Thứ 5, 26/12/2024 12:50 [(GMT +7)]
Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ở đồng bằng sông Cửu Long
Chủ nhật, 29/04/2012 | 14:47:00 [(GMT +7)] A A
Học sinh Trường tiểu học Long Phú 2 (Long Mỹ, Hậu Giang) tập thể dục giữa giờ. |
Để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo của học sinh, từ năm 2008, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) phát động Phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (XDTHTT, HSTC).
Đến nay, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các địa phương trên cả nước. Trong đó, ngành giáo dục vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều cách làm tích cực, sáng tạo thực hiện các nội dung của phong trào, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.”
Ba đủ” thu hút học sinh đến trường
Có mặt tại Trường THPT Đoàn Văn Tố, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) chúng tôi được biết, dù là trường thuộc vùng “đảo nổi” giữa dòng sông Hậu bốn bề sông nước, nhưng tỷ lệ học sinh đi học đều tăng hằng năm và luôn ổn định sĩ số. Theo Hiệu trưởng Lâm Văn Nam, từ lâu, tình trạng bỏ học luôn là vấn đề đáng lo ngại của giáo dục địa phương. Vì vậy, ngay sau khi thực hiện phong trào XDTHTT, HSTC thì vấn đề quan tâm hàng đầu của nhà trường là nội dung thực hiện bảo đảm trường lớp xanh, sạch, đẹp và bảo đảm “Ba đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) để không học sinh nào bỏ học. Kết quả, chỉ riêng trong năm học 2011-2012, trường đã vận động mọi người đóng góp vào quỹ học bổng được 109 triệu đồng, giúp đỡ 122 học sinh; thực hiện hỗ trợ bữa ăn trưa cho 69 học sinh khối 12 thuộc diện khó khăn… Do khắc phục được những khó khăn về đời sống, điều kiện học tập, cho nên tỷ lệ bỏ học của trường giảm đáng kể so năm học trước. Theo Giám đốc Sở GD và ĐT Sóc Trăng Trần Việt Hùng, Phong trào “Ba đủ” được ngành giáo dục của tỉnh tích cực thực hiện. Ngay từ đầu các năm học, Sở GD và ĐT đã phối hợp Hội Khuyến học và các ngành, vận động các tổ chức, doanh nghiệp phát nhiều đợt học bổng cho học sinh, sinh viên thông qua các chương trình “Kết nối yêu thương”, “Kết nối đến tương lai”… Tính riêng trong năm 2011, số học bổng được trao tặng học sinh khó khăn hơn 10,6 tỷ đồng. Ngoài ra, ở cấp THCS còn cấp phát hơn 36,7 nghìn bản sách phục vụ việc học tập, giảng dạy của học sinh và giáo viên các trường. Vì vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học của tỉnh đã giảm đáng kể.
Không chỉ ở Sóc Trăng, trên các địa phương vùng ĐBSCL, đều có những cách làm khác nhau nhằm bảo đảm “Ba đủ” giúp học sinh đến trường. Tại Trường tiểu học Long Phú 2, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), theo Hiệu trưởng Phạm Đình Phương, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phát động phong trào đỡ đầu những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học. Ban giám hiệu cùng giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình, hoàn cảnh gia đình từng học sinh. Vì vậy, toàn bộ 43 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 36 học sinh thuộc diện hộ nghèo đều được giải quyết chế độ và được hỗ trợ kịp thời. Giám đốc Sở GD và ĐT Hậu Giang Phạm Hoàng Tươi khẳng định, để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, các cấp, các ngành của tỉnh cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ tích cực học sinh học giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Điển hình như Hội Khuyến học tỉnh xét, cấp học bổng, tặng xe đạp đến trường, tặng sách vở cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tốt, số tiền hơn 15,4 tỷ đồng. Đoàn thanh niên trao học bổng “Thắp sáng ước mơ” cho học sinh vượt khó học giỏi số tiền hơn năm tỷ đồng; Hội Phụ nữ vận động được 41 học sinh bỏ học trở lại trường…
Có thể nói phong trào “Ba đủ” đã tạo nên sự quan tâm, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động giáo dục ĐBSCL. Công tác xã hội hóa giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động các ban, ngành đoàn thể, các lực lượng xã hội cùng toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào bảo đảm tốt “Ba đủ” cho học sinh đến trường.
Rèn luyện kỹ năng sống
Không chỉ chú trọng bảo đảm các điều kiện giúp học sinh chuyên cần đến trường, công tác rèn luyện kỹ năng nhằm giúp học sinh có thể thích ứng với những hoàn cảnh, tình huống và điều kiện khác nhau của đời sống xã hội cũng được các tỉnh ĐBSCL chú trọng. Nhất là việc xây dựng được “Quy tắc ứng xử văn hóa” giữa các thành viên trong nhà trường; phối hợp thường xuyên với cha mẹ học sinh, nắm được những diễn biến về tâm lý, tính cách để có biện pháp hữu hiệu trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Tại tỉnh Hậu Giang, theo Giám đốc Sở GD và ĐT Phạm Hoàng Tươi, toàn bộ 339 trường của tỉnh đều xây dựng “Quy tắc ứng xử văn hóa” giữa các thành viên trong nhà trường và có biện pháp giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy tắc đó. Mặt khác, phần lớn các trường đều tổ chức các câu lạc bộ, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nội dung giáo dục, rèn luyện các kỹ năng sống, ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng, chống tai nạn đuối nước, thương tích cho học sinh. Đến Trường tiểu học Long Phú 2 (Long Mỹ, Hậu Giang) vào giờ sinh hoạt, chúng tôi thấy, ngoài việc sinh hoạt thường xuyên, nhà trường còn triển khai công tác phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với học sinh. Theo Hiệu trưởng Phạm Đình Phương, nhà trường còn tham mưu cho cơ quan chức năng bảo đảm khoảng cách cửa hàng kinh doanh trò chơi trên in-tơ-nét với trường học; thông qua giờ học môn Tin học, giáo dục học sinh tìm những địa chỉ lành mạnh trên in-tơ-nét phục vụ cho công việc học tập. Cùng với Hậu Giang, tại tỉnh Sóc Trăng, các trường phổ thông còn tổ chức cho học sinh ký cam kết phòng, chống các tệ nạn xã hội; cán bộ, giáo viên không vi phạm các tệ nạn xã hội và lồng ghép các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong các giờ học, giờ chào cờ… Toàn bộ các trường học đều tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động ngoài giờ lên lớp với nội dung giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống. Lồng ghép giáo dục an toàn giao thông, giáo dục bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả…
Có thể nói, phong trào thi đua XDTHTT, HSTC được các trường học, cơ sở giáo dục các tỉnh ĐBSCL thực hiện bằng nhiều biện pháp thiết thực, phong phú, phù hợp ở từng cấp học. Từ đó, góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, tạo cảnh quan môi trường học tập thân thiện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Quách Việt Tùng cho rằng: ĐBSCL là vùng có mặt bằng giáo dục còn hạn chế so nhiều địa phương trong cả nước. Tỉnh ủy và UBND các tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, phong trào thi đua THTT, HSTC là một phong trào thiết thực trong những giải pháp đó. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành tích cực phối hợp ngành GD và ĐT để thực hiện phong trào hiệu quả, nhất là đưa phong trào đi vào thực chất… Theo Vụ trưởng Công tác Học sinh, sinh viên, Ngũ Duy Anh, việc thực hiện phong trào THTT, HSTC ở ĐBSCL mang lại kết quả thiết thực, có sức lan tỏa rộng, thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, giảm tình trạng học thụ động trong học sinh, trang bị kiến thức, kỹ năng sống cũng như giáo dục truyền thống, văn hóa và nhất là giảm đáng kể tình trạng học sinh bỏ học. Điều đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ĐBSCL cũng như cả nước.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()