Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam
Về nội dung văn hóa trong Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XIII, theo ông Phùng Hữu Phú, có lẽ lần đầu tiên trong văn kiện Đảng đề cập là phải tập trung xác định và xây dựng hệ giá trị quốc gia.
Đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô đồng tình, đánh giá cao dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XIII; cho rằng Dự thảo Báo cáo Chính trị được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; bố cục chặt chẽ, khoa học; nội dung ngắn gọn, súc tích, thể hiện tính toàn diện và khái quát cao, cơ bản kết tinh được trí tuệ của Đảng.
Đặc biệt, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XIII đã nhận định, đánh giá đúng mức, thẳng thắn, nhất là những hạn chế, thiếu sót; đưa ra được những định hướng chung có tầm nhìn xa, cụ thể, rành mạch cho từng giai đoạn 5 năm, 10 năm và xa hơn nữa trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú cho biết: “Dự thảo Văn kiện lần này có nhiều điểm mới. Đó là đòi hỏi khách quan, những gì kế thừa được từ sáng tạo của chính chúng ta bao nhiêu năm qua, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước. Điểm mới đáng chú ý là chủ đề Đại hội lần này. Trước đây, chúng ta mới chỉ ghi là “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh,” lần này chủ đề Đại hội được đề xuất “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.”
Như vậy, đã bổ sung thêm cả “hệ thống chính trị” bao gồm Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Đảng vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo cao nhất. Việc bổ sung này đã nhấn mạnh đến vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị.”
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cũng chỉ ra điểm mới của Đại hội XIII là có một báo cáo riêng về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh: “Hồn cốt của Báo cáo Chính trị – báo cáo trung tâm của Đại hội là 10 nhiệm vụ về xây dựng đảng. Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương quyết định tại Đại hội XIII, ngoài báo cáo trung tâm, có báo cáo chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng.”
Điều này thể hiện Đại hội XIII đặt đúng vai trò công tác xây dựng Đảng là then chốt.
Đáng chú ý, trong Dự thảo Báo cáo chính trị lần này có hai mục lớn, một mục nói về văn hóa con người, một mục nói về xã hội. Cụ thể, Dự thảo Báo cáo Chính trị cũng nhấn mạnh đến xã hội và phúc lợi xã hội.
Đây là cái mới và nhấn mạnh đến an sinh xã hội, phúc lợi xã hội sẽ thấy được tính ưu việt của Chủ nghĩa xã hội. Điều này đã được thể hiện qua đợt đại dịch và ứng phó với đại dịch.
Về văn hóa, theo Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, có lẽ lần đầu tiên trong văn kiện Đảng đề cập là phải tập trung xác định và xây dựng hệ giá trị quốc gia. Đất nước ta có mấy nghìn năm lịch sử, có nhiều giá trị cần được tổng kết và xây dựng. Đó là điểm mới về lĩnh vực văn hóa.
Đồng quan điểm, Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Biên tập Báo Điện tử Quân đội nhân dân cho rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đề cập rất toàn diện các vấn đề xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Theo đó, các vấn đề về phát triển văn hóa được đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Văn Minh nêu ý kiến dự thảo mới đề cập đến vấn đề xây dựng các chuẩn mực văn hóa, văn hóa của các cơ quan, tổ chức, nhưng chưa làm rõ hơn việc xây dựng văn hóa ứng xử trong cộng đồng.
Thực tế cho thấy, văn hóa ứng xử trong cộng đồng hiện có nhiều bất cập, tác động đến nhận thức, ý thức của cả xã hội. Trong khi văn hóa ứng xử của các cơ quan, tổ chức mới chỉ là một phần của văn hóa xã hội. Nếu thay đổi được văn hóa ứng xử trong cộng đồng sẽ làm chuyển biến văn hóa toàn xã hội.
Vì vậy, Đại tá Nguyễn Văn Minh góp ý, trong Dự thảo Báo cáo chính trị cần bổ sung thêm việc xây dựng văn hóa ứng xử trong cộng đồng, đi kèm với đó là các giải pháp thực hiện. Đây cũng là mấu chốt của việc xây dựng, nâng cao văn hóa ứng xử, bởi không có giải pháp tốt thì mục tiêu khó thực hiện.
Chị Lê Thị Thùy Dương (Cử nhân Văn hóa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội) nêu quan điểm nói văn hóa là nói tới cái tinh tế, cái đẹp, cái giá trị trong ứng xử, phản ánh những giá trị về chân, thiện, mỹ trong đạo đức, lối sống, tâm hồn, nhân cách…
Văn hóa là một trong những thành tố quan trọng xây dựng nền tảng, thước đo phát triển đất nước. Đặc biệt, nhìn ra các quốc gia khác, phát triển công nghiệp điện ảnh, âm nhạc không chỉ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu cao mang lại nguồn lợi lớn.
Do đó, chị Lê Thị Thùy Dương góp ý, Dự thảo nên bổ sung, làm rõ hơn phát triển công nghiệp văn hóa với những cơ chế đầu tư hấp dẫn, thu hút mọi thành phần tham gia, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế./.
Ý kiến ()