Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay có chủ đề “Vì một hành tinh xanh”, là cơ hội để nâng cao nhận thức của mọi người về vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tạo chuyển biến trong hành động, góp phần thực hiện các nhiệm vụ quản lý biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương. Khi nguồn tài nguyên và không gian phát triển trên đất liền ngày càng hạn hẹp, việc hướng ra biển, phát triển kinh tế biển là một xu thế lớn trên toàn cầu. Do đó, Thủ tướng đặt ra những yêu cầu đối với các bộ, ngành, địa phương, hướng tới mục tiêu đưa nước ta sớm trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, cụ thể, phải đoàn kết, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế; đồng thời Thủ tướng mong muốn đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài cùng đóng góp thiết thực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ các nước có lợi ích ở Biển Đông có những hành động thiết thực góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và bảo vệ môi trường biển. Việt Nam kiên trì, kiên quyết yêu cầu các bên liên quan giải quyết những khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; tiến hành đàm phán thực chất để sớm ký Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53 đến 55% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về biển và hải đảo; triển khai thực hiện tốt Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) biển, hải đảo. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển và hải đảo. Huy động, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biển. Thực hiện các chính sách, giải pháp cụ thể, phù hợp bảo đảm sinh kế, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo; tạo thuận lợi cho người dân bám biển, phát triển kinh tế biển và làm giàu từ biển.
BVMT biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, lâu dài, do đó cần tăng cường công tác BVMT, nhất là vùng biển ven bờ; ứng phó kịp thời các sự cố môi trường. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan, các địa phương trực tiếp kiểm tra, rà soát tất cả các dự án trên cả nước có xả thải ra môi trường biển, bảo đảm phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định của pháp luật về BVMT; kiên quyết xử lý nghiêm bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với lòng yêu nước nồng nàn, mỗi người dân Việt Nam chúng ta sẽ tiếp nối, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên, BVMT biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển thành công, hợp tác cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ đại dương xanh và hành tinh xanh.
* Sau lễ mít-tinh, lực lượng tình nguyện viên ra quân làm sạch bãi biển và diễu hành bằng xe đạp trong khu vực bãi biển Thịnh Long hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2016.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nam Định.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định đã khởi sắc, tuy nhiên, Nam Định vẫn là tỉnh nghèo, còn gặp nhiều khó khăn và yêu cầu tỉnh phải có giải pháp đồng bộ, tạo cú huých cho phát triển. Không tập trung phát triển bằng việc phá đất lúa để làm công nghiệp mà phải có giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp để vẫn giữ đất lúa mà vẫn phát triển mạnh; cần có giải pháp tích tụ ruộng đất, đưa tiến bộ khoa học – công nghệ mới vào sản xuất. Tỉnh cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; phát triển khu kinh tế tập trung; chú trọng công tác giải ngân bởi đây chính là một giải pháp phát triển. Thủ tướng lưu ý, Nam Định phải khởi nghiệp mạnh mẽ hơn; trước năm 2020, Nam Định phải trở thành tỉnh nông thôn mới; chú trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội, tự do tôn giáo, bảo đảm an ninh – trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường.
Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo về một số kiến nghị của tỉnh Nam Định.
* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm xã nông thôn mới Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Thăm hỏi và nói chuyện thân mật với người dân địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước coi xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng với mục tiêu thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Thủ tướng cũng lưu ý, người dân Hải Hà chưa hết khó khăn, thu nhập còn ở mức trung bình và chưa có nhiều hộ giàu. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền cần nỗ lực hơn nữa, thu hút công nghiệp về nông thôn, giải quyết việc làm theo tinh thần “ly nông bất ly hương”; quan tâm người cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình chính sách, nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ gìn an ninh – trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa; phát triển kinh tế đi đôi với giữ gìn vệ sinh môi trường.
* Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Hỷ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Hồng (có chồng và một con trai là liệt sĩ) tại xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Ý kiến ()