Xây dựng thương hiệu: Giữ lửa cho các sản phẩm làng nghề truyền thống
Trong thời kỳ hội nhập, các làng nghề không chỉ góp phần vào giữ gìn những giá trị văn hoá dân tộc mà còn đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của các địa phương.
Trong nhiều năm qua, các sản phẩm làng nghề truyền thống của Việt Nam đã có sự thay đổi vượt bậc nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ. Với vị trí quan trọng hiện nay, các làng nghề truyền thống đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của các địa phương cũng như phát huy bản sắc văn hóa dân tộc .
Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, sản phẩm làng nghề đang phải cạnh tranh khốc liệt với những sản phẩm cùng loại của các nước đặc biệt là các nước ASEAN về mẫu mã, giá cả, chất lượng, phương pháp tiếp thị, quảng bá sản phẩm… Nếu các sản phẩm làng nghề không xây dựng được thương hiệu, không tạo được dấu ấn với khách hàng thì nhất định sẽ sản phẩm cùng loại của nước ngoài lấn sân ngay trên sân nhà.
Ông Lưu Duy Dần-Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết: “Trước hết phải nói rằng hệ thống làng nghề Việt Nam của ta mang tính truyền thống lâu đời. Nhưng để bắt nhịp được với xã hội hiện nay là một vấn đề rất khó khăn. Nếu không hội nhập, không bắt nhịp với quốc tế thì làng nghề chúng ta sẽ lạc hậu, không thoát ra được sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Muốn làm tốt được thì phải có hướng đi như chúng ta đang định hướng và quốc tế đang cần ở chúng ta thì việc hội nhập của làng nghề là hết sức cần thiết.”
Hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, nhưng qui mô sản xuất tại các doanh nghiệp làng nghề, các hộ sản xuất tại các làng nghề lại rất nhỏ, manh mún gây không ít khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống là yếu tố sống còn với doanh nghiệp làng nghề và các hộ sản xuất ở cả giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài:
“Tổ chức sản xuất và hướng đi làm sao để nó đồng bộ, và đặc biệt nhất là phải hiểu được những luật của nhà nước và cả của quốc tế. Vấn đề thứ hai là phải có sự kết nối lại với nhau để tìm ra được sức mạnh chung. Và điều thứ ba là công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm của mình… như vậy mới đạt yêu cầu được, nếu không thì rất khó khăn” Ông Lưu Duy Dần nói.
Bên cạnh đó, để các làng nghề có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ vay vốn, tiếp cận công nghệ cho các hộ sản xuất; trở thành trung gian, cầu nối trong việc đặt hàng, chuyển giao những ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), với sự khuyến khích, hỗ trợ của thành phố, cùng các bộ, ngành, nhiều làng nghề trên địa bàn đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị. Điển hình như làng nghề tăm Quảng Nguyên (huyện Ứng Hòa) sử dụng công nghệ mới trong sấy nguyên liệu. Làng nghề dệt len Ỷ La, La Dương, La Nội, La Phù (huyện Hoài Đức) đầu tư nhiều máy dệt len với công nghệ lập trình vi tính, dây chuyền sản xuất tự động…
Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất làng nghề sẽ chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng nghề đang có mức ô nhiễm nghiêm trọng; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 50 làng nghề; tạo việc làm ổn định từ 800.000-1 triệu lao động nông thôn với thu nhập bình quân đạt từ 35 triệu đến 40 triệu đồng/năm…
Ðể thực hiện được mục tiêu này, thành phố đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đồng thời sẽ đẩy mạnh liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học để đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các công nghệ mới; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng… để các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội./.
Ý kiến ()