Xây dựng tư duy phản biện cho học sinh
(LSO) – Để thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo quan điểm lấy người học làm trung tâm thì việc xây dựng tư duy phản biện cho học sinh trong quá trình dạy học là rất cần thiết.
Tư duy phản biện không đồng nghĩa với việc cãi lại giáo viên, mà là kết quả của một quá trình rèn luyện của người học cùng với người dạy và dưới tác động của gia đình và xã hội, các ý kiến được khuyến khích đưa ra để thảo luận với lý luận chân chính và không có sự áp đặt cho một xu hướng hay quan điểm nào được xem là đáp án. Giúp người học rèn luyện tư duy như: đặt vấn đề mở không có trước đáp án và phương pháp hỏi khi cả giáo viên và học sinh đều không biết đáp án chính xác của nội dung được học hoặc thảo luận. Các phương pháp này rất khác so với các phương pháp giảng dạy truyền thống là giáo viên đọc – học sinh chép, giáo viên hỏi – học sinh trả lời, học sinh hỏi trong giới hạn cho phép về nội dung, thời gian và không gian…
Học sinh Trường Tiểu học xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn nghiên cứu tài liệu trong giờ thảo luận
Thầy giáo Hứa Văn Luyện, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Để tăng cường tư duy phản biện cho học sinh thì ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, thầy còn khuyến khích học sinh tìm hiểu, bổ sung các kiến thức ngoài sách vở để đưa vào trong quá trình bàn luận. Đồng thời đặt các câu hỏi có vấn đề ngược để các em cùng suy nghĩ và đưa ra quan điểm, chính kiến của bản thân. Sau đó giáo viên giao việc tìm hiểu và kiểm chứng các thông tin, kiến thức lại cho các em; đến cuối buổi, thầy đánh giá, sửa chữa và hệ thống lại bài học cho các em. Về phần mình, thầy cũng liên tục nâng cấp, bổ sung thêm kiến thức để có thể giải đáp tốt các thắc mắc, phản biện mà các em đưa ra.
Đứng trước một động cơ, nếu học sinh không có tư duy phản biện thì sẽ đơn giản biết và chấp nhận động cơ đó vận hành như thế, không muốn tò mò, đặt câu hỏi hay tìm hiểu về nó. Nhưng một học sinh có tinh thần phản biện sẽ tò mò, sẽ đặt câu hỏi trên nguyên lý vận hành và muốn khám phá… Để khích lệ học sinh có tư duy phản biện, giáo viên cũng phải sử dụng phương pháp dạy học tích cực, chú trọng phát triển năng lực cho học sinh. Một khi thay đổi phương pháp giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm, đề cao tính chủ thể, tính tích cực của học sinh thì sẽ tạo tiền đề tốt cho việc dạy kỹ năng tư duy phản biện cho học sinh.
Thực tế các em cũng có tư duy phán đoán, nhưng các kết luận thường thiếu cơ sở, chưa chính xác, do các em vẫn giữ thói quen đồng ý nhanh, chấp nhận dễ. Có những trường hợp cảm thấy không thuyết phục nhưng vẫn không dám biểu đạt ý kiến, dễ bị lôi kéo bởi một tuyên bố hay một câu nói của giáo viên. Có trường hợp các em phản biện vượt khung hoặc phản biện máy móc, không dùng tư duy để phân tích đúng sai mà sa vào phản đối, chê trách, phủ nhận mọi vấn đề được đưa ra. Do đó vai trò dẫn dắt của người thầy trong quá trình thảo luận và lập luận của học sinh là rất quan trọng
Em Nguyễn Ngọc Mai, lớp 11A Trường THPT Việt Bắc chia sẻ: Trong quá trình học kể cả các môn khoa học xã hội như môn văn, môn sử các thầy cô cũng luôn yêu cầu học sinh tham khảo thêm các tài liệu, tham khảo trên mạng về kiến thức hay các mẩu chuyện liên quan, từ đó đưa những kiến thức đó vào thảo luận trong các giờ học. Trong quá trình thảo luận thầy cô luôn đưa ra các câu hỏi gợi mở để chúng em suy nghĩ và đưa ra ý kiến của bản thân và được thầy cô giải đáp thắc mắc khiến giờ học trở nên thú vị hơn.
Ý kiến ()