Xây dựng y tế xã theo chuẩn mới: Thuận lợi và thách thức
LSO-Bộ tiêu chí Quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020 do Bộ Y tế ban hành tuy vẫn dựa trên cơ sở của tiêu chí cũ, song có một số tiêu chí đòi hỏi yêu cầu rất cao như mỗi trạm phải có từ 10-13 phòng chức năng, có ít nhất 50% danh mục đã ban hành gồm 176 loại, trong đó có 3 thiết bị bắt buộc là máy siêu âm, máy điện tim và máy đo đường huyết. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức lớn đối với y tế Lạng Sơn.
LSO-Bộ tiêu chí Quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020 do Bộ Y tế ban hành tuy vẫn dựa trên cơ sở của tiêu chí cũ, song có một số tiêu chí đòi hỏi yêu cầu rất cao như mỗi trạm phải có từ 10-13 phòng chức năng, có ít nhất 50% danh mục đã ban hành gồm 176 loại, trong đó có 3 thiết bị bắt buộc là máy siêu âm, máy điện tim và máy đo đường huyết. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức lớn đối với y tế Lạng Sơn.
Trạm Y tế xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn tiêm chủng cho trẻ em dưới 3 tuổi – Ảnh: MINH HỒNG |
Qua khảo sát của ngành y tế, đến giữa năm 2013, tất cả 226 trạm y tế trong toàn tỉnh chưa trạm y tế nào đạt được chuẩn mới. Đặc biệt về tiêu chí 3 (cơ sở hạ tầng) có đến 122 xã (54%) không đạt. Trong đó, có đến 189 xã (84%) không đạt chỉ tiêu 9 về xây dựng các phòng chức năng. Tiêu chí về trang thiết bị, có đến 178 trạm (78,8%) không đạt và có 104 xã (45,5%) bị “điểm liệt” ở tiêu chí này (vì có dưới 50% trang thiết bị theo quy định). Về cơ sở hạ tầng của 35 xã thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, trừ Trạm Y tế xã Vạn Linh (Chi Lăng) đã đạt yêu cầu và 2 trạm Hải Yến (Cao Lộc), Tân Mỹ (Văn Lãng) có khả năng cải tạo, số còn lại đều là nhà cấp 4 được xây dựng cách đây hơn 20 năm, chỉ có 4-5 phòng chật hẹp và đang xuống cấp, đòi hỏi phải xây dựng mới hoàn toàn. Tuy đã có 23/35 xã đạt trên 50% điểm quy định, song trừ Trạm Y tế xã Quang Lang (Chi Lăng), Tân Thành (Hữu Lũng) có trên 70% trang thiết bị theo tuyến, còn lại trang thiết bị vừa không đủ, vừa lạc hậu và cũ nát.
Thuận lợi cơ bản của y tế xã là được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chỉ đạo sát sao của Sở Y tế, nên toàn tỉnh đã có 84% số xã đạt chuẩn Quốc gia theo tiêu chí 2001-2010. Đã có 81,4% số xã có bác sĩ, 100% trạm y tế có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh trung cấp. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản luôn được kiện toàn và hoạt động nhiệt tình. Tất cả tạo nên một tuyến y tế cơ sở khá mạnh trong công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, đề phòng dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và thực hiện công tác bảo hiểm y tế (BHYT) cho 89% dân số toàn tỉnh. Về cơ sở hạ tầng, đã có 104 xã đạt tiêu chí mới, trong đó có 1 xã đạt điểm tối đa, có 17 xã (7,5%) đạt điểm tối đa về các phòng chức năng. Đây được coi là những điển hình để ngành khảo sát và nhân rộng. Trên cơ sở khảo sát, tính toán, ngành y tế đã lập Đề án xây dựng trạm y tế cho 35 xã thuộc Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015- tạo những “tiền đề” đầu tiên trong công tác xây dựng y tế xã theo chuẩn mới. Theo Đề án này, từ nay đến 2015 phải đầu tư xây mới 32 trạm y tế, sửa chữa mở rộng 2 trạm. Nếu kết cấu mỗi trạm có quy mô nhà 2 tầng, 14 phòng chức năng theo thiết kế mẫu của Bộ Y tế và mỗi suất đầu tư tạm tính theo thời giá là 6 triệu đồng/m2, thì kinh phí xây lắp mỗi trạm là trên 1,5 tỷ đồng. Cải tạo mở rộng nâng cấp 2 trạm là Hải Yến (Cao Lộc) và Tân Mỹ (Văn Lãng) với kinh phí trên 700 triệu đồng/ trạm. Tổng cộng riêng xây mới cho 32 trạm, cải tạo nâng cấp cho 2 trạm đã là trên 52,8 tỷ đồng. Bổ sung trang thiết bị cho 35 trạm y tế với mức đạt từ 85-90% danh mục theo tuyến là trên 26,4 tỷ đồng. Như vậy, riêng đầu tư cho 35 trạm y tế trong Đề án xây dựng nông thôn mới, từ nay đến 2015 đã có tổng số vốn là gần 79,2 tỷ đồng. Với nguồn vốn từ Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn của tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác, ngành y tế đề ra một lộ trình thực hiện khá hợp lý. Theo đó, năm 2013 xây mới và trang bị cho 2 trạm là Tô Hiệu (Bình Gia) và Mai Pha (thành phố) với tổng kinh phí trên 4,6 tỷ đồng; năm 2014 xây mới 21 trạm, cải tạo 2 trạm và cấp trang thiết bị cho 24 trạm với tổng kinh phí trên 53,4 tỷ đồng; năm 2015 xây mới và cấp trang thiết bị cho 9 trạm còn lại với tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi về tiến trình xây dựng trạm y tế xã phục vụ cho công tác xây dựng nông thôn mới, đồng chí Hà Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế nói rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, ngành y tế đã và đang có những bước đi đầu tiên như khảo sát, lập kế hoạch, bồi đưỡng nhân lực…
Thống kê thuốc chữa bệnh cho nhân dân tại Trạm Y tế xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc – Ảnh: B.T |
Có lộ trình cụ thể và sự “hợp lực” của các chương trình, có thể ngành y tế sẽ triển khai Đề án theo đúng kế hoạch. Song tiến độ của công tác xây dựng lại phụ thuộc vào nhiều vấn đề như giải phóng mặt bằng, tốc độ giải ngân xây dựng và mua sắm trang thiết bị cũng như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Mặt khác, đối với những xã gần trung tâm thành phố, thị trấn, gần các bệnh viện tỉnh, huyện hoặc phòng khám ĐKKV, khi xây dựng xong liệu có thu hút được bệnh nhân đến khám chữa bệnh như các Trạm y tế xã Mai Pha (thành phố), Đồng Tân, Vân Nham (Hữu Lũng), Quang Lang (Chi Lăng), Tô Hiệu (Bình Gia)…Có lần trao đổi với chúng tôi, trạm trưởng Hoàng Thị Hồng Gấm (Trạm Y tế xã Mai Pha) nói rằng, hiện mới có 30% người dân đến khám chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật (quy định là trên 80%) và phân vân rằng tiêu chí “mang tính chất quyết định” này rất khó đạt. Và như vậy, cho dù thực hiện được 95/100 điểm của 10 tiêu chí, song trạm vẫn chưa thể đạt chuẩn.
MINH HỒNG
Ý kiến ()