Xây dựng trường chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng giáo dục
Thời gian qua, ngành giáo dục và các địa phương đã có nhiều giải pháp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nhờ quan tâm, làm tốt công tác xây dựng trường đạt chuẩn, các cơ sở giáo dục đã có điều kiện thuận lợi trong tổ chức dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Giờ học thể dục tại nhà đa năng, Trường THCS Tiên Du (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). |
Thực tế cho thấy, để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia bảo đảm tiến độ, hiệu quả, các địa phương và ngành giáo dục cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; bổ sung biên chế giáo viên; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về trình độ theo yêu cầu.
Những tín hiệu tích cực
Từ năm học 2022-2023, thầy và trò Trường tiểu học Đồng Sơn (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) vui mừng đón nhận trường học đạt chuẩn quốc gia sau khi sáp nhập bốn điểm trường lẻ. Ngôi trường được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, cùng với đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn đã giúp nhà trường tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục.
Cô giáo Nguyễn Thị Lựu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Sơn cho biết, trường có tổng diện tích gần 13.000m2 với 30 phòng học, năm phòng hành chính quản trị, sáu phòng phục vụ các hoạt động giáo dục, năm phòng học bộ môn, một phòng thư viện. Trường bố trí đủ bàn, ghế, bảng từ chống lóa, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn, trang trí lớp phù hợp, bảo đảm yêu cầu của trường chuẩn quốc gia.
Hằng năm, thư viện và phòng đồ dùng đều được bổ sung thiết bị phục vụ dạy và học đạt hiệu quả; đồng thời, đầu tư 55 máy vi tính kết nối internet phục vụ công tác quản lý và hoạt động dạy học, sáu máy chiếu, 28 ti-vi được lắp đặt ở các lớp thuận tiện cho việc dạy và học.
Đến Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (thành phố Bắc Giang), chúng tôi không chỉ ấn tượng ngôi trường được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại với khuôn viên trường rộng rãi, nhiều cây xanh, sạch sẽ mà còn cảm nhận sự nỗ lực của các thầy, cô giáo trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Cô giáo Ngô Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn dẫn chúng tôi đi thăm trường chia sẻ:
Trường được xây dựng vào tháng 7/2016 và đi vào hoạt động từ tháng 8/2017. Hằng năm, trường có từ 17 đến 20 lớp, mỗi lớp có từ 30 đến 38 học sinh. Thời gian qua, trường luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các cấp chính quyền và ngành giáo dục cho nên đã “gặt hái” được những thành tích rất đáng tự hào, khẳng định vị thế là trường tốp đầu trong các trường trung học cơ sở của thành phố và của tỉnh Bắc Giang.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên hằng năm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, trình độ đào tạo đều đạt chuẩn và trên chuẩn, tỷ lệ đạt trên chuẩn tăng dần theo từng năm (khoảng 20%); tỷ lệ thầy giáo, cô giáo đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố là hơn 98%, cấp tỉnh hơn 55%. Để duy trì và giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia, hằng năm, trường đều xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp để duy trì chất lượng; bổ sung các thiết bị dạy học hiện đại, đồ dùng dạy học cần thiết phục vụ hiệu quả cho công tác giảng dạy, nhất là thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong 5 năm liên tiếp, trường có ít nhất hai năm có kết quả giáo dục, các hoạt động khác vượt trội so với các trường có điều kiện kinh tế-xã hội tương đồng.
Không chỉ Bắc Giang, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng được tỉnh Bắc Ninh quan tâm thực hiện hiệu quả, cho nên tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn đều đạt chuẩn. Thầy giáo Nguyễn Kiên Cường, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tiên Du (huyện Tiên Du) cho biết, từ tháng 9/2022, trường được chuyển về ngôi trường mới tại thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão (huyện Tiên Du).
Mặc dù trường cũ đã đạt chuẩn quốc gia, song do yêu cầu ngày càng phát triển, quy mô không đáp ứng yêu cầu về dạy và học. Vì vậy, ngôi trường hiện nay có diện tích gần 20.000m2, tổng mức đầu tư hơn 146 tỷ đồng được hoàn thành. Trường được thiết kế hình chữ U, cao bốn tầng, kết hợp phòng học bộ môn, phòng hiệu bộ; nhà ăn kết hợp bán trú học sinh; nhà đa năng kết hợp bể bơi và các hạng mục phụ trợ như tường rào, phòng bảo vệ, nhà để xe, hệ thống sân vườn, cây xanh, sân bóng đá. Với sự nỗ lực xây dựng trường chuẩn từ nhiều năm, thành tích của trường luôn được đánh giá cao…
Xây dựng trường chuẩn là nhiệm vụ trọng tâm
Thực tế cho thấy, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội. Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh) Nguyễn Sỹ Phượng cho biết, địa phương đã có nhiều giải pháp xây dựng trường chuẩn quốc gia như: Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục, có kế hoạch mở rộng quỹ đất, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Vì vậy, đến nay, Bắc Ninh được ghi nhận là một trong những tỉnh, thành phố hoàn thành kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tương tự, tại tỉnh Bắc Giang, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tạ Việt Hùng, thời gian qua, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, cơ chế đầu tư từ ngân sách địa phương; ưu tiên bố trí các nguồn lực để thực hiện kế hoạch xây dựng trường chuẩn; chỉ đạo các phòng chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập kế hoạch chi tiết để tổ chức kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 704 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 93,7%).
Bên cạnh một số địa phương thực hiện hiệu quả công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thì tại một số địa phương do điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, ngân sách bố trí đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, không có quỹ đất để xây thêm trường, lớp học là một trong những nguyên nhân dẫn tới trường đạt chuẩn quốc gia đạt được còn thấp và chưa như kỳ vọng.
Tại tỉnh Bắc Kạn, hiện mới có 92 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 31,94%, giảm bảy trường sau khi thực hiện sáp nhập trường đầu năm học 2022-2023. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn Đoàn Văn Hương, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn những khó khăn, vướng mắc do nhiều hạng mục, công trình xây dựng trường học chậm triển khai; việc mua sắm, bổ sung bàn, ghế, trang thiết bị dạy học cũng tương tự do khó khăn về kinh phí và phụ thuộc vào tiến độ đầu tư cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ để bảo đảm nhiệm vụ dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới do không được giao đủ biên chế theo định mức, trong khi vẫn tiếp tục phải thực hiện việc tinh giản biên chế. Nếu như Bắc Kạn gặp khó khăn về kinh phí xây dựng trường chuẩn, thì tại Hà Nội luôn thường trực một khó khăn khác, đó là thiếu quỹ đất xây dựng trường; nhiều trường diện tích chật hẹp, sĩ số học sinh/lớp đông, cho nên kế hoạch phát triển trường chuẩn quốc gia chưa được như kỳ vọng.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tạo điều kiện cho Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về việc xây trường chuẩn quốc gia. Đó là, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay thế cho diện tích đất/học sinh; cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao…
Thực tế cho thấy, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia sẽ góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là 54,6%, tiểu học 72,1%; trung học cơ sở 60% và trung học phổ thông 40%.
Trong các cơ sở giáo dục được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường đã bước đầu quen với “văn hóa chất lượng”, có ý thức và trách nhiệm trong việc xây dựng nhà trường ngày một tốt hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục triển khai rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và xác định nhu cầu để triển khai mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu theo yêu cầu xây dựng trường chuẩn quốc gia và lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đồng thời, đánh giá thực trạng các điểm trường lẻ, các trường có quy mô nhỏ; xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp để triển khai sắp xếp các trường và bố trí số lượng học sinh/lớp theo quy định bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, quyền lợi học tập của học sinh, phù hợp quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngành giáo dục xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú, học sinh bán trú là nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, khu đông dân cư, các khu công nghiệp…
Ý kiến ()