Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em: Cần cải thiện những tiêu chí thấp điểm
(LSO) – Năm 2018, toàn tỉnh có 221/226 xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (XPPHTE), đạt 97,78%. Tuy nhiên, một số tiêu chí vẫn còn hạn chế, cần được cải thiện nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Ngày 30/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg quy định Tiêu chuẩn XPPHTE với 15 tiêu chí cụ thể. Để triển khai thực hiện đúng quy trình đánh giá các tiêu chí chấm điểm XPPHTE, hằng năm, ngành chức năng của tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác trẻ em.
Năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 12 lớp tập huấn, trong đó cấp tỉnh tổ chức 1 lớp, cấp huyện 11 lớp. Nội dung tập huấn nhằm nâng cao năng lực cán bộ và hướng dẫn thực hiện quy trình đánh giá công nhận XPPHTE theo tinh thần Thông tư số 25/TT – BLĐTBXH, ngày 6/9/2014 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục triển khai và chấm điểm XPPHTE.
Học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn khám phá đồ chơi truyền thống tại Bảo tàng tỉnh
Qua chấm điểm đánh giá, năm 2018, toàn tỉnh có 221/226 xã, phường, thị trấn được UBND các huyện, thành phố ban hành quyết định công nhận XPPHTE, đạt 97,78%. Cụ thể, có 9 tiêu chí đạt điểm cao hoặc điểm tuyệt đối trên 95%; 4 tiêu chí đạt điểm ở mức khá, tuy nhiên số xã đạt còn ít; còn 2 tiêu chí (14 và 15) đạt thấp điểm. Trong đó, tiêu chí 14 về điểm vui chơi, giải trí và tổ chức các hoạt động cho trẻ em có 226 xã, phường, thị trấn đạt từ 20 điểm trở lên; tiêu chí 15 về thực hiện các mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em có 77/226 xã thực hiện, đạt 34,07% (70 xã đạt 50 điểm, 7 xã đạt từ 10 đến 45 điểm).
Bà Hoàng Thị Nhất, Phó Trưởng phòng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH cho biết: Kết quả chấm điểm các tiêu chí XPPHTE trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao. Tuy nhiên một số tiêu chí vẫn còn hạn chế như: tiêu chí 15 về thực hiện các mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em mới chỉ có 77/226 xã thực hiện, đạt 34,07%; tiêu chí 14 các xã, thị trấn hầu như đều chưa có điểm vui chơi, giải trí để tổ chức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao dành riêng cho trẻ em.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, trẻ em từ 0 đến 16 tuổi có trên 190 nghìn trẻ, chiếm khoảng 24,8% tổng dân số toàn tỉnh. Trên thực tế, toàn tỉnh có rất ít điểm vui chơi cho trẻ em. Tại thành phố Lạng Sơn – trung tâm của tỉnh thì có Cung Thanh, thiếu nhi; công viên Chi Lăng, một số điểm vui chơi tại các siêu thị lớn như: Đồng Tiến, VinMart, Thành Đô… Tại các huyện, xã, chủ yếu trẻ em sinh hoạt tại trung tâm văn hóa huyện, các trường học, nhà văn hóa các xã, thôn chứ chưa có điểm sinh hoạt riêng cho các em.
Học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng tham quan tại Bảo tàng tỉnh
Chị Bế Thị Hương, người dân trên địa bàn thị trấn Cao Lộc cho biết: Nhà tôi có 2 cháu nhỏ, ngoài giờ các con lên lớp, gia đình muốn cho các bé đi chơi nhưng chẳng có điểm vui chơi phù hợp. Vì vậy, cuối tuần cả nhà lại đi siêu thị để con được vui chơi, cũng may ở gần, chứ ở trong các xã xa trung tâm thì cơ hội tiếp cận càng ít.
Từ năm 2014, huyện Văn Lãng đã được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo tiêu chí 15 về thực hiện các mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em. Bà Nguyễn Thị Minh Hải, Trưởng phòng LĐTB&XH – Dân tộc huyện Văn Lãng cho biết: Thực hiện mô hình, thời gian qua, huyện đã lựa chọn 5 xã, thị trấn (Gia Miễn, Tân Mỹ, Tân Việt, Hoàng Văn Thụ và thị trấn Na Sầm) để triển khai thực hiện. Theo đó, các xã đã thành lập Ban chỉ đạo; nhóm công tác liên ngành và mạng lưới cộng tác viên thôn, bản, khu phố; nhóm trẻ em nòng cốt; thiết lập các điểm tư vấn tạo thành mạng lưới bảo vệ trẻ em, tiếp nhận các thông tin về trẻ em theo đúng quy trình can thiệp và trợ giúp. Nhờ đó, năm 2014, toàn huyện có 16/20 xã, thị trấn được công nhận XPPHTE, đạt 80%; từ năm 2015 đến 2018, tỷ lệ này đã được nâng lên 100%. Mặc dù đạt kết quả cao nhưng riêng tiêu chí 14, 15 trên địa bàn chỉ số điểm vẫn còn thấp.
Sau 5 năm triển khai thực hiện xây dựng XPPHTE theo quyết định số 34, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 3/1/2019 quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận XPPHTE, rút ngắn từ 15 tiêu chí xuống còn 13 tiêu chí. Để đảm bảo thực hiện xây dựng XPPHTE theo quyết định mới, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tham mưu cho tỉnh quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa các khu vui chơi công cộng, tạo các sân chơi, diễn đàn để trẻ em bày tỏ nguyện vọng cũng như các quyền tham gia hoạt động của mình.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()