Xây dựng Trường Sĩ quan Thông tin cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại hóa
Trường Sĩ quan Thông tin (SQTT) là trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy-tham mưu thông tin cho Quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội một số nước trong khu vực; đào tạo sĩ quan chỉ huy-tham mưu tác chiến không gian mạng; giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội giao phó và đang nỗ lực xây dựng nhà trường cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Trường SQTT tiền thân là Trường Thông tin, thành lập ngày 11-11-1951 theo Quyết định số 132/QĐ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng, phát triển, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của nhà trường đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đã có hơn 5 vạn học viên của nhà trường có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ghi nhận những cống hiến xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, sự nghiệp giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), nhà trường vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Huấn luyện triển khai Trạm Vsat mang xách. Ảnh: TRUNG HIẾU |
Những năm gần đây, Trường SQTT tập trung mọi nguồn lực phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Nội dung, chương trình đào tạo được xây dựng tiếp cận với các mô hình giáo dục tiên tiến, cập nhật tiến bộ của khoa học, công nghệ, bám sát yêu cầu thực tiễn và chức trách, nhiệm vụ ban đầu của trung đội trưởng thông tin. Phương pháp dạy học thường xuyên được đổi mới theo hướng dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm; chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học; đột phá trong dạy-học tiếng Anh và giảng dạy một số môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục luôn được quan tâm, đến nay, 100% giảng viên nhà trường có trình độ đại học, trong đó hơn 70% có trình độ sau đại học, 12% có trình độ tiến sĩ. Công tác nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ với nhiều công trình, sản phẩm mang tính ứng dụng cao, phục vụ đắc lực việc nâng cao chất lượng GD-ĐT cũng như đời sống dân sinh. Cơ sở vật chất được đầu tư toàn diện; hệ thống giảng đường, bãi tập được xây dựng chính quy, hiện đại. Nhà trường triển khai có chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) và Ngoại ngữ-công trình hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam và Ấn Độ trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT, ngoại ngữ, nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm CNTT… Nhờ vậy, chất lượng GD-ĐT của nhà trường không ngừng được nâng cao, tỷ lệ học viên tốt nghiệp phân loại khá, giỏi hằng năm chiếm hơn 75%.
Những năm tới, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng quân đội, Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) tiến thẳng lên hiện đại, nhà trường tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, xây dựng nhà trường vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nội bộ đoàn kết, thống nhất cao. Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thực hiện tốt Phong trào Thi đua Quyết thắng, các đợt thi đua cao điểm gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, nhà trường vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Hai là, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chiến lược phát triển GD-ĐT trong quân đội giai đoạn 2021-2030 và chủ trương “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng SSCĐ của đơn vị” của Bộ Quốc phòng; Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Binh chủng TTLL. Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp dạy-học; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành công tác GD-ĐT. Đẩy mạnh xây dựng nhà trường thông minh tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số trong GD-ĐT. Phát triển phong trào nghiên cứu khoa học, tập trung trên lĩnh vực tổ chức bảo đảm thông tin tự động hóa chỉ huy và tác chiến không gian mạng.
Ba là, tập trung đầu tư xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong sáng về phẩm chất đạo đức và giỏi về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển GD-ĐT trong giai đoạn mới. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đầu ngành, chủ nhiệm bộ môn; phấn đấu đạt được các chức danh về học hàm, học vị, các chức danh cao quý của ngành giáo dục.
Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác, quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực mở rộng hợp tác, liên kết với các nhà trường, đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài quân đội để bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn cho giảng viên, chuyển giao công nghệ, tiếp cận các dịch vụ và giải pháp tiên tiến trong GD-ĐT. Tập trung xây dựng Trung tâm CNTT và Ngoại ngữ đúng định hướng của Bộ Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành Công viên phần mềm có uy tín của quân đội; phát triển mạnh mẽ hoạt động của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Năm là, thường xuyên đổi mới công tác huấn luyện chiến đấu theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ của các lực lượng, gắn kết chặt chẽ giữa huấn luyện chiến đấu với GD-ĐT. Thực hiện đồng bộ, toàn diện các nội dung, biện pháp tạo chuyển biến vững chắc về công tác xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật và bảo đảm an toàn.
Ý kiến ()