Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại huyện Bắc Sơn
– Nhận thấy huyện Bắc Sơn có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, thời gian qua, nhóm nghiên cứu do Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Thị Phương Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên đã triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù huyện Bắc Sơn”.
Thạc sỹ Hoàng Thị Phương Nga, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, Thư ký đề tài cho biết: Bắc Sơn có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, bởi ở đây có những điểm độc đáo, riêng có so với các nơi khác trong tỉnh như: hệ thống hang động phong phú, nhiều thung lũng có phong cảnh đẹp, có các làng nghề làm ngói âm dương, bánh chưng đen… Đặc biệt, người dân nơi đây vẫn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống, các làn điệu dân ca và lễ hội dân gian phong phú của người Tày… Tuy nhiên, thời gian qua, công tác phát triển du lịch trên địa bàn chủ yếu theo hướng tự phát, dàn trải, chưa tạo được nét khác biệt và chưa hấp dẫn du khách. Minh chứng là mỗi năm, Bắc Sơn đón khoảng 100.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm nhưng thời gian lưu trú ngắn. Chính vì thế, từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2021, chúng tôi đã nghiên cứu đề tài này nhằm xây dựng và phát triển được sản phẩm du lịch đặc thù ở Bắc Sơn.
Từ đỉnh Nà Lay du khách có thể ngắm thung lũng Bắc Sơn và những dãy núi trùng điệp bao quanh
Qua khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu xác định sản phẩm du lịch đặc thù của huyện Bắc Sơn dựa vào cộng đồng. Nhóm đã thiết kế và triển khai 4 hành trình du lịch chuyên đề gồm: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch mạo hiểm và nhận phản hồi tốt từ 12/17 công ty du lịch. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã chuyển giao các sản phẩm đã xây dựng cho 6 công ty du lịch và và các hộ dân làm du lịch áp dụng, triển khai.
Cùng đó, nhóm nghiên cứu quan tâm nguồn nhân lực làm du lịch ở huyện, đó là xây dựng mô hình mẫu và đào tạo chuyên sâu cho 50 cán bộ văn hóa xã và thành viên hộ làm du lịch tại cộng đồng; tổ chức 5 lớp tập huấn cho 200 cán bộ văn hóa cấp huyện, cấp xã và người dân về kỹ năng thuyết minh du lịch, hướng dẫn du khách trải nghiệm, trình diễn văn nghệ… Đồng thời, xuất bản 2 ấn phẩm giới thiệu, quảng bá nét đẹp du lịch Bắc Sơn với khẩu hiệu “Du lịch Bắc Sơn: Xứ sở vàng – ngàn trải nghiệm”. Nhóm cũng nghiên cứu sản xuất các mẫu quà tặng, lưu niệm mang hình ảnh đặc trưng của Bắc Sơn như: nghiên cứu sản xuất: vòng tay gỗ kim giao với nguyên liệu lấy trực tiếp trên địa bàn, ốp lưng điện thoại in hình phong cảnh đặc trưng của huyện, mô hình nhà sàn của người Tày huyện Bắc Sơn. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu phối hợp biên đạo, hòa âm, phối khí các tiết mục văn nghệ dân gian như: hát chầu, hát then, hát ví và hướng dẫn một số đội văn nghệ; tư vấn cho các hộ dân cải tạo không gian kinh doanh cho phù hợp với đặc thù du lịch trải nghiệm nông nghiệp…
Chị Dương Thị Thu, thôn Đon Riệc 2, xã Bắc Quỳnh cho biết: Qua tập huấn kỹ năng làm du lịch, tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích, nhất là cách tiếp xúc, giới thiệu với du khách những nét độc đáo về văn hóa, con người Bắc Sơn cũng như tổ chức hoạt động trải nghiệm cho du khách. Điều này giúp gia đình tôi nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần cho du khách những trải nghiệm tốt khi tham quan tại đây.
Với những giá trị mà đề tài mang lại, mới đây, Hội đồng khoa học tỉnh đã nghiệm thu đề tài. Tin rằng với những giải pháp cụ thể, thiết thực được nghiên cứu, đưa ra và áp dụng trong đề tài khoa học này, thời gian tới, du lịch huyện Bắc Sơn sẽ tạo được dấu ấn riêng, mang tính đặc thù, ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Sản phẩm du lịch đặc thù là những sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên những giá trị đặc sắc, độc đáo, nguyên bản và đại diện của tài nguyên du lịch của lãnh thổ hoặc điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu, mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo. |
Ý kiến ()