Xây nhà khung thép: Xu hướng mới trong xây dựng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
(LSO) – Với nhiều ưu điểm như: thời gian thi công nhanh, tiết kiệm chi phí xây dựng, độ bền cao… thời gian qua, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã có nhiều công trình xây dựng bằng khung thép. Đây là xu hướng mới trong xây dựng, mở thêm lựa chọn cho các chủ đầu tư bởi tính tiện ích, phù hợp.
Bà Dương Ngọc Liễu, số 290 đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi thuê gần 200 m2 đất để mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Đầu năm 2018, khi xây dựng cửa hàng, tôi lựa chọn làm bằng khung thép vì công trình có độ bền chắc. Đặc biệt, sau này cần di dời, tôi có thể dễ dàng tháo lắp và tận dụng sử dụng được tiếp. Cùng với đó, làm nhà khung thép thì thời gian xây dựng rất ngắn, chỉ sau 1,5 tháng là hoàn thiện, chi phí cũng thấp hơn từ 300 đến 400 triệu đồng nếu cùng diện tích mà xây bằng bê tông cốt thép.
Công ty Cổ phần thương mại SAGOTA Bita Cao Bắc Lạng, Lô N24- Khu tái định cư và dân cư Nam thành phố Lạng Sơn Lạng Sơn được xây bằng khung thép
Không chỉ gia đình bà Liễu, hiện nay, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, có khoảng 40 đến 50 công trình dựng bằng khung thép. Các công trình này chủ yếu gồm nhà xưởng, cửa hàng kinh doanh, quán ăn… Đặc biệt, trong số đó cũng có nhiều gia đình chọn lựa xây nhà khung thép để làm nhà ở. Ông Lương Văn Mòn, thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tài chính của gia đình có hạn, nên sau khi tham khảo tôi quyết định làm nhà khung thép. Tháng 2/2020, tôi bắt đầu xây dựng nhà, sau gần 2 tháng đã hoàn thiện. Với diện tích gần 100 m2 tôi dựng nhà 2 tầng. Tổng chi phí hoàn thiện hết 400 triệu đồng; giá thành thấp, độ bền trung bình được 40 đến 50 năm nên tôi thấy làm nhà khung thép có rất nhiều mặt lợi.
Nhà khung thép hay còn gọi là nhà tiền chế, là sản phẩm của công nghệ tiên tiến, kỹ thuật cao và hiện đại, được xây dựng hoàn toàn trên kết cấu thép. Theo đó, về phần móng nhà, cơ bản cũng được làm kiên cố bằng móng xây bê tông cốt thép. Từ đó, nhà khung thép có thể xây lên từ 3 đến 4 tầng, thậm chí có thể xây tới 8 đến 10 tầng. Nhà khung thép có thể chịu được tải trọng lớn, độ bền cao và thích hợp làm trên diện tích mặt bằng lớn. Sau khi thiết kế, đo đạc chính xác về kích thước, các thông số kỹ thuật sẽ được chuyển tới nhà máy sản xuất để chế tạo, lắp ghép tại xưởng thuộc các công ty gang thép các tỉnh, thành: Bắc Giang, Thái Nguyên… Sau khi hoàn thiện, phần khung sẽ được vận chuyển lắp ráp tại công trình trên cơ sở tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật.
So với nhà bê tông cốt thép, thời gian làm nhà khung thép được rút ngắn rất nhiều. Với những công trình diện tích nhỏ có thể sau 1 tuần đã dựng được khung nên rút ngắn khoảng 1/3 thời gian vì tất cả kết cấu đã được nhà máy sản xuất. Đến công trình chỉ việc lắp ráp, hoàn thiện. Ông An Văn Hai, chủ thầu xây dựng chuyên nhận các công trình bằng khung thép cho biết: 3 năm trở lại đây, Lạng Sơn có nhiều công trình làm bằng khung thép. Từ đầu năm 2020 đến nay, tôi đã thực hiện 4 công trình làm bằng khung thép. Nếu xây nhà bằng phương pháp truyền thống sẽ phải mất từ 8 đến 10 tháng đối với công trình tương đối phức tạp với quy mô 4 tầng, nhưng dựng bằng khung thép thì thời gian giảm được 1 nửa.
Theo tính toán, nếu thi công 1 công trình 100 m2/sàn bằng khung thép thì sử dụng khoảng 13 đến 15 tấn thép, chi phí khoảng 300 triệu đồng/sàn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào thiết kế, độ cao, độ dày của thép, trọng lượng này sẽ thay đổi lên xuống.
Ông Triệu Hoàng Trung, Phó Trưởng Phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng cho biết: Thi công công trình bằng khung thép đang là xu hướng mới trong xây dựng ở Lạng Sơn thời gian gần đây. Bên cạnh các ưu điểm của phương thức xây dựng này, các chủ đầu tư nên lưu ý đến các tính năng như: khả năng chịu lửa thấp; sau khi dùng một thời gian có thể mất thêm chi phí bảo dưỡng… Tuy nhiên, những nhược điểm đó đều có cách khắc phục. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng công trình, điều quan trọng nhất cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành trong xây dựng. Trong đó, có tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9385:2012 BS 6651:1999 Chống sét cho công trình xây dựng – Hướng dẫn thiết kế, kiểm tra và bảo trì hệ thống; tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 170:2007 Kết cấu thép – Gia công, lắp ráp và nghiệm thu – Yêu cầu kỹ thuật… Cùng đó, các cấp, ngành liên quan, nhất là tại cơ sở cần tăng cường quản lý Nhà nước trong quá trình cấp phép xây dựng các công trình này.
Ý kiến ()