Xây dựng thương hiệu du lịch ẩm thực Việt Nam
Việt Nam là một trong những nước có nền văn hóa ẩm thực lâu đời, độc đáo và đa dạng, thể hiện ở các món ăn truyền thống với sự tài hoa trong chế biến, kết hợp được các hương vị một cách hài hòa, tinh tế, mang lại sự thăng hoa tinh thần trong thưởng thức.
Việt Nam là một trong những nước có nền văn hóa ẩm thực lâu đời, độc đáo và đa dạng, thể hiện ở các món ăn truyền thống với sự tài hoa trong chế biến, kết hợp được các hương vị một cách hài hòa, tinh tế, mang lại sự thăng hoa tinh thần trong thưởng thức.
Có thể nói, đó là các giá trị vượt trội, là thế mạnh cần khai thác của du lịch Việt Nam. Các từ điển, sách giới thiệu du lịch nổi tiếng cũng đã giới thiệu về nhiều món ăn mà khi nhắc đến là người ta hiểu ngay đó là Việt Nam như phở Hà Nội hay chả cá Lã Vọng. Gần đây nhất, Tổ chức kỷ lục châu Á đã công nhận 12 món ăn của Việt Nam đạt giá trị châu Á, trong đó riêng Hà Nội có đến ba món ăn đặc trưng được công nhận là: phở, bún thang, bún chả bên cạnh chín món ăn của các địa phương khác trong cả nước.
Mặc dù ẩm thực được xem là thế mạnh, một trong những yếu tố quan trọng thu hút du khách và có nhiều ý kiến cho rằng nên chọn văn hóa ẩm thực để xây dựng thành thương hiệu du lịch quốc gia (việc mà một số nước đã thực hiện khá thành công), nhưng cho đến nay, ngành du lịch nước ta ở tầm quản lý vĩ mô chưa chú trọng đến thế mạnh này. Cũng đã có các địa phương, doanh nghiệp tự thực hiện các sự kiện giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam, song ngoại trừ số ít tương đối thành công như Lễ hội trái cây Nam Bộ hay Liên hoan ẩm thực đất phương Nam hằng năm tại TP Hồ Chí Minh, còn lại phần lớn sự kiện liên quan đến du lịch ẩm thực vẫn thiếu tập trung quảng bá, chưa tạo dựng được hình ảnh sản phẩm nổi bật, thậm chí còn có phần bị lấn át ngay trên sân nhà bởi ẩm thực nước ngoài với các món ăn đang thịnh hành. Việc quảng bá, tuyên truyền mới chỉ dừng ở quy mô và tính chất địa phương, chưa mang tầm quốc gia. Nhiều món ăn Việt Nam, nghệ thuật ẩm thực Việt Nam được du khách biết đến phần lớn là do chính các hãng lữ hành, trang mạng du lịch nước ngoài đưa khách đến nước ta giới thiệu, chứ không phải do chúng ta thực hiện một cách bài bản.
Theo nghiên cứu thực tế, xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua văn hóa ẩm thực là nhanh nhất, gây được ấn tượng, chi phí ít, lại dễ đi vào lòng người, thu hút du khách, bởi vì đã “đánh” đúng vào thú thưởng thức ẩm thực của số đông trong họ. Khai thác được các giá trị và thế mạnh này, không chỉ thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển, mà còn gia tăng sự phát triển của các ngành dịch vụ, sản xuất hỗ trợ như nông nghiệp, thủy, hải sản ở trong nước.
Ðể làm được điều đó, có nhiều cách thức như tổ chức các sự kiện ở trong nước và ngoài nước giới thiệu ẩm thực theo chủ đề vùng, miền, thi tay nghề chế biến món ăn định kỳ, kết hợp giữa địa phương, doanh nghiệp, từng bước xây dựng các sự kiện đó trở thành sản phẩm du lịch. Không những thế, các doanh nghiệp lữ hành và địa phương còn có thể xây dựng và triển khai các tua du lịch tham quan vùng nguyên liệu, chợ quê và học cách làm các món ăn Việt Nam. Bên cạnh đó có thể xây dựng cả những bảo tàng, nhà trưng bày giới thiệu văn hóa ẩm thực, đặc sản địa phương, có nhà hàng để trình diễn hay thực hành về các món ăn cho du khách xem và thưởng thức. Một kênh quan trọng trong xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch ẩm thực Việt Nam là thông qua sách, báo, phương tiện truyền thông, in-tơ-nét và cả nghệ thuật điện ảnh như một số nước đã làm. Ðiều này đòi hỏi sự chung tay, phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương và các ngành văn hóa, du lịch, ngoại giao, thương mại… cho đến các doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng và người dân.
Sự trân trọng, tự hào về đặc sản quê hương, về những món ăn đã được tôn vinh, giữ gìn và nâng cao chất lượng chế biến, vệ sinh thực phẩm chính là sự tham gia hiệu quả nhất ủng hộ xây dựng thương hiệu du lịch ẩm thực của đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()