Xây dựng xã hội học tập ở Hòa Bình
Bằng nhiều giải pháp và sự vào cuộc của đông đảo cán bộ, người dân, tỉnh Hòa Bình đang từng bước khẳng định hướng đi đúng trong phát triển trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCÐ), nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục thường xuyên (GDTX), góp phần xây dựng xã hội học tập (XHHT), tạo điều kiện để mọi người có cơ hội học tập suốt đời.
Ða dạng hoạt động TTHTCÐ
Câu lạc bộ (CLB) phát triển cộng đồng văn hóa nghệ thuật thôn Ðồng Ngoài, xã Vĩnh Tiến (huyện Kim Bôi), vào những ngày cuối năm, không khí sinh hoạt văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc và sân khấu diễn ra sôi nổi với các tiết mục hát, múa mang đậm chất văn hóa Mường chuẩn bị vui đón Tết cổ truyền. Theo cô giáo Bùi Thị Huệ, cán bộ Thường trực TTHTCÐ xã Vĩnh Tiến: TTHTCÐ xã đã thành lập được tám CLB phát triển cộng đồng ở tất cả các thôn nhằm sinh hoạt tổ nhóm, học tập văn hóa cũng như chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nhau phát triển kinh tế. Ngoài ra, trên địa bàn xã cũng thành lập được ba CLB phát triển cộng đồng liên kết gồm các hộ gia đình sản xuất giỏi, những gia đình văn hóa tiêu biểu hay những gia đình hiếu học ở tất cả các thôn, bản làm nòng cốt nhằm thực hiện các buổi học tập, sinh hoạt văn hóa, giáo dục, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Ðáng chú ý, các CLB còn kết hợp với các ban, ngành, chính quyền, đoàn thể địa phương rà soát, điều tra nhu cầu, tập hợp nguyện vọng của nhân dân để phân định, triển khai nội dung học tập. Các CLB phát triển cộng đồng là hạt nhân tạo nên hoạt động phong phú, đa dạng của các TTHTCÐ hoạt động hiệu quả. Chỉ tính riêng năm 2013, TTHTCÐ Vĩnh Tiến đã tổ chức học tập được 31 chuyên đề cho 4.500 lượt người tham dự các nội dung giáo dục, tư vấn, chuyển giao, phát triển cộng đồng.
TTHTCÐ Vĩnh Tiến chỉ là một trong số nhiều TTHTCÐ ở Hòa Bình hoạt động hiệu quả. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hòa Bình Bùi Trọng Ðắc, trên địa bàn tỉnh, mỗi thôn, xóm, tổ dân phố đều thành lập ít nhất một CLB phát triển cộng đồng. Các buổi sinh hoạt CLB tập trung chủ yếu vào việc xác định các vấn đề bức xúc, tồn tại trong cộng đồng để các thành viên CLB cùng nhau phân tích, giải quyết. Trong đó, hoạt động nâng cao dân trí, nhất là kỹ năng đọc viết và tính toán theo nhu cầu của người học, người sinh hoạt CLB được chú trọng. Nếu ví TTHTCÐ là trường học, thì CLB phát triển cộng đồng là các lớp học đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân. Ðến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 210 TTHTCÐ phủ khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; trong đó, có 106 TTHTCÐ có trụ sở hoạt động riêng. Ngoài ra, tại các địa phương trong tỉnh đã thành lập được 1.906 CLB phát triển cộng đồng với 4.480 nhóm thành viên. Các TTHTCÐ đã hoàn thành tốt việc cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước; phổ biến chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật; tổ chức học nghề mới; học bổ túc văn hóa, xóa mù chữ; cung cấp kiến thức về văn hóa, lối sống…
Chú trọng hoạt động GDTX
Nghiệm thu chuyển giao kỹ thuật trồng giống lúa mới tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Pù Bin, Mai Châu (Hòa Bình).
Cùng với hoạt động của các TTHTCÐ, hoạt động GDTX cũng phát huy tính tích cực tạo điều kiện học tập, đáp ứng nhu cầu mọi người. Trong GDTX luôn có sự gắn kết với hoạt động TTHTCÐ. Với yêu cầu tổ chức các chương trình giáo dục (xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, giáo dục đáp ứng yêu cầu người học…), điều tra nhu cầu học tập trên địa bàn, tổ chức dạy và thực hành kỹ thuật nghề nghiệp, liên kết đào tạo… các trung tâm GDTX ở tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai các lớp học. Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Kim Bôi Nguyễn Tiến Dũng cho biết, mặc dù cái khó trong làm GDTX là tuyển sinh đầu vào các lớp văn hóa còn nhiều bất cập do không đồng đều về trình độ, lứa tuổi; nhu cầu học tập của người dân ngày càng tăng và đa dạng. Vì vậy, trong hoạt động giáo dục, ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ, mỗi giáo viên của trung tâm đều được phân công phụ trách một số xã để phối hợp với các TTHTCÐ mở các lớp dạy chuyên đề đáp ứng nhu cầu của người dân. Mặt khác, các cán bộ, giáo viên trong các trung tâm GDTX hằng năm đều tiến hành điều tra nhu cầu học tập trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng, đưa các chương trình, nội dung giáo dục phù hợp nhu cầu người dân. Với quy mô tám lớp học văn hóa gồm 315 học viên học lớp 10, 11 và lớp 12 cùng hàng chục lớp học nghề, nâng cao trình độ và các hoạt động chuyên đề thu hút hàng nghìn lượt người tham gia góp phần tích cực nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, xây dựng XHHT trên địa bàn. Cùng với huyện Kim Bôi, ở nhiều địa phương khác của Hòa Bình, hoạt động GDTX khá hiệu quả. Từ năm 2009 đến năm 2013, các trung tâm GDTX của tỉnh đã mở 101 lớp học đại học, cao đẳng liên kết cho 8.370 học viên; 89 lớp học trung cấp chuyên nghiệp, 429 lớp học cho gần 15 nghìn học viên trình độ THPT; 199 lớp học nghề cho 5.295 học viên và 1.183 lớp học chuyên đề, chứng chỉ… cho khoảng 70 nghìn lượt người tham dự…
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Minh Thành, mặc dù là địa phương vùng núi nhưng công tác xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh thu được nhiều kết quả quan trọng. Các TTHTCÐ đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ dân trí. Bên cạnh đó, hoạt động GDTX được chú trọng với các giải pháp thiết thực. Vì vậy, cùng với giáo dục chính quy, GDTX và hoạt động của TTHTCÐ đã góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng XHHT của Hòa Bình ngày càng đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thực tế, việc tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao, tự hoàn thiện trong cán bộ, nhân dân còn hạn chế. Ðiều đáng nói là, người lao động có nhu cầu được đào tạo, học tập nâng cao trình độ ngày càng cao nhưng GDTX chưa đủ điều kiện đáp ứng. TTHTCÐ nhiều địa phương trong tỉnh chưa có cơ sở độc lập, hiệu quả hoạt động thấp, nội dung chưa đa dạng. Vấn đề kinh phí cho hoạt động xây dựng XHHT còn bất cập, trong khi đó việc phối hợp giữa ngành GD và ÐT cùng các ngành gặp khó khăn. Ðiều đó đòi hỏi cần có những quy định cụ thể về cơ chế, chính sách cũng như sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành tỉnh Hòa Bình trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, người dân đều được học tập suốt đời, mọi nơi, mọi lúc, mọi trình độ, góp phần từng bước xây dựng XHHT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư (Khóa XI).
—————–
– Toàn tỉnh có 210/210 số xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi.
– 209/2010 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi.
– Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 đến 35 là 99,75%.
– Năm 2013 thu hút hơn 112 nghìn người tham gia các chuyên đề học tập kiến thức, kỹ năng, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()