Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa: Nâng cao giá trị nông sản Xứ Lạng
LSO-Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn liền với thị trường tiêu thụ là nội dung quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
LSO-Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn liền với thị trường tiêu thụ là nội dung quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Với tiềm năng về đất đai, khí hậu, Lạng Sơn đã và đang tạo ra được các sản phẩm mang nét đặc trưng riêng, vấn đề là làm thế nào để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn và củng cố, giữ vững đối với những sản phẩm đã hình thành vùng.
Minh Tiến (Hữu Lũng) đã dần trở thành vùng sản xuất ớt xuất khẩu |
Chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh luôn gắn liền với việc xây dựng, hình thành và củng cố các vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Đầu năm 2007, Tỉnh ủy đã phê duyệt đề án phát triển vùng sản xuất hàng tập trung giai đoạn 2006-2010 với mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Có thể khẳng định với sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực của nhà nông, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số vùng sản xuất hàng hóa điển hình như vùng chè Đình Lập, vùng thuốc lá Bắc Sơn, vùng na Chi Lăng, hồng Bảo Lâm, rừng nguyên liệu tại Đình Lập, Lộc Bình, Hữu Lũng…Tuy nhiên còn rất nhiều các sản phẩm đặc trưng khác chưa thành vùng sản xuất tập trung.
Trong cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tháng 9/2013 vừa qua, đồng chí Bí thư Huyện ủy Tràng Định nêu thực trạng: hiện tại địa phương đang rất khó khăn về giống cây trồng và vật nuôi, thực chất là những cửa hàng, đại lý hiện có chưa thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về chủng loại, số lượng của nhân dân. Thiếu giống cũng là một trong những bài toán nan giải để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: không phải bây giờ Tràng Định mới phản ánh về công tác giống mà đã nói từ nhiều năm qua. Nhân dân giáp biên, vùng sâu vùng xa, muốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt mà lại phải xuống tận các tỉnh phía sau để liên hệ mua giống thì chuyển dịch đã khó mà hình thành sản xuất lớn càng khó. Câu chuyện này không chỉ riêng đối với Tràng Định, mà hầu hết các địa phương trong tỉnh đều gặp khó trong vấn đề này. Hầu hết giống cây trồng, vật nuôi đều phải nhập từ các tỉnh phía sau và không loại trừ bà con khu vực giáp biên liên hệ giống từ bên kia biên giới qua con đường tiểu ngạch. Tuy nhiên cho đến thời điểm này Lạng Sơn vẫn chưa thể xây dựng hoặc vận động nhân dân chuyển đổi mô hình để tạo ra các trung tâm cung ứng giống cây trồng, vật nuôi. Trong các loại nông sản đặc sản của Lạng Sơn thì mặc dù chưa có chỉ dẫn địa lý, nhưng rau xanh Xứ Lạng đã nổi tiếng được thị trường và du khách ưa chuộng. Thế nhưng xét một cách tổng quát thì sản phẩm này chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa một cách rõ nét. Nói một cách ví von như đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thì chả thấy rau xanh ở đâu cả, bởi sản xuất vẫn chủ yếu là tự phát chứ đã thành vùng hàng hóa đâu. Theo thống kê của Ngành NN&PTNT thì toàn tỉnh hiện nay có khoảng gần 5.000ha rau xanh, sản lượng hàng năm đạt hơn 52 nghìn tấn. Thế nhưng nói về sản xuất tập trung, thực chất chỉ có cỡ vài chục ha ở thành phố và một số huyện quanh thành phố. Mà vùng sản xuất tập trung này cũng chỉ sản xuất theo mùa vụ chứ chưa thực sự chuyên canh. Trong tháng vừa qua giá rau xanh tăng rất cao, nhưng hầu hết Lạng Sơn phải nhập rau từ dưới xuôi, chỉ vài tháng nữa khi một số vùng sản xuất rau xuất bán sản phẩm thì giá rau trên địa bàn lại xuống rất thấp. Đúng là chưa thấy dáng dấp của vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ.
Điểm qua một vài câu chuyện về cung ứng giống và vùng sản xuất rau xanh có thể thấy tuy đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đây cũng là một trong những nội dung được rất nhiều đại biểu quan tâm và có ý kiến trong phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9/2013 vừa qua. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra con số thống kê: theo báo cáo của ngành NN&PTNT thì tỷ trọng hàng hóa trong giá trị nông, lâm nghiệp đạt trên 60%, gấp 3 lần so với mục tiêu của đề án, nhưng phải xem xét thật kỹ con số, bởi có thể ngay thời kỳ trước đề án đưa ra mục tiêu phấn đấu cũng chưa thật sát với thực tiễn. Đồng chí yêu cầu các ngành có liên quan cần tiếp tục đánh giá thật khách quan, từ công tác chỉ đạo điều hành đến triển khai thực hiện đề án, để từ đó nhìn nhận được những tồn tại hạn chế và đưa ra được các nhóm giải pháp để tiếp tục củng cố những vùng sản xuất tập trung đã có, hình thành các vùng sản xuất mới, phát huy và nâng cao giá trị của nông sản Xứ Lạng.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()