Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh ngay từ gốc
Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là học sinh trên toàn quốc tựu trường, bắt đầu một năm học mới. Không phải ngẫu nhiên tháng 9 hằng nămđược Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia chọn là tháng cao điểm tuyên truyền về ATGT, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT, phòng, chống tai nạn giao thông (TNGT).
Nhức nhối tai nạn giao thông liên quan đến học sinh
Trong hội nghị sơ kết về tình hình trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2024 vừa được Bộ Công an tổ chức mới đây, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ nỗi lo lắng cũng như xót xa trước tình trạng TNGT liên quan đến học sinh, thanh thiếu niên có dấu hiệu phức tạp.
Nhắc lại những vụ TNGT liên hoàn khiến nhiều người, trong đó có trẻ em, thanh thiếu niên tử vong mà nguyên nhân do lái xe sử dụng bia, rượu, ma túy điều khiển phương tiện gây ra, với tinh thần quyết liệt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đã yêu cầu lực lượng CSGT toàn quốc triển khai đồng bộ tất cả những biện pháp mạnh để chặn đứng và kiềm chế, làm giảm TNGT trong 6 tháng cuối năm, nhất là khi mùa tựu trường của học sinh, sinh viên đang đến gần.
Thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên toàn quốc đã phát hiện 82 vụ với 765 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. Trong đó, khởi tố 16 vụ, 172 đối tượng (2 vụ tổ chức đua xe trái phép, 30 đối tượng; 14 vụ gây rối trật tự công cộng, 142 đối tượng); xử lý hành chính 66 vụ.
Thượng tá Lý Hoài Nam, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội đánh giá, đáng lo ngại, trong tổng số những vụ việc vi phạm liên quan đến thanh thiếu niên gây rối trên đường thì số lái xe nằm ở độ tuổi học sinh lại chiếm đa số. Bên cạnh phần lớn những thanh thiếu niên bỏ học, vẫn có nhiều trường hợp đang là học sinh, sinh viên, bị bạn bè rủ rê, chơi bời, mang xe đi gây rối trật tự công cộng trên đường.
Thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hàng nghìn vụ TNGT xảy ra liên quan đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, khiến hàng trăm em tử vong. Đây là con số đáng báo động và đau xót, để lại hậu quả lâu dài, dai dẳng cả về thể chất và tinh thần trong gia đình, nhà trường và xã hội. Tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật về ATGT ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Hình ảnh học sinh đi học bằng phương tiện như xe máy điện, xe máy, xe môtô không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng... vẫn diễn ra ở nhiều tuyến đường, tại nhiều địa phương. Ủy ban ATGT Quốc gia từng thống kê, TNGT là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với lứa tuổi 4-15 tại Việt Nam. Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ em khi tham gia giao thông bằng môtô, xe máy đội mũ bảo hiểm vẫn chiếm khá thấp, mới đạt trên 52%.
Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, ngay như địa bàn quận Đống Đa nơi đơn vị quản lý đảm bảo ATGT có hơn 100 trường học ở các cấp. Trong 6 tháng vừa qua, đơn vị đã lập biên bản 66 trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông, trong đó phần lớn là lỗi không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Còn trên cả thành phố, số lượng học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ lên tới hàng nghìn trường hợp.
Đáng nói, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của các bậc phụ huynh còn rất hạn chế, vào giờ đưa học sinh đến trường hoặc tan học, nhiều xe ôtô, xe môtô và xe gắn máy dừng đỗ tràn lan, lấn chiếm vỉa hè và lòng đường gây nên tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các phương tiện tham gia giao thông khác và gây mất ATGT trong toàn bộ khu vực cổng trường.
Có không ít phụ huynh còn chở con em mình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, chen lấn với các phương tiện khác gây mất an toàn và đánh mất văn hoá khi tham gia giao thông. Những hình ảnh đó của các bậc phụ huynh đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc hình thành ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của các em học sinh. Thực trạng nhức nhối trên đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Đừng để xót xa thốt lên hai từ “giá như”
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, ngày 21/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, trong đó có nhiều giải pháp cụ thể được đưa ra.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, UBND, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, Phòng CSGT trong nhiều năm qua đã triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề song song giữa đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường xử lý vi phạm. Không chỉ đối với học sinh, thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Phòng CSGT còn xử lý mạnh mẽ những phụ huynh chở học sinh, con em mình tham gia giao thông nhưng không chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT.
“Không khó để bắt gặp hình ảnh các phụ huynh đầu không đội mũ bảo hiểm chở con đến trường, đứng dưới lòng đường, lộn xộn chen lấn, thậm chí đi ngược chiều. Việc xử lý nghiêm đối với phụ huynh học sinh vi phạm không chỉ phòng ngừa TNGT cho học sinh mà còn giúp chính bản thân họ phải tự điều chỉnh hành vi để làm gương cho con em mình. Một học sinh không thể có được văn hóa giao thông khi hằng ngày bố mẹ chở đi học mà chính bố mẹ lại đang vi phạm Luật Giao thông, các quy tắc đảm bảo ATGT. Công việc xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, thanh thiếu niên phải bắt đầu từ khi các em còn nhỏ và các bậc phụ huynh có vai trò hết sức quan trọng”- Đại tá Trần Đình Nghĩa đánh giá.
Cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, các đơn vị của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho tất cả các em học sinh, các đối tượng khác trong xã hội. Đơn cử như Đội CSGT đường bộ số 3 trong những năm qua đã tổ chức rất nhiều các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ cho phụ huynh, học sinh, giáo viên và lao động hợp đồng tại các nhà trường trên địa bàn quận, qua đó đã góp phần tạo sự chuyển biến trong việc tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của cả thầy và trò nhà trường và các bậc phụ huynh. Trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Đội CSGT đường bộ số 3 kết hợp đa dạng, linh hoạt nhiều hình thức để phù hợp với từng địa bàn trường và từng đối tượng, gắn với chức năng nhiệm vụ của lực lượng CSGT trong giai đoạn hiện nay.
Là một trong những cán bộ chủ chốt tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung, cán bộ của Đội CSGT đường bộ số 3 đánh giá, hầu hết các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT của Đội CSGT đường bộ số 3 đều được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự hấp dẫn, thu hút đối với các em học sinh, phụ huynh và giáo viên nhà trường.
Một số mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được Đội CSGT đường bộ số 3 triển khai thực hiện trong thời gian qua như: Biên soạn tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền với các hình ảnh minh họa, thông tin tuyên truyền sinh động, bắt mắt dễ đọc, dễ thực hiện, xây dựng các video clip hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho các bạn ở lứa tuổi học sinh, xây dựng các bài viết tuyên truyền với nội dung phù hợp với tình hình thực tế để gửi lại cho nhà trường làm tư liệu để tuyên truyền tới các em thường xuyên.
Định hướng mùa khai giảng năm học mới sắp đến, ngoài công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh đến trường, nhất là trong những ngày đầu khai giảng, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng như lực lượng CSGT toàn quốc triển khai thực hiện tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường và tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật đến giáo viên học sinh, phụ huynh với quyết tâm không để xảy ra TNGT liên quan đến các em học sinh trong ngày khai giảng năm học mới.
CSGT huy động tối đa lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng khác để triển khai đồng bộ các phương án nhằm bảo đảm trật tự ATGT tại các tuyến đường tập trung nhiều trường học, tại khu vực các cổng trường qua đó đảm bảo giao thông cho học sinh.
Ý kiến ()