Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm: “Cú hích” của giáo dục mầm non
(LSO) – Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng môi trường học tập ở trong và ngoài lớp… để trẻ linh hoạt trong vui chơi, phát triển trí tuệ và năng khiếu.
Chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là tạo môi trường giáo dục “học mà chơi – chơi mà học” dựa trên nhu cầu, hứng thú, kinh nghiệm và khả năng của trẻ. Thực hiện chuyên đề này, từ năm học 2016 – 2017, Sở GD&ĐT lựa chọn xây dựng mô hình điểm cấp tỉnh tại 5 đơn vị gồm: Trường Mầm non Liên Cơ, Trường Mầm non 8-3 (thành phố Lạng Sơn); Trường Mầm non Đồng Đăng (Cao Lộc); Trường Mầm non Liên Cơ (Hữu Lũng) và Trường Mầm non thị trấn Bắc Sơn (Bắc Sơn). Sở yêu cầu các huyện, thành phố, mỗi đơn vị chọn từ 2 trường mầm non đại diện cho vùng thuận lợi và khó khăn để xây dựng điểm về thực hiện chuyên đề, qua đó, các huyện, thành phố đã lựa chọn triển khai thực hiện điểm tại 59 đơn vị trường mầm non… Từ khi triển khai mô hình điểm, đến nay, toàn tỉnh có 232 trường mầm non, 18 trường phổ thông có lớp mầm non và 9 cơ sở nhóm, lớp mầm non thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Học sinh Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn) tham gia hoạt động trải nghiệm tại trường
Cô Nguyễn Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Thực hiện chuyên đề, nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực của trẻ để trẻ có ý thức gọn gàng, nền nếp và chủ động trong sinh hoạt. Cụ thể như tiết học kỹ năng sống, cô giáo dạy trẻ biết cách vệ sinh cá nhân, tự giác thu dọn đồ chơi gọn gàng và cất ghế khi ra về… Hay cô cho trẻ tự nhận góc chơi, chọn bạn và đồ chơi yêu thích… để trẻ mạnh dạn, tự tin khám phá khi tham gia các hoạt động.
Để xây dựng môi trường giáo dục phù hợp với chuyên đề, ngành GD&ĐT tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non và xã hội hóa việc xây dựng trường, lớp mầm non. Trong 5 năm qua, ngành đã đầu tư xây dựng 13 trường mầm non, 59 bếp ăn bán trú các trường mầm non. Các tổ chức, cá nhân, nhất là các bậc phụ huynh đã ủng hộ nhiều vật dụng, công sức với tổng trị giá trên 890 triệu đồng để cải tạo, sửa chữa, trang trí các trường, điểm trường mầm non. Qua 5 năm triển khai, các trường tập trung cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất phù hợp với chuyên đề. Đến năm học này, toàn tỉnh có 68,31% phòng học mầm non kiên cố, tăng trên 18% so với năm học 2016 – 2017.
Xác định yếu tố con người quyết định thành công trong việc thực hiện chuyên đề giáo dục mầm non lấy trẻ làm trung tâm, ngành GD&ĐT quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV) cấp học mầm non. Gần 4 năm học vừa qua, toàn ngành có hơn 2.500 lượt CBGV mầm non được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng liên quan đến nội dung chuyên đề. Cùng đó, các cơ sở mầm non phối hợp tổ chức bồi dưỡng cho 100% CBGV, nhân viên dưới nhiều hình thức như: bồi dưỡng tập trung, sinh hoạt chuyên môn theo cụm.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được thực hiện hiệu quả. Cách thức giáo dục này đã kích thích sự chú ý, tư duy và cảm xúc; phát huy được khả năng của trẻ, giúp trẻ tự tin, yêu thích tìm tòi, khám phá, thích đến trường, tham gia hiệu quả vào các hoạt động trải nghiệm. Không chỉ thế, chuyên đề còn thúc đẩy việc xây dựng cơ sở vật chất, tạo nên diện mạo mới tại các trường mầm non; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV mầm non theo hướng chuyên nghiệp hơn. Hằng năm, 100% trẻ được đảm bảo an toàn trong môi trường GDMN và trên 99% trẻ được đánh giá đạt chất lượng giáo dục đã chứng minh điều đó.
Ngày 25/1/2017, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch 56/KH-BGDĐT về triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu tổng quát của chuyên đề là xây dựng trường mầm non bảo đảm các yêu cầu về môi trường giáo dục; tăng cường hoạt động vui chơi; tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, khám phá; hình thành và phát triển kỹ năng; giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy người học làm trung tâm… |
Ý kiến ()