Xây dựng thương hiệu “Gà vàng Vạn Linh”
– Cùng với sản phẩm cao khô nổi tiếng, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng còn được biết đến với giống gà vàng đặc sản, được khách thập phương ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm này đang được khuyến khích nhân rộng, hướng tới sản xuất hàng hoá và xây dựng nhãn hiệu tập thể.
Buổi chiều giữa tháng 7/2021, chúng tôi có dịp đến với gia đình anh Lương Văn Trẻ, thôn Nà Tẻng, xã Vạn Linh. Cách đây chưa lâu, gia đình anh mới xuất bán khoảng 400 con gà vàng, anh Trẻ cho biết: Nhà tôi bắt đầu nuôi tập trung và nhân rộng giống gà này từ năm 2017. Một phần tôi sử dụng làm giống để tiếp tục nhân đàn, một phần bán để tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Từ 100 con ban đầu, đến nay, mỗi lứa, tôi nuôi từ 300 đến 500 con. Trung bình 1 năm, tôi nuôi 3 lứa, thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Không chỉ gia đình anh Trẻ, nhiều hộ dân tại xã Vạn Linh đã nhận thấy tiềm năng phát triển và lợi ích kinh tế từ giống gà vàng đặc sản của quê hương và tập trung phát triển chăn nuôi loại gà này. Hiện nay, toàn xã có gần 100 hộ và 1 Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi gà Vạn Linh gồm 8 thành viên (thành lập từ năm 2017) chăn nuôi giống gà này. Trong đó, hộ ít duy trì nuôi từ 30 đến 50 con; hộ nhiều nuôi từ 500 đến 600 con.
Người dân xã Vạn Linh chăm sóc đàn gà
Ông Mai Văn Phản, Giám đốc HTX cho biết: Từ khi thành lập đến nay, HTX đã từng bước nhân rộng và ổn định quy mô đàn gà. Từ 1.000 con ban đầu, đến nay, HTX duy trì nuôi khoảng 6.000 con/lứa, cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm. Cùng đó, chúng tôi đang tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào các quy trình chọn giống, phòng ngừa dịch bệnh để nâng cao chất lượng, sản lượng. Đồng thời, HTX sẽ tiếp tục kết nạp thêm các hộ khác vào HTX để cùng xây dựng thương hiệu gà Vạn Linh.
Qua tìm hiểu được biết, gà vàng Vạn Linh là giống gà đã được nuôi từ rất lâu trên địa bàn có những đặc tính như: lông vàng, chân vàng, thịt thơm ngon… Trung bình mỗi con nặng từ 2 đến 3 kg, giá bán từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/kg tuỳ loại và từng thời điểm. Người dân ở đây chỉ nuôi gà bằng ngô, chuối, cỏ voi trộn với cám và nuôi thả trên đồi hoặc trong vườn nhà nên thịt gà săn chắc, thơm ngon. Bên cạnh đó, giống gà này thích ứng tốt với điều kiện của địa phương, có sức đề kháng cao. Những năm gần đây, gà vàng Vạn Linh ngày càng được nhiều người biết đến, khách hàng gần xa ưa chuộng. Hộ nuôi ít cũng thu vài chục triệu đồng/năm, hộ nuôi nhiều có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Nhận thấy tiềm năng phát triển từ giống gà vàng đặc sản, UBND xã Vạn Linh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi gà vàng. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, xã đã mở 2 lớp tập huấn cho 70 người về kỹ thuật chăn nuôi gà; tạo điều kiện cho các hộ trong HTX tham dự những khóa học, tập huấn cấp huyện, tỉnh về áp dụng máy móc, khoa học công nghệ vào sản xuất…
Bà Triệu Thị Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Linh cho biết: Được sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để xây dựng nhãn hiệu tập thể gà vàng Vạn Linh và phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam khảo sát, triển khai đề án phục tráng giống gà vàng Vạn Linh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng các đơn vị, người dân nghiên cứu, xây dựng quy trình chăn nuôi đồng nhất để đảm bảo chất lượng, sản lượng và bảo tồn tốt nguồn gen; phổ biến, tuyên truyền cho bà con nông dân mở rộng quy mô chăn nuôi; tăng cường quảng bá, lan toả thương hiệu và kết nối, liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra…
Hiện nay, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể gà vàng Vạn Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận hợp lệ và đang được thẩm định theo quy định. Tin rằng trong thời gian tới, giống gà vàng đặc sản này sẽ ngày càng nâng cao được giá trị, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân trên địa bàn.
Ý kiến ()