Xây dựng tổ hòa giải điển hình tiên tiến: Nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở
– Với tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%, các tổ hòa giải điển hình tiên tiến (ĐHTT) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, góp phần đoàn kết thôn, xóm, hạn chế khiếu nại tố cáo, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, từ năm 2018, Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch xây dựng tổ hòa giải ĐHTT. Theo hướng dẫn, 11/11 UBND huyện, thành phố lựa chọn ít nhất 2 đơn vị cấp xã để chỉ đạo điểm về công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó tập trung vào các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tại mỗi đơn vị cấp xã lựa chọn 2 tổ hòa giải để xây dựng tổ hòa giải ĐHTT. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 44 tổ hòa giải ĐHTT.
Thành viên tổ hòa giải ĐHTT khối 1, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn tuyên truyền pháp luật cho người dân
Ông Dương Công Luyện, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật và Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Tổ hòa giải ĐHTT có từ 5 tổ viên trở lên (có đủ đại diện các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở tham gia). Hòa giải viên có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Những năm qua, các vụ việc hòa giải thành tại các tổ hòa giải ĐHTT đạt 90% trở lên. Không có vụ việc hòa giải trái thẩm quyền.
Các tổ hòa giải có cách làm hay, hiệu quả trong công tác hòa giải được các địa phương lựa chọn để xây dựng tổ hòa giải ĐHTT. Các tổ này luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, có mặt kịp thời khi trong Nhân dân xảy ra các tranh chấp về đất đai, tài sản, hôn nhân, gia đình… Đồng thời vận dụng linh hoạt các phương pháp, cách thức hòa giải, kết hợp lý lẽ, pháp luật với tình làng nghĩa xóm để giúp các bên hóa giải mâu thuẫn.
Ông Phùng Mạnh Hùng, Tổ trưởng Tổ hòa giải ĐHTT khối 1, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ khi triển khai mô hình tổ hòa giải ĐHTT, chúng tôi càng thêm trách nhiệm để hòa giải thành các mâu thuẫn ngay từ cơ sở. Đối với những vụ việc khó liên quan đến đất đai, chúng tôi thường tham khảo ý kiến hoặc chủ động mời cán bộ địa chính phường cùng tham gia giải quyết. Đồng thời gặp gỡ, làm công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư từng bên tranh chấp để đưa ra những phương án giải quyết thấu tình đạt lý. Nhờ đó, hằng năm, tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 95 đến 100%.
Không chỉ hòa giải, các tổ hòa giải ĐHTT còn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong dòng họ… tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Ông Lạnh Văn Cường, Tổ trưởng Tổ hòa giải ĐHTT thôn Dục Thúm, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn cho biết: Trung bình hằng năm, thôn xảy ra 3 đến 5 vụ, việc cần hòa giải. Từ những xích mích nhỏ như tranh chấp lối đi, bờ ruộng, nước tưới, gia đình mâu thuẫn, nếu mất kiểm soát dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, chúng tôi vừa hòa giải, vừa lồng ghép tuyên truyền các nội dung pháp luật về dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, đất đai. Qua đó, người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế mâu thuẫn. Hằng năm, thôn đều đạt thôn văn hóa, hơn 90% gia đình đạt gia đình văn hóa.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình tổ hòa giải ĐHTT, từ đầu năm 2021, Sở Tư pháp đã ban hành công văn về việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó có nội dung đề nghị 11 huyện, thành phố trong năm 2021 lựa chọn xây dựng thêm 2 đơn vị cấp xã để chỉ đạo điểm về công tác hòa giải ở cơ sở và tại mỗi xã, phường, thị trấn chỉ đạo điểm lựa chọn xây dựng thêm 2 tổ hòa giải ĐHTT, để tăng số lượng tổ hòa giải ĐHTT. Đến nay, toàn tỉnh đăng ký xây dựng mới thêm 116 tổ hòa giải ĐHTT, nâng tổng số lên 160 tổ hòa giải ĐHTT. Điển hình có một số huyện đăng ký xây dựng tổ hòa giải ĐHTT tại 100% xã, phường, thị trấn như: thành phố Lạng Sơn, huyện Lộc Bình, huyện Cao Lộc.
Ông La Văn Tùng, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cao Lộc cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 176 tổ hòa giải ở cơ sở với 1.100 hòa giải viên. Từ cách làm hiệu quả, hoạt động của mô hình tổ hòa giải ĐHTT tại hai xã điểm (Hải Yến, Gia Cát), chúng tôi đã xây dựng tại các xã còn lại của huyện. Năm 2021, tại 22/22 xã thị trấn đều xây dựng tổ hòa giải ĐHTT.
Việc xây dựng, nhân rộng mô hình tổ hòa giải ĐHTT đã góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, tỷ lệ hòa giải thành tăng qua các năm. Tiêu biểu năm 2020, các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã hoà giải thành 2.614/3.483 vụ việc, đạt tỉ lệ 75%, tăng 7,6% so với năm 2019. Qua đó, góp phần giải quyết mâu thuẫn của Nhân dân ngay từ thôn, khu phố, hạn chế khiếu nại, tố cáo, giữ gìn an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Thời gian tới, ngành tư pháp cần tiếp tục nhân rộng mô hình tổ hòa giải ĐHTT, tuyên truyền sâu rộng cách làm hay, hiệu quả hoạt động của mô hình; đẩy mạnh học tập kinh nghiệm, tổ chức các hình thức sân khấu hóa thể hiện các vụ việc hay được hòa giải thành tại các tổ hòa giải ĐHTT trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các tổ hòa giải nói chung và tổ hòa giải ĐHTT nói riêng, hằng năm, Sở Tư pháp, phòng tư pháp các huyện, thành phố đều tổ chức các lớp tập huấn Luật Hòa giải ở cơ sở. Đơn cử như năm 2020, Sở Tư pháp đã tổ chức 7 hội nghị tại cấp huyện, cấp xã tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hơn 800 đại biểu tham dự. Thông qua các lớp bồi dưỡng, hòa giải viên được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng hòa giải cơ sở. |
Ý kiến ()