biến làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết cấu, hạ tầng giao thông, an toàn giao thông (ATGT). Thực tế đã có một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh từng xuống cấp do xe chở quá tải trọng như quốc lộ 1A, đường lên khu du lịch Mẫu Sơn, đường ra cửa khẩu…
Cụ thể hóa Kế hoạch 12593/KHPH – BGTVT – BCA ngày 21/11/2013 liên Bộ GTVT và Bộ Công an về phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ, Ban ATGT tỉnh đã đôn đốc các đơn vị liên quan tích cực thực hiện. Hai đơn vị chủ công là Công an tỉnh, Sở GTVT đã phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm. Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết: Ngay khi nhận được văn bản chỉ đạo, Sở GTVT đã tổ chức các hội nghị, mời các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến để tuyên truyền. Cùng đó, tổ chức cho 8 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, 3.532 lái xe và chủ phương tiện kinh doanh hàng hóa ký cam kết không bốc xếp hàng hóa quá tải trọng xe, không cơi nới phương tiện để chở hàng quá tải. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông phát 154.049 tờ rơi tuyên truyền quy định về chuyên chở, bốc xếp hàng hóa, hình thức xử lý đối với trường hợp vi phạm đến lái xe, chủ xe vận tải hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở GTVT, trên địa bàn tỉnh có 29 đơn vị vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ với 273 phương tiện cùng 3.739 xe tải, ngoài ra còn hàng chục nghìn xe tư nhân kinh doanh độc lập. Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông đã duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng cố định 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Cùng với đó, lực lượng chức năng sử dụng cân xách tay lưu động tập trung thanh tra, kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ: 1A, 4A; đường tỉnh: 230, 229, 235… Ngăn chặn tình trạng chủ hàng, chủ phương tiện sang tải, hạ tải để qua trạm kiểm soát tải trọng, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm ngay tại các điểm mỏ vật liệu xây dựng, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô. Anh Vũ Quang Trung, lái xe chở nông sản từ Ninh Bình lên cửa khẩu Hữu Nghị cho biết: Chúng tôi luôn được nhắc nhở chở hàng hóa đúng tải trọng xe. Mặc dù chở quá tải tiền công cao hơn nhưng đổi lại xe cũng bị ảnh hưởng lớn, lái xe điều khiển rất nguy hiểm, nhất là đi qua những đoạn cong cua, khi thời tiết xấu, đường trơn trượt.
Siết chặt quản lý tải trọng phương tiện, từ năm 2014 đến nay, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đã kiểm tra 21.102 phương tiện, trong đó, phát hiện, xử lý 1.613 trường hợp vi phạm tải trọng xe với số tiền 5,3 tỷ đồng. Nhờ đó, tình trạng xe chở hàng hóa quá tải trọng đã giảm, trật tự ATGT được đảm bảo.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()