Xây dựng thương hiệu sản phẩm vùng
LSO-Thời gian qua, một số vùng rau trên địa bàn tỉnh đã áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn để cung cấp ra thị trường “sản phẩm sạch” đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm vùng để nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Người tiêu dùng mua rau an toàn sản xuất tại xã Tân Liên, huyện Cao Lộc |
Càng ngày, nhu cầu sử dụng rau sạch, an toàn cho sức khỏe càng được người dân quan tâm. Những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vùng trồng rau để cung cấp ra thị trường, nhưng vùng rau chuyên canh rau an toàn thì chỉ có vùng rau của Hợp tác xã Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Năm 2016, đã có thêm nhiều mô hình trồng rau an toàn được triển khai, trong đó đã có một số mô hình thành công và bước đầu cho hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Trong đó, nổi bật là vùng rau trên địa bàn 2 xã Tân Liên, Gia Cát của huyện Cao Lộc.
Từ nguồn vốn nông thôn mới, năm 2016 huyện Cao Lộc đã triển khai dự án trồng rau an toàn trên diện tích 4ha, với gần 50 hộ dân tham gia trên địa bàn 2 xã Tân Liên và Gia Cát. Được người dân ủng hộ, dự án đã nhanh chóng mang lại hiệu quả. Bà Dương Thị Oai, tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, xã Tân Liên chia sẻ: Sau hơn hai tháng chăm sóc, các hộ nông dân đã được thu hoạch đợt 1 với các loại rau như: xu hào, cải xanh, cải bao, cải làn, cải ngồng hoa vàng. Đây là những giống rau truyền thống, hợp thổ nhưỡng được người dân trồng nhiều năm nay. Sản lượng thu hoạch của vùng rau dự án xã Tân Liên đạt trên 30 tấn với doanh thu khoảng 400 triệu đồng. Trong đó, có nhiều hộ gia đình có lợi nhuận đạt từ 20 đến 40 triệu đồng.
Để nâng cao giá trị hơn nữa cho các vùng rau, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các huyện hỗ trợ người nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm. Một mặt, tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện quy trình sản xuất an toàn theo đúng khoa học kỹ thuật. Mặt khác, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ để sản phẩm rau an toàn được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, quốc gia. Quan trọng hơn nữa là chính quyền cần phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp, các tổ chức tiêu thụ lớn với người nông dân trồng rau.
Qua đó, tại hội chợ tự hào hàng Việt Nam và sản phẩm truyền thống – Lạng Sơn 2016 vừa qua, Ban tổ chức đã dành riêng một gian hàng để trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm rau an toàn của huyện Cao Lộc. Qua hội chợ, người dân thành phố Lạng Sơn, khách thập phương cũng như nhiều doanh nghiệp đã biết đến vùng rau Tân Liên, Gia Cát. Cuối tháng 11/2016 vừa qua, UBND thành phố Lạng Sơn đã tổ chức hội thi rau an toàn lần thứ 3. Các nội dung của hội thi đã giúp người nông dân có thêm kiến thức, hiểu biết áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất rau an toàn, đồng thời khuyến khích sản xuất và phát triển vùng rau trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, hội thi đã tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà hàng, tổ chức kinh tế và người nông dân tiếp xúc mở kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Từ sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự chủ động của người dân, đã dần xây dựng nên thương hiệu vùng rau an toàn của tỉnh. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị sản phẩm, mỗi vùng sản xuất cần đầu tư thêm một số hạ tầng quan trọng như khu nhà sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và hơn nữa là xây dựng kênh bao tiêu sản phẩm. Qua đó, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, phát triển quy mô và đem lại lợi ích thiết thực, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.
YÊN SƠN
Ý kiến ()