Xây dựng và phát triển quyền sở hữu trí tuệ: “Giấy thông hành” cho nông sản Xứ Lạng
LSO- Để mặt hàng nông sản có thể vào được hệ thống bán lẻ hiện đại hay xuất khẩu, chưa nói đến việc vượt qua các rào cản kỹ thuật, việc đầu tiên là nhà phân phối hay nơi nhập phải nắm rõ được nguồn gốc xuất xứ của nông sản. Khắt khe hơn là truy xuất nơi trồng, người trồng và nhật ký chăm sóc.
Xúc tiến tiêu thụ nông sản đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội
Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh trong vòng 10 năm trở lại đây được các ngành hữu quan quan tâm thực hiện. Đến nay đã đăng ký được chỉ dẫn “Lạng Sơn” cho sản phẩm hoa hồi của 6 huyện trọng điểm trồng hồi; chỉ dẫn địa lý “Bảo Lâm” cho hồng không hạt ở các xã: Bảo Lâm, Thanh Lòa, Thạch Đạn (Cao Lộc) và nhãn hiệu chứng nhận Chi Lăng cho sản phẩm quả na của huyện Chi Lăng.
Ông Trần Hữu Đắc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: các sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm phát triển. Ví dụ như sản phẩm hồi, sau khi được đăng bạ chỉ dẫn địa lý, UBND tỉnh đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và vận hành hệ thống quản lý các chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh. Mô hình này sau đó đã được áp dụng mở rộng cho cả chỉ dẫn địa lý hồng không hạt Bảo Lâm.
Kết quả đến nay đã xây dựng được hệ thống quản lý nội bộ cho chỉ dẫn địa lý hồi Lạng Sơn, đó chính là Hội Sản xuất chế biến và kinh doanh hồi với 33 chi hội và trên 1.700 hội viên. Đối với hồng Bảo Lâm, hội đã phát triển được 3 chi hội với 179 hội viên. Các hội viên đều được tập huấn, hướng dẫn kiến thức về chỉ dẫn địa lý, kỹ thuật canh tác, chế biến và quy trình, quy định phải tuân thủ khi tham gia sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam kiểm tra nhãn hiệu sản phẩm na Chi Lăng
Với rất nhiều các hoạt động quảng bá, hiện nay, sản phẩm hồi đã từng bước chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu. Từ chỗ xuất khẩu sang các thị trường “dễ tính” như: Trung Quốc, Malaysia…, hồi xuất sang các thị trường “khó tính” hơn như Nhật Bản. Cây hồi Lạng Sơn được tổ chức kỷ lục Việt Nam xếp vào 10 cây tự nhiên nổi tiếng nhất Việt Nam và chỉ dẫn địa lý hoa hồi được công nhận là thương hiệu nổi tiếng từ năm 2014.
Các sản phẩm khác như na, hồng không hạt cũng dần khẳng định được thương hiệu của mình. Năm 2013, quả na Chi Lăng được công nhận là 1 trong 50 loại quả nổi tiếng nhất Việt Nam. Mới đây nhất, na Chi Lăng và hồng không hạt Bảo Lâm đã được bày bán tại hệ thống siêu thị Fivimart của Công ty Cổ phần Nhất Nam (Hà Nội).
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam cho biết: quy trình nhập sản phẩm của Công ty rất khắt khe, tuy nhiên, đối với các sản phẩm của Lạng Sơn đã có thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý, Công ty rất yên tâm và quy trình cũng giảm bớt đi nhiều.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ông Trần Hữu Đắc cho biết thêm: hiện nay, sở đang cùng với các ngành khác phối hợp, đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn, thạch đen Tràng Định và hồng vành khuyên Văn Lãng.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, số nông sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như vậy là chưa nhiều. Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: thời gian tới, các ngành sẽ phối hợp, tập trung xây dựng và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh (đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch). Đồng thời đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… và tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất; ký kết hợp đồng tiêu thụ, chế biến nông sản. Đó chính là những hoạt động thiết thực để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị đặc sản Xứ Lạng.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()