Xây dựng văn hóa đọc trong trường học
Học sinh Trường Tiểu học II, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định |
Thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã duy trì và phát triển hơn 707 hệ thống TVTH với đa dạng các loại sách, báo, truyện và các tư liệu liên quan đến công tác giáo dục phổ thông được cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc, học của giáo viên (GV) và HS. Trong đó, mỗi đầu sách lưu hành, trưng bày đều được các nhà trường, GV kiểm duyệt, có định hướng về giá trị thông tin và rất chú trọng đến những loại sách có tính giáo dục cao…
Trường Tiểu học II, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, hiện có tổng số 303 cuốn sách tham khảo; 303 sách giáo khoa; 148 sách giáo viên; 91 sách pháp luật; 48 sách về đạo đức; gần 2.000 cuốn sách truyện các loại. Số lượng sách báo này được nhà trường bố trí tại hệ thống thư viện ngoài trời và trong các lớp học. Em Vương Nguyễn Vân Anh, HS lớp 5A chia sẻ: Ở trường, có các thư viện từ trong lớp học cho đến ngoài sân trường cùng nhiều loại sách, báo khác nhau đã giúp em có thêm không gian để thoải mái đọc sách. Qua đó đã tạo cho chúng em thói quen đọc sách để tìm hiểu, bổ sung những kiến thức, bài học về cuộc sống đầy lý thú và bổ ích.
Để hoạt động thư viện thêm phong phú, các nhà trường còn thường xuyên thay đổi hình thức tuyên truyền, giới thiệu sách như: theo chủ đề, chủ điểm hằng tháng trong các buổi chào cờ đầu tuần để HS nắm bắt và lựa chọn sách tham khảo phù hợp với từng chủ đề. Không chỉ dừng lại ở hoạt động đọc sách, các trường còn tổ chức nhiều hoạt động như: thi kể chuyện theo sách; thi vẽ tranh theo sách; giới thiệu sách mới ở bảng tin; đọc sách tập thể… Qua đó tạo cơ hội cho các em rèn luyện tính kiên trì, phát triển khả năng quan sát, trí tưởng tượng và năng khiếu của bản thân.
Cùng với phát triển hệ thống thư viện thì việc đầu tư, củng cố thêm hệ thống tài liệu, sách báo cũng được các trường quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của HS. Không chỉ thông qua việc trang bị của ngành mà các trường học trên địa bàn tỉnh còn làm tốt công tác xã hội hóa các nguồn lực xây dựng TVTH. Nhiều đơn vị đã đầu tư xây dựng phòng thư viện đạt chuẩn, bổ sung phòng đọc, mua sắm đầy đủ trang thiết bị, tài liệu. Cô Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ phụ trách thư viện Trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2003, thư viện của trường chính thức được công nhận danh hiệu “Thư viện đạt chuẩn”. Riêng trong năm học 2016 – 2017 vừa qua, thư viện nhà trường đã vận động quyên góp được gần 1.000 quyển sách thiếu nhi các loại. Đến nay, nhà trường có trên 1.500 đầu sách báo đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu đọc, trao đổi thông tin của các em HS.
Để đáp ứng nhu cầu của GV và HS, hệ thống các TVTH được bố trí rất linh hoạt như: mô hình thư viện trường, phòng mượn và phòng đọc sách; mô hình thư viện xanh chính là “khu vườn tri thức” nhiều mầu sắc, giúp HS có thể đọc sách thoải mái ở ghế đá, gốc cây, không gian thư viện không còn bó hẹp trong một căn phòng mà được hòa với thiên nhiên; thư viện lớp học với các “Tủ sách thân thiện” có trưởng ban quản lý riêng do lớp bầu chọn, nội quy tủ sách do chính các em HS cùng tham gia quản lý… Qua đó góp phần đem lại niềm hứng khởi cho HS, giúp các em gần gũi với sách và yêu thích đọc hơn.
Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: TVTH có vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa đọc, phát triển tư duy, đáp ứng nhu cầu về thông tin, tri thức của cán bộ, GV và HS. Vì vậy, thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã quan tâm bổ sung, trang bị nhiều đầu sách cho các TVTH. Đồng thời khuyến khích các trường vận động xã hội hóa trong phụ huynh, HS và các tổ chức xã hội đóng góp những quyển sách hay cho nhà trường để làm phong phú thêm “kho tàng tri thức”, giúp HS có nhiều lựa chọn hơn trong việc đọc. Thời gian tới, các nhà trường cần tiếp tục thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách báo, triển khai các mô hình phục vụ đọc sách hiệu quả để thu hút học sinh đọc sách ngày càng nhiều hơn.
Ý kiến ()