Xây dựng văn hóa trường học và phòng, chống bạo lực học đường
Thời gian qua, ngành giáo dục chú trọng thực hiện công tác xây dựng văn hóa trường học và phòng, chống bạo lực học đường thông qua các mô hình hoặc lồng ghép trong các môn học, phù hợp lứa tuổi, tâm, sinh lý người học. Qua đó, ý thức, nhận thức của người học ngày càng nâng cao, bước đầu khắc phục tình trạng bạo lực học đường và vi phạm nội quy trường học.
Mường Lát là huyện biên giới của tỉnh Thanh Hóa, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. Việc bảo đảm các điều kiện dạy và học, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành giáo dục địa phương đặc biệt quan tâm. Theo thầy giáo Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, phần lớn học sinh của trường là người dân tộc thiểu số. Nhà xa trường cho nên phần lớn học sinh thuê trọ ở ngoài và ở khu làng học sinh, dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.
Ðể thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường, nhà trường luôn chủ động phối hợp các đơn vị trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp và cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội. Xây dựng mô hình Trường THPT Mường Lát an toàn về an ninh trật tự, trong đó, phối hợp phòng tư pháp huyện tổ chức cuộc thi trực tuyến pháp luật học đường; phối hợp công an và Trung tâm văn hóa huyện ký kết và thực hiện quy chế bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao năng lực tổ chức và quản lý các câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ văn nghệ. Ngoài ra, trường phối hợp Huyện Ðoàn tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và các hoạt động giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, học sinh thông qua các hoạt động như: Ngày chủ nhật xanh, phân loại rác thải nhựa. Ban Giám hiệu thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, công khai số điện thoại của Ban Giám hiệu và Trưởng ban đại diện cha, mẹ học sinh để tiếp nhận, xử lý các thông tin người học. Các cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm phụ trách làng học sinh, quản lý ký túc xá.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) huyện Mường Lát Lò Văn Tuấn, Phòng thường xuyên chỉ đạo, triển khai các văn bản hướng dẫn của cấp trên đến các đơn vị trường học. Ðối với giáo viên, thông qua các cuộc họp giao ban, họp tổ chuyên môn, họp hội đồng toàn trường tổ chức phổ biến và tuyên truyền trong giáo viên các văn bản để kịp thời nắm bắt và có kế hoạch giáo dục học sinh. Với học sinh, thông qua các buổi chào cờ đầu tuần, lồng ghép trong các môn học như môn Giáo dục công dân, tuyên truyền qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa. Liên đội tổ chức các hoạt động, các cuộc thi tìm hiểu Luật An toàn giao thông, tổ chức hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm về bảo đảm an ninh trật tự và giúp các em tránh xa với các tệ nạn xã hội. Tổ chức ký cam kết trong học sinh và giáo viên không vi phạm các tệ nạn xã hội như ma túy, an toàn giao thông, an ninh trật tự, bạo lực học đường…
Tại tỉnh Sơn La, công tác xây dựng văn hóa trường học và phòng, chống bạo lực học đường cũng được ngành giáo dục địa phương chú trọng thực hiện. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thảo, Hiệu trưởng Trường mầm non Chiềng Lề (TP Sơn La) cho biết, hằng năm, nhà trường đều phát động các phong trào thi đua như: đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; trường học không khói thuốc; thi đua dạy tốt, học tốt. Ðồng thời, tổ chức các lễ hội, hoạt động ngoại khóa, các sân chơi cho trẻ phù hợp lứa tuổi như: Thi mâm cỗ Trung thu, thi vẽ phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức các lớp năng khiếu… Vì vậy, không có tình trạng bạo lực học đường xảy ra trong nhà trường; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ năm sau đều cao hơn năm trước. Trong thời gian tới, nhà trường chú trọng việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử. Trong đó, xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự phù hợp đối tượng trẻ. Cập nhật hệ thống văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở, Phòng GD và ÐT thực hiện nội dung xây dựng môi trường văn hóa, quy tắc văn hóa ứng xử trong nhà trường; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đột xuất về nội dung văn hóa ứng xử trong nhà trường; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, nền nếp, kỷ cương, kỷ luật nhà trường.
Theo Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD và ÐT) Bùi Văn Linh, để xây dựng văn hóa trường học và phòng, chống bạo lực học đường hiệu quả, các cơ sở giáo dục cần cập nhật các quy định mới, chính sách mới của ngành giáo dục. Công tác giáo dục phổ biến pháp luật cho người học cần chú trọng hơn. Nội dung này liên quan nhiều cơ quan, cho nên cần có cơ chế phối hợp, thực hiện. Thời gian tới, các trường cần đổi mới nội dung, phương thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh thông qua các môn học, hoạt động ngoại khóa. Tăng cường giáo dục các kỹ năng sống về phòng cháy, chữa cháy, tai nạn đuối nước cho học sinh; rà soát điều kiện cơ sở vật chất, tường rào có thể gây nguy hiểm… Ngành giáo dục các địa phương cần cập nhật kịp thời các chế độ, chính sách, ứng xử văn hóa, công tác xã hội, quy chế, điều lệ các cấp học.
Ý kiến ()