Xây dựng tuyến phố đi bộ an toàn, văn minh, hiện đại
(LSO) – Phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn dự kiến sẽ được vận hành từ giữa tháng 10/2020. Để tuyến phố hoạt động an toàn, văn minh, hiện đại, Ban Quản lý (BQL) phố đi bộ đã và đang tích cực triển khai các phương án bố trí nơi đỗ, để xe, nơi lưu trú cho du khách; bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) và phòng chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường…
Phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn được UBND thành phố triển khai xây dựng từ giữa tháng 6/2020 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ ngày 16/10/2020. Phố đi bộ được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn, quảng bá hình ảnh du lịch của thành phố đến du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là công trình hướng tới kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố Lạng Sơn (17/10/1950 – 17/10/2020). Với ý nghĩa đó, thời gian qua, việc triển khai xây dựng phố đi bộ nhận được sự quan tâm rất lớn của Nhân dân. Để phố đi bộ vận hành thuận lợi, không chỉ cần hoàn thiện những hạng mục công trình mà còn phải tính đến nhiều vấn đề như: bố trí điểm đỗ xe cho người dân và du khách; đảm bảo nơi lưu trú cho khách du lịch; đảm bảo ANTT và phòng chống cháy nổ…
Lãnh đạo thành phố Lạng Sơn kiểm tra tiến độ và chỉ đạo thực hiện các công trình tại phố đi bộ Kỳ Lừa cuối tháng 8/2020
Do đó, ngay từ khi triển khai xây dựng, BQL phố đi bộ đã quan tâm đến những vấn đề này. Hiện BQL phố đi bộ đã bố trí 5 điểm đỗ xe xung quanh khu vực với tổng diện tích 3.500 m2. Qua tìm hiểu, so sánh với phố đi bộ Kim Đồng, thành phố Cao Bằng có chiều dài 644 m, bố trí 5 bãi đỗ xe (diện tích 1.800 m2) đã đáp ứng nhu cầu cho khoảng 6.000 đến 10.000 khách du lịch trong 2 ngày cuối tuần thì việc phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn dài 1.300 m, bố trí 5 bãi đỗ xe (3.500 m2) cho khoảng 2.000 du khách (giai đoạn thí điểm) hoàn toàn nằm trong khả năng. Bên cạnh đó, BQL đã dự trù thêm 1 bãi đỗ xe tại số 2 đường Tam Thanh để phục vụ lượng du khách tăng đột biến khi có các sự kiện, lễ hội lớn tổ chức tại phố đi bộ.
Cùng với việc bố trí điểm đỗ, để xe, công tác đảm bảo ANTT, phòng chống cháy nổ tại không gian phố đi bộ được đặc biệt quan tâm. Ông Lưu Quang Đạo, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, Tổ trưởng tổ ANTT phố đi bộ cho biết: Tổ ANTT bao gồm nhiều lực lượng như: cảnh sát giao thông, công an hình sự, cán bộ và công an phường … Hiện chúng tôi đã xây dựng phương án công tác tại 11 điểm chốt là những khu vực trọng yếu trong khu phố với khoảng 20 đến 25 cán bộ, chiến sĩ túc trực mỗi ngày. Đồng thời, tổ phối hợp với BQL chợ Đêm, chợ Kỳ Lừa bố trí 16 bình cứu hỏa tại 8 điểm trong khu vực, kết hợp tuyên truyền mỗi hộ kinh doanh tự trang bị bình chữa cháy để đề phòng nhiều tình huống có thể xảy ra. Để dễ dàng theo dõi hoạt động bên trong khu phố, UBND phường Hoàng Văn Thụ đang tiến hành lắp đặt 24 camera an ninh và sẽ bố trí 8 cán bộ trực quan sát tại phòng chức năng…
Lãnh đạo thành phố Lạng Sơn kiểm tra tiến độ các công trình tại phố đi bộ Kỳ Lừa cuối tháng 8/2020
Đối với việc đảm bảo nơi lưu trú cho khách du lịch, trên địa bàn thành phố hiện có 119 cơ sở lưu trú với 2.104 phòng; riêng phường Hoàng Văn Thụ có 27 cơ sở với 358 phòng. Trong đó, 32 cơ sở được xếp hạng sao (26,89%); 76 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn (chiếm 63,87%). Với số cơ sở trên, theo đánh giá của Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố thì cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong giai đoạn đầu của đề án. Khi lượng khách tăng dần, UBND thành phố sẽ có phương án vận động, hỗ trợ người dân quanh khu vực xây dựng, cải tạo các nhà nghỉ, khách sạn mới để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Việc vận hành phố đi bộ Kỳ Lừa được kỳ vọng tạo ra những bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế, du lịch của thành phố Lạng Sơn tương tự như những địa phương khác trên cả nước. Bà Nông Bích Diệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng BQL phố đi bộ Kỳ Lừa cho biết: Hiện nay, thành phố đang hoàn thiện hạ tầng, trang trí không gian tại khu vực phố đi bộ, đảm bảo các tiêu chí: an toàn, văn minh, hiện đại… để bà con và du khách có nơi vui chơi, tận hưởng không gian văn hóa đặc thù của xứ Lạng.
Ngoài các hoạt động bán hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, BQL sẽ tổ chức các hoạt động văn hoá – văn nghệ – trò chơi dân gian, triển lãm tranh, ảnh; mời các câu lạc bộ văn hoá – thể thao tham gia các hoạt động tại phố đi bộ. Dự kiến trong thời gian hoạt động thí điểm (từ tháng 10/2020 đến tháng 10/2021), BQL sẽ tổ chức tối thiểu 15 đến 20 sự kiện văn hóa lớn như: liên hoan ẩm thực; liên hoan dân ca, dân vũ; giao lưu với các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh…
Đề án Phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn được phê duyệt theo Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh. Theo đó, các tuyến đường để xây dựng khu phố bao gồm đường xung quanh chợ Kỳ Lừa, Bắc Sơn, Lê Lai, Lương Văn Tri, Trần Quốc Toản với tổng chiều dài 1.300 m. Trong không gian phố đi bộ sẽ diễn nhiều hoạt động như: mua sắm ẩm thực, đặc sản Lạng Sơn; biểu diễn nghệ thuật, văn hóa; biểu diễn trò chơi dân gian … từ 18 giờ đến 24 giờ ngày thứ 6, thứ 7 hằng tuần và các dịp lễ lớn. |
“Hiện tại, Công an thành phố Lạng Sơn đang tiến hành đặt các rào chắn di động, xác định những vị trí thích hợp để có biển cấm, biển thông báo, biển hướng dẫn giao thông … phục vụ công tác tổ chức phố đi bộ. Trong thời gian hoạt động của phố đi bộ, tất cả các phương tiện giao thông cơ giới lẫn thô sơ đều bị cấm ra vào, trừ các phương tiện được ưu tiên làm nhiệm vụ. Do đó, chúng tôi sẽ phân công lực lượng phối hợp với UBND phường Hoàng Văn Thụ chốt chặn tại hơn 20 ngã ba, ngã tư xung quanh khu vực để hướng dẫn người dân gửi xe khi đến tham quan, mua sắm. Đồng thời sẽ có phương án tổ chức, phân luồng giao thông trong trường hợp tổ chức lễ hội, sự kiện lớn. Bên cạnh đó, Công an thành phố Lạng Sơn sẽ phân công các lực lượng phối hợp với công an phường để đảm bảo ANTT, phòng chống cháy nổ … tùy theo tình hình thực tế”.
Thượng tá Hoàng Đức, Phó Trưởng Công an thành phố Lạng Sơn
“Để đảm bảo phố đi bộ luôn sạch đẹp, phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND thành phố phương án thu gom, xử lý rác thải và quản lý, vận hành các nhà vệ sinh công cộng. Cụ thể, chúng tôi đã ký hợp đồng với đơn vị thu gom rác thải vào khung giờ từ 17 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau; tiếp tục tuyên truyền, vận động dân cư trong khu phố duy trì đổ rác thải sinh hoạt theo giờ (17 giờ đến 17 giờ 30 phút). Bên cạnh đó, chúng tôi dự kiến đặt 15 thùng rác kim loại dung tích 40 lít tại các khu vực thích hợp trong phố đi bộ và sẽ tiến hành thu gom, rửa sạch sau mỗi buổi, đảm bảo không tồn đọng rác đến hôm sau”.
Về phương án vận hành các nhà vệ sinh công cộng, ngoài 2 nhà vệ sinh trong chợ Đêm được tận dụng, UBND thành phố đã giao các phòng liên quan tiến hành cải tạo, nâng cấp, sớm đưa vào vận hành và duy trì thêm 2 nhà vệ sinh khác tại UBND phường Hoàng Văn Thụ và khu vực Công viên hồ Phai Loạn, xung quanh khu vực sẽ lắp đặt biển chỉ dẫn cho du khách và người dân”.
Bà Lê Thị Nhiên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Lạng Sơn
Ý kiến ()