Xây nhà tình nghĩa đã chậm tiến độ lại kém chất lượng
Xây nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, góp phần hỗ trợ các gia đình chính sách giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, tại TP Cần Thơ, nhiều nhà tình nghĩa xây dựng chậm so với tiến độ đề ra, chất lượng kém.
Xây nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, góp phần hỗ trợ các gia đình chính sách giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, tại TP Cần Thơ, nhiều nhà tình nghĩa xây dựng chậm so với tiến độ đề ra, chất lượng kém.
Năm 2013, TP Cần Thơ tiến hành xây dựng 350 nhà tình nghĩa cho người có công với trị giá 20 tỷ đồng do Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tài trợ, mỗi căn trị giá hơn 57 triệu đồng. Ðến nay, thành phố đã triển khai xây dựng 300 căn nhà tại chín quận, huyện và đã hoàn thành 265 căn. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà tình nghĩa tại một số quận, huyện chậm tiến độ, chất lượng kém.
Ngân hàng SHB ký hợp đồng với Công ty TNHH Tư vấn thiết kế đầu tư xây dựng Bình Lâm (Công ty Bình Lâm) xây dựng 103 nhà tình nghĩa trên địa bàn quận Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Thới Lai, nhưng xảy ra nhiều sai sót gây bức xúc dư luận. Trong số 50 căn nhà tình nghĩa trên địa bàn quận Ô Môn, Công ty Bình Lâm đã xây dựng xong 40 căn, còn lại 10 căn công ty không trực tiếp xây dựng mà thỏa thuận với gia đình sẽ trao số tiền từ khi khởi công đến khi hoàn thành là 38 triệu đồng (gồm bộ cửa, gạch ống, một số vật liệu xây dựng khác và tiền mặt) không đúng với hợp đồng ban đầu. Do vậy, ngành chức năng chỉ nghiệm thu 40 căn nhà còn lại 10 căn không nghiệm thu. Ðối với 13 nhà tình nghĩa trên địa bàn quận Thốt Nốt, địa phương đã bàn giao mặt bằng cho công ty Bình Lâm hơn hai tháng qua nhưng đến nay công ty vẫn chưa triển khai xây dựng.
Bức xúc nhất là các hộ dân thụ hưởng nhà tình nghĩa ở huyện Thới Lai phải chịu cảnh mưa gió, không có nơi trú ngụ khi việc thi công nhà dang dở, kém chất lượng. Trong số 40 căn nhà tình nghĩa trên địa bàn huyện, Công ty Bình Lâm đã khởi công 18 căn nhưng đến nay chỉ hoàn thành bốn căn (chưa nghiệm thu) còn lại 22 căn chưa triển khai xây dựng. Các căn nhà do Công ty Bình Lâm xây dựng không đúng tiến độ đề ra, vật liệu xây dựng không bảo đảm chất lượng,… các ngành chức năng đã yêu cầu công ty khắc phục để người dân ở hai xã Trường Xuân và Trường Xuân A sớm có chỗ ở, không phải chịu cảnh mưa, gió vì xây dựng dở dang, nhưng công ty vẫn không thực hiện. Tương tự ba căn nhà tình nghĩa xây dựng tại xã Trường Thắng, người dân đã tháo dỡ nhà của mình nhưng Công ty Bình Lâm vẫn chưa triển khai xây dựng cho nên họ phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất. Riêng căn nhà của ông Lê Văn Em đã xây dựng xong nhưng do gạch, bê-tông kém chất lượng nên phải đập bỏ để xây dựng lại. Thấy gia đình ông Em phá nhà, công ty hứa với gia đình và cơ quan chức năng sẽ xây mới lại nhà nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Ông Lê Văn Em bức xúc: “Gạch ống do công ty Bình Lâm xây nhà tôi chưa làm đã bị nước mưa làm mục, bê-tông cột, kèo đa phần bị bọng, nhiều nơi bị nứt có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Tôi mong các ngành chức năng có biện pháp xử lý đơn vị thi công để căn nhà gia đình tôi sớm xây dựng lại, có chỗ ở ổn định, tránh mưa nắng”.
Ở quận Ô Môn cũng xảy ra thiếu sót trong công tác xây dựng nhà tình nghĩa do sử dụng tiền của nhà tài trợ để trả nợ. Năm 2013, Công ty cổ phần Xi-măng Tây Ðô (Cần Thơ) tài trợ 108 triệu đồng cho quận Ô Môn xây dựng hai nhà tình nghĩa cho hộ chính sách tại phường Phước Thới. Nhưng trong quyết định bàn giao, biển gắn trước hai nhà này lại ghi do Ngân hàng SHB tài trợ khiến người dân băn khoăn, dư luận hoài nghi. Ông Lê Việt Sỹ, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn cho biết: “Tổng số tiền xây dựng 48 nhà tình nghĩa năm 2013 trên địa bàn quận là 2,8 tỷ đồng nhưng nguồn tiền ngân sách chỉ có 1,2 tỷ đồng, địa phương vận động hơn 600 triệu đồng, còn nợ hơn 600 triệu đồng. Còn trong quyết định giao nhà và gắn biển ghi tên nhà tài trợ là ngân hàng SHB nhằm để phục vụ công tác tuyên truyền chứ không có chuyện tư lợi. Quận Ô Môn đã thống nhất với Công ty cổ phần Xi-măng Tây Ðô xây hai nhà tình nghĩa theo đúng số tiền công ty đã tài trợ.
Với Công ty Bình Lâm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LÐ-TB-XH) TP Cần Thơ yêu cầu Ngân hàng SHB cắt hợp đồng xây dựng với công ty do chưa triển khai xây dựng các căn nhà tình nghĩa ở quận Thốt Nốt, huyện Thới Lai; đồng thời ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu ở địa phương để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Riêng những nhà xây dựng dang dở, kém chất lượng, Công ty Bình Lâm cần sớm triển khai xây dựng bảo đảm tiến độ, đạt chất lượng mới nghiệm thu và bàn giao.
Ngày 24-9 vừa qua, tại cuộc họp chấn chỉnh những sai sót trong xây dựng nhà tình nghĩa ở thành phố ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu: Sở Xây dựng, LÐ-TB-XH và nhà tài trợ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xây nhà tình nghĩa của công ty Bình Lâm. Nếu các căn nhà đạt yêu cầu về tiến độ, chất lượng sẽ nghiệm thu, không đạt yêu cầu cần đập bỏ xây lại. Bên cạnh đó, ngành chức năng kiểm tra năng lực nhà thầu, nếu không đáp ứng yêu cầu thì mạnh dạn cắt hợp đồng với nhà thầu này. Riêng UBND quận Ô Môn cần kiểm điểm nghiêm túc, có sai phạm phải kỷ luật nghiêm. Các quận, huyện khác cần rút kinh nghiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xây dựng nhà tình nghĩa.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()