Là lực lượng ưu tú của giai cấp công nhân Việt Nam mang phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, 65 năm qua, ngành công nghiệp Quốc phòng (CNQP), tiền thân là ngành Quân giới, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa nhiều loại súng, đạn cung cấp cho các lực lượng vũ trang và nhân dân đánh giặc, giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Theo đường lối đổi mới đất nước và điều chỉnh chiến lược bảo vệ Tổ quốc, năm 1993, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 05 về xây dựng phát triển CNQP đến năm 2000 và tiếp theo là Nghị quyết 27 (tháng 6-2003), đã xác định rõ hơn mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng nền CNQP trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả, bài học kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 05 và từ định hướng của Nghị quyết 27, Tổng cục CNQP chủ trì phối hợp nghiên cứu, biên soạn để Bộ Quốc phòng trình cấp có thẩm quyền ban hành Pháp lệnh CNQP, Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, Quy định về điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động CNQP, Quy chế phối hợp Bộ Quốc phòng với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trong quản lý nhà nước về CNQP. Tạo chuyển biến quan trọng quá trình đồng bộ hóa các thể chế quản lý nhà nước về CNQP trên phạm vi quốc gia.
Tham mưu để Bộ Quốc phòng phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch xây dựng, phát triển CNQP đến năm 2010, tầm nhìn năm 2020; Kế hoạch xây dựng, phát triển CNQP từ 2006 đến 2010; Quy hoạch phát triển ngành đóng tàu quân sự đến năm 2010, tầm nhìn 2020, Điều lệ công tác bảo đảm công nghệ sản xuất quốc phòng trong QĐND Việt Nam. Đồng thời đã và đang chuẩn bị các đề án và kiến nghị phương án kiện toàn tổ chức lực lượng của CNQP toàn quân… Đây là những căn cứ để thống nhất chỉ đạo, phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội tham gia xây dựng và phát triển CNQP.
Chủ động đề xuất và phối hợp tổ chức sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 27 do Ban Bí thư chủ trì, các cuộc họp của Ban chỉ đạo 27 của Chính phủ, của Thường vụ Đảng ủy Quân sự T.Ư và Bộ Quốc phòng về xây dựng và phát triển CNQP. Đã kịp thời báo cáo đánh giá thực trạng CNQP và đề xuất kiến nghị điều chỉnh kế hoạch, cơ chế quản lý và bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho Chương trình CNQP. Với trách nhiệm chủ trì trong hoạt động của Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 27, Tổng cục từng bước khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò trong hệ thống quản lý nhà nước về CNQP.
Từ định hướng của Nghị quyết 27, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển CNQP đến năm 2010, tầm nhìn 2020, với mục tiêu tổng quát là: Xây dựng và phát triển CNQP thành bộ phận cấu thành quan trọng của tiềm lực quốc phòng-an ninh trước mắt và lâu dài, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến hiện đại hóa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật với tính năng chiến thuật, kỹ thuật và chất lượng cao, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, tác chiến trong cả thời bình và thời chiến, đối phó và đánh thắng mọi hình thức, quy mô chiến tranh, kể cả chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Đồng thời, tạo thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, quy hoạch của Nhà nước, Đảng ủy Tổng cục CNQP ra Nghị quyết chuyên đề về công tác đầu tư; chỉ đạo hoàn thiện các quy định về quản lý đầu tư trong Tổng cục và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư từ các nguồn vốn khác nhau, chủ động đề xuất giãn, hoãn tiến độ hàng chục dự án chưa thật sự cấp bách và chưa đủ yếu tố triển khai. Tổng mức đầu tư cho các đơn vị trong Tổng cục đã tăng cao so với thời kỳ trước đây, góp phần từng bước hiện đại hóa công nghệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng và năng lực chế tạo các sản phẩm mới, như: hỏa cụ, đạn, lắp ráp tên lửa, chế tạo khí tài quang học, vật liệu cao-su kỹ thuật, công nghệ đóng mới một số loại tàu chiến,… Chất lượng một số loại vũ khí, đạn dược bộ binh, các loại thuốc phóng, vật liệu hợp kim chuyên dụng… đã ổn định hơn.
Bảo đảm sản xuất quốc phòng đáp ứng yêu cầu trang bị cho huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: rà soát công nghệ, chấn chỉnh tổ chức sản xuất, phân cấp bảo đảm vật tư, mở rộng phân công chuyên môn hóa trong các khâu chế tạo chi tiết, bán thành phẩm. Công tác điều phối tiến độ sản xuất của cơ quan Tổng cục sâu sát, phối hợp đồng bộ, cụ thể. Trách nhiệm của các viện trong khâu bảo đảm kỹ thuật sản xuất từng bước được tăng cường. Mặc dù đơn hàng quốc phòng tăng, các yếu tố bảo đảm về trang thiết bị, công nghệ và vật tư đặc chủng còn khó khăn, nhưng nhìn chung các đơn vị đều hoàn thành nhiệm vụ được giao, tiến độ sản xuất cơ bản đáp ứng yêu cầu, chất lượng sản phẩm một số loại đạn dược ổn định hơn, chất lượng đóng tàu tương đối tốt.
Kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, Tổng cục có nhiều chủ trương, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, cơ chế, mô hình tổ chức liên doanh liên kết, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước… để các doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đạt hiệu quả tổng hợp. Đặc biệt, khi nền kinh tế có khó khăn, Tổng cục kịp thời kiến nghị với Nhà nước và Bộ Quốc phòng cũng như chủ động có các biện pháp hỗ trợ những sản phẩm kinh tế chủ lực của CNQP và hỗ trợ các đơn vị khó khăn. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong Tổng cục xác định đúng vị trí, vai trò của nhiệm vụ sản xuất kinh tế, đã phát huy tính chủ động, năng động, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của Quân đội. Mức tăng trưởng cao trong sản xuất kinh tế là cơ sở bảo đảm việc làm, tăng thu nhập của người lao động, góp phần duy trì và phát triển tiềm lực CNQP.
Từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, kim ngạch xuất khẩu cả sản phẩm quốc phòng và kinh tế của toàn Tổng cục bình quân tăng hơn 50%/năm. Quan hệ hợp tác quốc tế của ngành CNQP ngày càng mở rộng với các đối tác truyền thống, các nước trong khu vực và nhiều nước khác, bảo đảm đúng quy chế của Bộ Quốc phòng về các hoạt động đối ngoại quân sự.
Công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ (KHCN) và bảo đảm kỹ thuật sản xuất đã bám sát nhiệm vụ của CNQP và quy hoạch trang bị, gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất. Hầu hết các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu đã chuyển giao cho sản xuất và các dự án đầu tư. Công tác nghiên cứu KHCN nâng cao một bước năng lực thiết kế vũ khí bộ binh, hình thành năng lực thiết kế vũ khí lục quân và bước đầu xây dựng năng lực thiết kế, chế tạo vũ khí có điều khiển. Bảo đảm kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng, đã biên soạn, kiện toàn lại hệ thống văn bản quản lý công nghệ, đo lường, chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường, hoàn chỉnh các bộ tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ; duy trì chế độ kiểm tra thường xuyên và đột xuất về công tác an toàn sản xuất và vệ sinh công nghiệp; tăng cường mối liên hệ và sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, các viện và các đơn vị sản xuất,…
Kế thừa và phát huy truyền thống, ngành CNQP phát huy sức mạnh tổng hợp, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động, triển khai thực hiện toàn diện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, hoàn thành thắng lợi
Kế hoạch xây dựng, phát triển CNQP trong giai đoạn 2011-2015, tạo sự chuyển biến đột phá về chất trong hiện đại hóa tiềm lực CNQP của đất nước. Kiện toàn tổ chức quản lý CNQP theo hướng tích tụ tập trung, tăng cường gắn kết với công nghiệp dân sinh. Tập trung triển khai các sản phẩm mục tiêu, các dự án trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại; tiếp tục chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả sản xuất quốc phòng và nghiên cứu KHCN để tạo ra những sản phẩm vũ khí, đạn dược có chất lượng ổn định, độ tin cậy cao, đáp ứng các yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Tăng cường hiệu quả kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trong hoạt động sản xuất kinh tế để nâng cao tiềm lực quân sự, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới. Trong đó tập trung lãnh đạo hai khâu đột phá: Một là, ổn định và nâng cao chất lượng các sản phẩm quốc phòng, bảo đảm sự tin cậy của bộ đội đối với vũ khí do CNQP Việt Nam sản xuất. Hai là, tập trung vào những sản phẩm mục tiêu, đột phá về năng lực công nghệ để chế tạo một số loại vũ khí thế hệ mới phục vụ quốc phòng – an ninh.
Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng, ngành CNQP phải tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đẩy nhanh CNH, HĐH đất nước thông qua việc không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao về các chỉ tiêu sản xuất và thu nhập so với mức bình quân của cả nước và các ngành công nghiệp.
Bảo đảm hoàn thành các mục tiêu nói trên, tập trung thực hiện đồng bộ năm giải pháp quan trọng. Đó là, bổ sung nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển CNQP. Từng bước cân đối, tăng dần tỷ lệ ngân sách nhà nước và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển CNQP. Lồng ghép các nội dung phát triển CNQP vào trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, dàn trải, lãng phí, tốn kém do thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư. Tăng cường tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy và cơ chế quản lý, môi trường pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát, hoàn thiện hệ thống tài chính và kiểm toán… là những điều kiện quan trọng để tạo nguồn đầu tư mới cho CNQP.
Đổi mới tổ chức, quản lý và sắp xếp lại lực lượng CNQP. Trước hết tiếp tục đồng bộ hóa và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về CNQP, ưu tiên triển khai các nội dung của Pháp lệnh CNQP và các Nghị định của Chính phủ về quản lý CNQP để tiến đến xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật về CNQP. Tăng cường vai trò chỉ đạo, quản lý thống nhất của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong quản lý Nhà nước về CNQP. Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý CNQP theo hướng tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa CNQP nòng cốt và công nghiệp dân sinh. Hình thành hệ thống cơ quan quản lý CNQP xuyên suốt, thiết thực và hiệu quả, không trùng lặp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở CNQP nòng cốt theo hướng tập trung, giảm số lượng tăng quy mô các cơ sở sản xuất. Nghiên cứu từng bước quy tụ các cơ sở CNQP vào đội hình tập đoàn hoặc các tổng công ty theo nhóm sản phẩm, ngành nghề; thực hiện đúng định hướng gắn sản xuất với sửa chữa, sản xuất với nghiên cứu thiết kế. Có các cơ chế, chính sách và biện pháp bảo toàn năng lực CNQP trong quá trình chuyển đổi, thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Xây dựng và thực thi các chế độ, chính sách cụ thể về huy động tiềm lực của nền kinh tế quốc dân, cả trong nước và ngoài nước, trước hết là tiềm lực về công nghiệp và KHCN, tham gia xây dựng, phát triển CNQP (ưu tiên các ngành phụ trợ và công nghệ nền cho chế tạo các loại vũ khí có điều khiển, đóng tàu chiến, sửa chữa máy bay và một số loại vũ khí quân binh chủng khác…). Tăng cường phối hợp đặt hàng, thực hiện đầu tư hỗ trợ, bổ sung bằng vốn ngân sách cho các cơ sở dân sinh có năng lực công nghệ lưỡng dụng để phục vụ quốc phòng.
Xây dựng và tiếp tục triển khai các chương trình KHCN về chế tạo vũ khí và nâng cao chất lượng vũ khí do CNQP sản xuất. Tăng cường công tác cải tiến vũ khí, trang bị hiện có trong biên chế của các lực lượng vũ trang. Tập trung nghiên cứu các đề tài thiết kế, chế tạo vũ khí, khí tài phục vụ kế hoạch sản xuất và các dự án đầu tư hiện đại hóa công nghệ. Phối hợp, gắn kết các viện với các đơn vị sản xuất trong nghiên cứu KHCN. Mở rộng phạm vi hoạt động của KHCN dân sinh tham gia nghiên cứu phục vụ CNQP.
Thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho CNQP, ban hành các chế độ, chính sách bảo đảm quyền lợi vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên công tác trong các đơn vị CNQP. Nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ, trong đó chú trọng đồng thời cả năng lực trí tuệ, năng lực hoạt động thực tiễn, kiến thức toàn diện, chuyên sâu cũng như chất lượng chính trị, vững vàng kiên định mục tiêu, con đường XHCN, có phẩm chất đạo đức cách mạng. Huy động tiềm năng, tri thức trong nền kinh tế quốc dân. Chủ động phối hợp xây dựng và triển khai các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, mở rộng phạm vi và cơ chế thu hút tiềm năng chất xám vào làm việc hoặc tham gia các chương trình, dự án phát triển CNQP. Có các chủ trương và biện pháp thu hút các nguồn lực mới ở cả trong và ngoài nước tham gia xây dựng và phát triển CNQP.
Ý kiến ()