Xây dựng văn hóa học đường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Văn hóa học đường là nền tảng tạo dựng một môi trường học tập tích cực; góp phần định hình nhân cách của người học, giúp các em trở thành những công dân có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Trong hai ngày 9 và 10/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử trong trường học.
Tham dự lớp tập huấn có gần 400 cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ, nhân viên phụ trách công tác học sinh, sinh viên, công tác Đoàn, Hội, Đội tại các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cơ sở giáo dục trên toàn quốc.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Đạt nhấn mạnh: Văn hóa học đường là nền tảng tạo dựng một môi trường học tập tích cực, góp phần định hình nhân cách của người học, giúp các em trở thành những công dân có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử trong trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và sự phát triển bền vững của mỗi trường học và cơ sở đào tạo.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đầy đủ, kịp thời nhiều văn bản quan trọng về công tác xây dựng văn hóa học đường...
Bên cạnh nhiều kết quả nổi bật trong công tác văn hóa học đường, văn hóa ứng xử trong trường học, trong bối cảnh hiện nay, nền giáo dục hiện đại trong đó có văn hoá học đường đang chịu sự tác động lớn của bối cảnh trong nước và quốc tế, dẫn đến những bất cập, tồn tại cần khắc phục.
Tại các buổi tập huấn, cán bộ, giáo viên tham dự được cập nhật thông tin các vấn đề lý luận chung về xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử trong trường học; hướng dẫn xây dựng, triển khai một số kịch bản trong tổ chức hoạt động xây dựng văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục.
Học viên cũng tham gia trao đổi, thảo luận, tương tác thực hành trong các chuyên đề,… để nắm vững những kiến thức, kỹ năng cần thiết áp dụng thực hiện tại trường học, đơn vị; những khó khăn, vướng mắc, những tình huống thực tiễn tại các nhà trường cũng đã được các cán bộ, giáo viên chia sẻ.
Sau tập huấn, các cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn sẽ áp dụng các kiến thức, kỹ năng được tập huấn vào hoạt động xây dựng văn hóa học đường, văn hoá ứng xử tại các cơ sở giáo dục và đào tạo; triển khai và chia sẻ nội dung tập huấn cho các đồng nghiệp để góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn.
Ý kiến ()