Xây dựng xã hội học tập: Những kết quả đáng ghi nhận
– Một trong những nhiệm vụ nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đó là hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã triển khai linh hoạt các giải pháp, đẩy mạnh thực hiện các mô hình nhằm tiến tới xây dựng xã hội học tập.
Học viên xã Vân An, huyện Chi Lăng tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi lợn tại Trung tâm học tập cộng đồng xã
Xã hội học tập là xã hội trong đó học tập vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của công dân. Nhà nước đảm bảo quyền bình đẳng trong học tập, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế. Để xây dựng xã hội học tập cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền và sự chủ động của mỗi người dân.
Từ việc đẩy mạnh phổ cập giáo dục và xóa mù chữ
Nhận thức rõ muốn xây dựng xã hội học tập, trước hết cần phải làm tốt công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, các cấp ủy, chính quyền đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy công tác này.
Để thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, ngành GD&ĐT tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố quan tâm, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh có 743 trường thì hiện còn 670 trường. Toàn ngành cũng củng cố hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú với 110 trường toàn tỉnh; quan tâm bố trí đầy đủ, kịp thời đội ngũ giáo viên giảng dạy ở khu vực dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với hơn 10.000 giáo viên. Đặc biệt là triển khai, thực hiện tốt chế độ, chính sách của Nhà nước với trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học tại các xã vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo của ngành giáo dục tỉnh, hằng năm việc huy động trẻ, học sinh ra lớp luôn được đảm bảo, với tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Đến nay toàn tỉnh có 200/200 xã, phường, thị trấn và 11/11 huyện, thành phố duy trì đạt kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; cùng đó, toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.
Không chỉ chú trọng việc huy động trẻ đến trường, những năm qua, công tác xóa mù chữ cho người dân trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi và từ 35 tuổi đến 60 tuổi cũng được các cấp, ngành quan tâm đặc biệt. Trong hai năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh mở liên tục các lớp học xóa mù chữ, đáp ứng nhu cầu học tập cho người dân.
Là học viên lớp học xóa mù chữ do Trung tâm học tập cộng đồng xã Quý Hòa, huyện Bình Gia tổ chức, ngày dự lễ bế giảng, chị Hoàng Thị Tằng, thôn Nà Lùng không giấu được niềm vui: Trong suốt khóa học (từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2023) mỗi tối chúng tôi đều đặn kiên trì lên lớp học chữ. Đến nay, tôi đã có thể đọc và viết thành thạo, có thể đọc sách báo, xem thông tin và sử dụng mạng xã hội, giúp ích rất nhiều trong đời sống, sinh hoạt.
Không chỉ có chị Tằng, từ năm 2021 đến giữa năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức các lớp xóa mù chữ cho hơn 1.300 học viên. Các lớp học được tổ chức đều gần với địa điểm sinh sống của học viên, được bố trí vào giờ giấc phù hợp (thông thường vào buổi tối) để đảm bảo không ảnh hưởng đến lao động, sản xuất của người dân. Đồng thời, có sự hỗ trợ đồ dùng học tập đối với các đối tượng học viên có hoàn cảnh khó khăn, do đó, việc huy động người dân tham gia nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, công tác phổ cấp và xóa mù chữ đã được nhiều kết quả tích cực, đến nay toàn tỉnh duy trì đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.
Tiến tới xây dựng xã hội học tập
Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua Nghị quyết về quy định nội dung, mức chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (giai đoạn này dự kiến gần 5 tỷ đồng). Cụ thể, mỗi học viên tham gia lớp xóa mù chữ được hỗ trợ 1 triệu đồng. Nghị quyết đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy việc mở các lớp xóa mù chữ và khích lệ, động viên nhiều học viên tham gia lớp học, tạo nên phong trào học tập sôi nổi tại nhiều thôn, xã trên địa bàn tỉnh. |
Với dân số gần 800.000 người, trong đó có đến 80% là người dân tộc thiểu số và 88/200 xã đặc biệt khó khăn, việc thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập, thu hẹp dần khoảng cách học tập giữa thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Để tiến tới xây dựng xã hội học tập, ngoài việc triển khai tốt công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là ngành giáo dục đã tích cực phối hợp với hội khuyến học đẩy mạnh các mô hình, các phong trào học tập.
Bà Lê Kim Hòa, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, các cấp hội đã phát động nhiều phong trào thi đua nhằm liên kết, phối hợp các lực lượng xã hội, cơ sở giáo dục động viên, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời và thu nhiều kết quả tốt. Để tiến tới xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, hội khuyến học các cấp đã xây dựng kế hoạch và phát động phong trào thi đua với những nội dung, tiêu chí và giải pháp cụ thể nhằm triển khai các nội dung có liên quan, tiếp tục phối hợp chặt chẽ các đơn vị thực hiện tốt các mô hình học tập như: công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập.
Đơn cử như phong trào xây dựng “dòng họ học tập” đang được quan tâm triển khai và tạo sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 271 dòng họ khuyến học, trong đó đã có 224 dòng họ được công nhận là dòng họ học tập. Mỗi dòng họ đều chú trọng công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng nguồn quỹ hằng năm để trao thưởng, khen tặng, động viên con cháu.
Ông Dương Công Bẩy, Chủ tịch Hội đồng họ Dương, thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2019, dòng họ được Hội Khuyến học thành phố công nhận là “dòng họ học tập”. Đây là vinh dự và động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện các phong trào khuyến học, khuyến tài, thi đua học tập. Hiện dòng họ có hơn 150 hội viên, mỗi năm các hội viên đều đóng quỹ tối thiểu là 400.000 đồng để khen thưởng, vinh danh các cháu có thành tích tốt và thi đỗ đại học.
Tương tự, phong trào xây dựng “cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập” cũng đang được quan tâm chỉ đạo và thực hiện. Hội khuyến học các cấp đã tham mưu các văn bản hướng dẫn đánh giá và công nhận các mô hình. Hiện trên địa bàn có 1.504 cộng đồng học tập cấp thôn (chiếm 88,1%), 162 cộng đồng học tập cấp xã (chiếm 81%), 764 đơn vị học tập (chiếm 94,6%). Trong cộng đồng học tập, người dân có sự chủ động học tập, tham gia các lớp dạy nghề, học nghề hoặc chia sẻ, giúp đỡ nhau để cùng phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Bên cạnh đó, với sự phát triển công nghệ thông tin, người dân cũng tích cực khai thác sử dụng mạng xã hội hoặc các trang web để trao đổi, tìm kiếm thông tin, đáp ứng nhu cầu học tập, lĩnh hội kiến thức.
Cùng với việc đẩy mạnh triển khai các mô hình học tập trên, thời gian qua, ngành giáo dục và hội khuyến học các cấp trên địa bàn đã quan tâm đẩy mạnh thực hiện phong trào khuyến học khuyến tài. Mỗi năm, hội khuyến học các cấp huy động hàng chục tỷ đồng trao thưởng, động viên kịp thời cho các em học sinh đạt thành tích cao hoặc những tấm gương hiếu học, những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong phong trào xây dựng xã hội học tập, tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030”. Hưởng ứng phong trào, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội tích cực tham gia, chung sức hưởng ứng các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Ý kiến ()