Xây nhịp cầu khoa học
LSO-Trải qua gần 22 năm phát triển và trưởng thành, đội ngũ khuyến nông Lạng Sơn đã góp phần quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, trước yêu cầu sản xuất lớn hơn, tập trung hơn và gắn liền với thị trường tiêu thụ, đòi hỏi hoạt động khuyến nông phải tiếp tục có những đổi mới toàn diện trong phương thức hoạt động.
![]() |
Khuyến nông huyện Đình Lập kiểm tra mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Châu Sơn |
Năm 1993, trong điều kiện còn bộn bề khó khăn, việc thành lập bộ máy khuyến nông là một trong những quyết sách quan trọng của Lạng Sơn. Với đặc thù trên 80% dân số ở nông thôn và sống bằng sản xuất nông nghiệp, trong khi đó trình độ thâm canh còn thấp, tập quán canh tác lạc hậu… khuyến nông được coi là một trong những lực lượng đắc lực, là cầu nối để đẩy nhanh chuyển giao khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Thống kê sơ bộ, từ khi thành lập đến nay, mỗi năm khuyến nông tổ chức trên 1.000 cuộc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và thực hiện hàng chục mô hình trình diễn giống mới, kỹ thuật mới. Riêng giai đoạn từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm Trung tâm Khuyến nông tổ chức trên 2.000 cuộc tập huấn, có gần 60.000 lượt nông dân được tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật. Kiên trì, sáng tạo, hệ thống khuyến nông đã góp phần quan trọng đưa sản xuất nông nghiệp Lạng Sơn có bước phát triển nhanh chóng. Trên đồng đất, ngô lai đã thay thế hoàn toàn giống cũ, trong khi đó lúa lai cũng chiếm gần 40% trong tổng số diện tích gieo trồng. Rất nhiều các kỹ thuật canh tác mới được áp dụng như mạ ném, gieo thẳng, rồi gieo thẳng bằng giàn kéo; bón phân viên nén dúi sâu, nhả chậm… Từ mục tiêu 140.000 tấn lương thực/năm (đầu thập niên 90 của thế kỷ trước), tổng sản lượng lương thực của toàn tỉnh đã vượt qua con số 300.000 tấn/năm, không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn chủ động được cho chăn nuôi và lương thực hàng hóa. Nhiều công thức xen canh có hiệu quả ra đời như 2 vụ màu 1 vụ lúa; khoai tây trên đất 2 vụ lúa; lạc, cà chua phủ nylon… đã mang lại những cánh đồng trên 100 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, để phát triển kinh tế, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải tập trung hơn, an toàn hơn, gắn liền với thị trường tiêu thụ thì hoạt động khuyến nông bắt đầu có dấu hiệu tụt hậu.
Trong rất nhiều cuộc họp, khi nói về phát triển sản xuất, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đều nhấn mạnh đến đổi mới công tác khuyến nông. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cho Chỉ thị đẩy mạnh sản xuất đông xuân 2014-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Vũ Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông cho biết: trong bối cảnh hiện nay, những người làm công tác khuyến nông cũng tự nhìn nhận thấy nhiều hạn chế. Trong đó nổi lên là công tác bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo vừa thụ động, vừa mang tính chất áp đặt, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của người dân; thông tin tuyên truyền còn đơn điệu chưa thành hệ thống có tính chuyên nghiệp. Việc xây dựng mô hình trình diễn chưa gắn liền với nhân rộng mô hình; đánh giá mô hình vẫn theo cách làm cũ, thiếu tính toán toàn diện, khách quan và vẫn còn có những mô hình thực hiện mang tính chủ quan duy ý chí, chưa phù hợp với thực tế. Bà La Thị Huyền, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Quan chia sẻ: mô hình cánh đồng mẫu lớn được khuyến nông triển khai rất hiệu quả, thế nhưng lại không nhân rộng được và vẫn theo nếp cũ, nơi nào không còn hỗ trợ thì sản xuất lại theo cách cũ. Điều này phản ánh một thực tế là các chương trình khuyến nông, có kinh phí đến đâu thì lập dự án đến đó, chưa có các dự án theo chuyên đề, bước tính dài hơi với kế hoạch từ 3-5 năm. Địa điểm triển khai thì nay đây, mai đó, khó thay chuyển ý thức người dân.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ tái cơ cấu ngành, gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, trước mắt là đổi mới công tác tập huấn, thay vì tập huấn tràn lan như hiện nay, nội dung tập huấn sẽ đi sâu vào các lại cây, con thế mạnh của tỉnh và những vấn đề khó khăn cần giải quyết trong nông nghiệp hiện nay. Nói cách khác, tập huấn bắt nguồn từ nhu cầu của người dân chứ không phải là sự áp đặt của cơ quan chuyên môn. Mặt khác, đối với hoạt động trình diễn và nhân rộng mô hình, phải xác định trình diễn là để nhân rộng. Đồng thời quan tâm xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; hợp tác tiêu thụ khoai tây; chăn nuôi và tiêu thụ gia cầm ở những vùng xa thị trường tiêu thụ… Ông Vũ Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khẳng định: ngoài các vấn đề trên, Trung tâm khuyến nông xác định cần phải tiếp tục triển khai mạng lưới tư vấn và dịch vụ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức hiệu quả việc tư vấn sản xuất và tăng cường các hoạt động trao đổi học tập kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất.
![]() |
Mô hình trồng dưa hấu trái vụ ở xã Mai Pha cho thu nhập cao – Ảnh: BT |
Thẳng thắn nhìn nhận và phân tích những mặt còn hạn chế, đội ngũ khuyến nông Lạng Sơn đã và đang có những bước đi tích cực, phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đổi mới sẽ tạo ra động lực quan trọng để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhà nông, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới.
VŨ NHƯ PHONG

Ý kiến ()