Thứ 4, 25/12/2024 14:08 [(GMT +7)]
Xây dựng xã hội học tập ở Trà Vinh
Thứ 3, 15/02/2011 | 13:58:00 [(GMT +7)] A A
Thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị khóa X, Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ về: “Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, những năm qua Hội khuyến học các cấp trong tỉnh Trà Vinh đã tham mưu cho đảng bộ cùng cấp xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác khuyến học trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Hội khuyến học các cấp đã biết phát huy vai trò nòng cốt để xây dựng xã hội học tập.
Việc củng cố, xây dựng phát triển hội, phát triển hội viên đông về số, mạnh về chất được chú trọng. Đây là bước đột phá làm nòng cốt trong các mặt hoạt động của hội, nhất là trong công tác tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác khuyến học, cũng như việc xây dựng xã hội học tập. Trong năm năm qua, đã phát triển được gần 55 nghìn hội viên mới, nâng tổng số lên hơn 83 nghìn hội viên, chiếm hơn 8% số dân, bình quân 2,9 hộ có một hội viên. Cùng với công tác phát triển hội viên, việc củng cố tổ chức hội cũng được quan tâm đúng mức. Đến nay, 100% số huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, ấp, khóm trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập được tổ chức hội cấp tương đương. Ngoài ra, còn thành lập được 1.545 tổ hội ở khu dân cư, 235 tổ hội ở các cơ quan, 95 chi hội ở các cơ sở thờ tự và 100% số trường học đều có ban khuyến học.
Xây dựng xã hội học tập là cái đích đến của công tác khuyến học. Vì thế, trong những năm qua, các cấp hội khuyến học trong tỉnh Trà Vinh đã chủ động đẩy mạnh các hỗ trợ trong trường học, phong trào xây dựng gia đình hiếu học, xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng, quỹ khuyến học. Cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, góp phần hỗ trợ gia đình và các học sinh giảm bớt gánh nặng trong chi phí học tập, giúp các em học sinh có thêm điều kiện, tiếp tục theo học lên cao là việc làm thường xuyên và liên tục của các cấp hội. Năm năm qua, các cấp hội đã cấp gần 75 nghìn xuất học bổng, với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp hội còn vận động hàng nghìn hộ dân hiến gần 80 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình phục vụ học tập, vận động hàng chục tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa phòng học, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học…
Giờ học môn toán ở trường tiểu học Lương Hòa C, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành (Trà Vinh).
Trung tâm học tập cộng đồng tuy là hình thức cơ sở học tập – đào tạo không chính quy nhưng nó đáp ứng được đa dạng nhu cầu học tập của toàn xã hội, nhất là đối với người lớn tuổi, người lao động được học theo yêu cầu 'ai cần gì học nấy'. Trung tâm học tập cộng đồng đầu tiên ở tỉnh Trà Vinh được thành lập vào tháng 3-2003 tại xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, đến nay đã nhân rộng ra 104/104 xã, phường, thị trấn trong tỉnh và phát triển thêm hơn 280 điểm học tập cộng đồng ở ấp, khóm, chùa Khmer, nơi thờ tự của các tôn giáo. Những năm qua đã có gần một triệu lượt người được tấp huấn, bồi dưỡng, học bổ túc văn hóa, tin học, ngoại ngữ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… học nghề ngắn hạn tại các trung tâm học tập cộng đồng. Đã có gần 20 nghìn lao động được đào tạo nghề tại các trung tâm học tập cộng đồng có được việc làm, ổn định cuộc sống. Theo đánh giá của Hội khuyến học tỉnh, tuy chỉ mới có khoảng 60% số trung tâm học tập cộng đồng hoạt động thường xuyên, nhưng qua đó mang lại giá trị to lớn trong việc nâng cao nhận thức về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; góp phần ổn định chính trị – xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết trong nội bộ nhân dân, xây dựng nếp sống mới, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ; giúp người lao động biết cách xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nếu như cách đây năm năm, toàn tỉnh Trà Vinh chỉ có 9.000 gia đình hiếu học, thì nay đã có 62.500 gia đình hiếu học, bình quân hơn bốn gia đình có một gia đình hiếu học, xây dựng được 23 dòng họ khuyến học và 1.545 tổ dân cư đăng ký phấn đấu đạt chuẩn khuyến học. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, gia đình hiếu học là lá chắn từ xa, nhưng hết sức chắc chắn trong việc ngăn ngừa học sinh bỏ học giữa chừng, học sinh mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Gia đình hiếu học cùng với nhà trường giáo dục học sinh trở thành những con ngoan, trò giỏi; sống có đạo đức, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Nhiều thành viên trưởng thành từ các gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học là những lao động trí thức, là nguồn nhân lực có chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền sản xuất của quê hương, đất nước; mà trước nhất có được việc làm và thu nhập ổn định góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()