Xây dựng viện và ngành lịch sử quân sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới
Tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc đã để lại bề dày lịch sử quân sự với nhiều nét đặc sắc-kết tinh những giá trị tiêu biểu về phẩm chất của con người Việt Nam và những bài học có giá trị cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trước yêu cầu khách quan phải triển khai một cách toàn diện, đầy đủ, hệ thống, có phương pháp khoa học hoạt động nghiên cứu lịch sử quân sự (LSQS) và tổng kết chiến tranh (TKCT), ngày 28-5-1981, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) ký Quyết định số 172/QĐ-QP thành lập Viện LSQS Việt Nam trên cơ sở Phân viện LSQS và Ban Tổng kết kinh nghiệm chiến tranh thuộc Học viện Quân sự cao cấp.
Vượt qua khó khăn của một cơ quan nghiên cứu mới được hình thành, các thế hệ cán bộ, nhân viên của Viện LSQS Việt Nam đã nhanh chóng phát triển, từng bước ổn định, hoàn chỉnh về tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương pháp công tác; không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, biên soạn những công trình, đề tài có giá trị khoa học. Đến nay, viện đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn gần 300 công trình LSQS, trong đó có nhiều bộ sách giá trị. Viện cũng đã chủ trì phối hợp với một số cơ quan thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ đột xuất do Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, BQP giao, bảo đảm tiến độ và chất lượng, được đánh giá cao. Cùng với các công trình do viện nghiên cứu, biên soạn là hơn 3.000 công trình, đề tài LSQS, TKCT của các cơ quan thuộc BQP, các ngành, các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường, các đơn vị, địa phương, đã hợp thành một hệ thống tri thức LSQS có giá trị.
Tạp chí LSQS (cơ quan ngôn luận của viện và ngành LSQS) đã xuất bản 353 số với hàng triệu bản in, phát hành rộng rãi trong toàn quân, toàn quốc, công bố nhiều chuyên luận, bài nghiên cứu chuyên sâu, trao đổi, thẩm định, thống nhất và làm sáng tỏ về các sự kiện, nhân vật; cung cấp tư liệu và số liệu lịch sử. Viện đã tiến hành thu thập hàng chục nghìn bản sách, hàng trăm nghìn trang tư liệu, trong đó có nhiều tư liệu độc bản, quý giá do các nhân chứng, nhân vật lịch sử cung cấp; đã số hóa và cập nhật vào thư viện số gần hai nghìn tài liệu, tương đương một triệu trang sách, là cơ sở tin cậy cho công tác nghiên cứu. Viện không ngừng mở rộng hợp tác nghiên cứu với cơ quan nghiên cứu LSQS các nước: Lào, Campuchia, Liên bang Nga, Cuba, Hoa Kỳ, Pháp, New Zealand, Hàn Quốc… nhằm trao đổi thành tựu, kinh nghiệm nghiên cứu và các vấn đề lịch sử cùng quan tâm. Cùng với đó, viện cử nhiều đoàn cán bộ tham dự các cuộc hội thảo khoa học quốc tế tại các nước. Quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa viện với toàn ngành; giữa viện với các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, với các đồng chí lão thành cách mạng, tướng lĩnh và các nhà sử học, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành ngày càng được mở rộng và đạt hiệu quả cao.
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 – Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”, tổ chức đầu tháng 10-2020. Ảnh: THẾ HIỂN. |
Sau 40 năm nỗ lực nghiên cứu, biên soạn, Viện LSQS Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các bộ thông sử xuyên suốt quá trình đấu tranh giữ nước của dân tộc, tái hiện một cách sinh động hiện thực lịch sử dân tộc trong kháng chiến chống ngoại xâm, trong tiến trình dựng nước và giữ nước, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần làm sáng tỏ sự thật lịch sử, phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, bồi dưỡng tư duy quân sự, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc của các thế hệ người Việt Nam, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa…
Là trung tâm đào sau đại học của Nhà nước, từ năm 1994 đến nay, Viện LSQS Việt Nam khai giảng 21 khóa nghiên cứu sinh, góp phần tạo nguồn nhân lực bậc cao cho ngành LSQS và cho nền sử học nước nhà. Đến nay, hơn 90% cán bộ nghiên cứu của viện có trình độ sau đại học; nhiều cán bộ được các học viện, trường đại học, cơ quan khoa học mời tham gia các công trình nghiên cứu trọng điểm, giảng dạy, hội đồng khoa học thẩm định, đánh giá đề tài, luận văn, luận án.
Thực hiện chức năng cơ quan đầu ngành LSQS, viện đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương (QUTW), BQP về định hướng tổ chức và hoạt động của viện và ngành; về nội dung tập trung nghiên cứu và làm rõ những vấn đề LSQS; thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu, quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ các cơ quan, đơn vị, địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia thẩm định, đánh giá nghiệm thu nhiều công trình LSQS, TKCT trong toàn quân.
Trong những năm qua, viện tham mưu cho BQP chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, một số bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy, UBND một số tỉnh, thành phố tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học quốc tế, cấp quốc gia, cấp BQP, cấp ngành nhân kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, dân tộc và quân đội. Thành công của các cuộc hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ, khẳng định tầm vóc, ý nghĩa, là dịp để tuyên truyền sâu rộng về sự kiện lịch sử, bảo vệ sự thật lịch sử, chống lại các quan điểm xuyên tạc, bóp méo lịch sử theo dụng ý thâm độc của các thế lực thù địch.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của QUTW, thủ trưởng BQP, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM), Tổng cục Chính trị, Đảng ủy BTTM-Cơ quan BQP và sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, 40 năm qua, Viện LSQS Việt Nam đã vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng, phát triển, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; chất lượng nghiên cứu các công trình, đề tài LSQS, TKCT ngày càng nâng cao. Vai trò, uy tín của viện trong giới sử học Việt Nam, trong hệ thống ngành khoa học xã hội, nhân văn nước nhà tiếp tục được khẳng định và nâng cao. Với những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực nghiên cứu, tham mưu cho QUTW và BQP quản lý ngành, đào tạo và quảng bá, giáo dục kiến thức LSQS, Viện LSQS Việt Nam thực sự xứng đáng là cơ quan khoa học đầu ngành về LSQS của Quân đội nhân dân Việt Nam, trung tâm nghiên cứu LSQS của Nhà nước, trung tâm đào tạo sau đại học về lịch sử Việt Nam.
Những thành tích Viện LSQS Việt Nam đạt được trong 40 năm xây dựng và phát triển là tiền đề, điều kiện, động lực quan trọng để viện tiếp tục phấn đấu, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó, viết nên truyền thống “Đoàn kết, chủ động, bản lĩnh, tâm huyết, chuyên sâu”.
Phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, Viện LSQS Việt Nam tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chỉ đạo của QUTW, BQP về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác tham mưu chiến lược, xây dựng viện vững mạnh toàn diện, tập trung làm tốt công tác tham mưu cho QUTW, BQP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn LSQS và TKCT. Coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp trong viện và các cơ quan trong toàn ngành có đủ “tâm, tầm, trí”; thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao công tác nghiên cứu LSQS, TKCT, làm phong phú kho tàng lý luận khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Qua đó, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tăng cường nền quốc phòng toàn dân, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với những thành tích, đóng góp trong 40 năm qua, Viện LSQS Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì. Nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào tặng: Huân chương Itxala hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Anh dũng hạng Nhất. Viện còn được BQP, BTTM, các ban, bộ, ngành, địa phương tặng nhiều phần thưởng cao quý. |
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()