Xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài
Ngày 11/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới.
Đây là Hội thảo nằm khuôn khổ chuỗi các sự kiện tôn vinh doanh nhân và kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 – một sự kiện đặc biệt, khi vào ngày này 77 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới “công thương Việt Nam”, trân trọng và khẳng định vai trò to lớn của giới công thương trong việc làm ích quốc lợi dân, góp phần tạo nên sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà.
Thiếu nền tảng văn hoá khó có thương hiệu mạnh
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp (DN) xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu.
Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa DN vững chắc và hấp dẫn. Nói rộng ra, văn hoá chính là nền tảng phát triển của DN, khi nền tảng văn hoá vững thì DN mới phát triển bền vững. Văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, diện mạo, thương hiệu đặc sắc của DN.
Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ… song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần. Để tiện lợi, công nghệ có thể thay thế được nhiều thứ song không thể thay thế được niềm tin, đạo đức và kết nối tinh thần giữa mọi người.
Văn hóa có sức mạnh to lớn, truyền cảm hứng và tác động trực tiếp đến thái độ. Đặc biệt, văn hoá, đạo đức kinh doanh càng có vai trò quan trọng giúp DN vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển thành công trong một thế giới thay đổi nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự báo.
Đó là “trụ đỡ”, “điểm tựa” giúp DN đứng vững trước những biến cố, chấn động bất ngờ, các “cú sốc” của thị trường, của đại dịch COVID-19 và cả những tác động sâu sắc của “làn sóng” toàn cầu hoá, “cơn bão” chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang “nổi lên” trên toàn cầu và tràn qua mọi quốc gia.
Cốt lõi của văn hóa kinh doanh chính là đạo đức doanh nhân. Để hình thành văn hóa kinh doanh, nhất thiết phải bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ, nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến.
Khi những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp thẩm thấu vào hoạt động kinh tế, mục tiêu phát triển của DN sẽ vượt qua việc tìm kiếm những lợi ích chỉ cho mình, mà thăng hoa trở thành sứ mệnh và trách nhiệm cống hiến cho sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.
“Liêm chính và trách nhiệm xã hội là những phép thử đầu tiên về sự cống hiến của DN và doanh nhân”, ông Nguyễn Xuân Thắng nói,
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, liêm chính là tấm hộ chiếu thông hành để doanh nhân chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Sự liêm chính của doanh nhân thể hiện ở việc tuân thủ pháp luật, minh bạch các thông tin về sản phẩm và DN của mình và luôn nói không với tiêu cực, tham nhũng. Theo đuổi lợi nhuận là mong muốn chính đáng của mọi DN, doanh nhân mà nhà nước, xã hội cần nhận thức rõ ràng và tôn trọng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà doanh nhân bất chấp các chuẩn mực văn hoá, đạo đức mà chạy theo những lợi ích ích kỷ trước mắt mà không cân nhắc lợi ích, sự an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng.
“Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang đào thải dần những DN theo đuổi thứ kinh doanh phản văn hóa, phi đạo đức; tạo điều kiện cho các DN kinh doanh chân chính, có trách nhiệm phát triển ngày càng lớn mạnh. Trách nhiệm xã hội thể hiện trong sự đồng hành cùng xã hội, phát huy trách nhiệm đối với cộng đồng của DN…”, ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Xây dựng liêm chính: Nhà nước và DN đồng hành
Đại diện cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra mục tieu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Để gia nhập và sánh vai nhóm các quốc gia phát triển, chúng ta cần có cả 2 điều: Kinh tế phát triển và văn minh xã hội tương xứng, trong đó có văn minh, văn hoá kinh doanh. Giới doanh nhân Việt Nam có sứ mệnh và trách nhiệm gánh vác một phần quan trọng của 2 nhiệm vụ này. VCCI nhận thấy đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lịch sử cho sự phát triển của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới.
Bên cạnh yêu cầu phát triển của đất nước, đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh còn có ý nghĩa trực tiếp đối với từng doanh nhân, DN. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các DN phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và cạnh tranh thành công.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định: VCCI xác định xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh tiến bộ vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với DN, đồng thời đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam trong bối cảnh mới.
Thực tế trong những năm qua, thực hiện các quan điểm, chủ trương và định hướng của Đảng và Nhà nước, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam.
“Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII tháng 12/2021 với tầm nhìn xây dựng “DN vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”, đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, trong đó tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các chuẩn mực chung về đạo đức doanh nhân được xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là đột phá chiến lược trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, DN”, ông Phạm Tấn Công nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ, những tiêu chí nền tảng đạo đức xã hội là yêu cầu tất yếu, tiêu chí về liêm chính phải bắt đầu từ những công chức, tránh việc ‘đòi hỏi’ để người kinh doanh phải ‘trả giá’ cho quyền kinh doanh. Muốn có liêm chính cho DN thì liêm chính trong bộ máy nhà nước phải được đề cao.
Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, để DN phát triển cần tạo khuôn khổ để DN có thể làm được tốt.
“Hiện có nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn được ra đời trong bối cảnh mới khiến DN dù muốn hay không phải áp dụng như các tiêu chuẩn nguyên liệu, lao động, môi trường… và DN phải có nỗ lực rất lớn”, bà Phạm Chi Lan nói.
Dưới góc độ DN, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: Với cách làm của Lộc Trời, DN xây dựng niềm tin và chữ tín. Không có niềm tin, không có chữ tín thì không thể làm DN, không thể làm thương hiệu.
‘Trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong chữ tín đó, Lộc Trời có quan điểm là phân phối lại lợi nhuận sao cho hợp lý và đúng đạo lý”, ông Huỳnh Văn Thòn bày tỏ.
‘Khi dẫn dắt tập đoàn TH, việc đầu tiên của tôi là tạo ra một thương hiệu có giá trị và dựa trên giá trị cốt lõi của thương hiệu với tính nhân văn bao trùm. Phát triển bền vững vẫn là điểm mấu chốt trong hành trình xây dựng thương hiệu với chiến lược sản phẩm dựa trên giá trị cốt lõi. Chúng tôi có định hướng phát triển bền vững tập đoàn TH trên sáu trụ cột bao gồm: dinh dưỡng sức khoẻ, môi trường, cộng đồng, giáo dục, phúc lợi con người, động vật. Trong đó, con người là trọng tâm nhưng vẫn đề cao bảo vệ môi trường, áp dụng khoa học công nghệ trong cùng khoa học quản trị đan xen. Nếu tách rời các yếu tố thì chi phí sản xuất cũng không được bảo đảm, khi các tiêu chí gắn liền với nhau giúp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tốt, sau đó mới là hài hòa lợi ích”, bà Thái Hương nói.
Ý kiến ()