Xây dựng thương hiệu cộng đồng: Chắp cánh cho nông sản Lạng Sơn
–Thương hiệu cộng đồng bao gồm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Thương hiệu cộng đồng không chỉ góp phần nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh của nông sản Lạng Sơn trên thị trường mà còn giúp người sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, từng bước vươn đến các thị trường trong nước và quốc tế.
Nông dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng thụ phấn cho na
Hiệu quả của việc xây dựng và phát triển thương hiệu cộng đồng được khẳng định qua việc nhiều sản phẩm trước đây chỉ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh thì nay đã được đưa đến thị trường trong và ngoài nước, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Trong đó có thể kể đến như nhãn hiệu chứng nhận vịt quay Lạng Sơn, trong quá trình xây dựng, nhờ được tuyên truyền, các hộ gia đình đã quan tâm đến khâu đóng gói, bảo quản và bao bì, nhãn mác, bảo quản sản phẩm. Điều này giúp người sản xuất nâng cao chất lượng, gia trị sản phẩm. Không riêng vịt quay, thông qua việc xây dựng thương hiệu cộng đồng, nhiều sản phẩm nông, lâm sản, đặc sản trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm định hướng và đầu tư phát triển. Sau khi phát triển nhãn hiệu cộng đồng giá trị các sản phẩm đều được nâng lên, mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động.
Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Tính đến năm 2024, toàn tỉnh có 42 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ với 4 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 33 nhãn hiệu tập thể. Tính từ năm 2020 đến nay, sở đã và đang triển khai thực hiện xác lập, quản lý và phát triển đối với 29 thương hiệu cộng đồng. Việc xây dựng thương hiệu cộng đồng đã góp phần phát huy thế mạnh của nông sản, đặc sản địa phương, tổ chức lại sản xuất đảm bảo nguồn gốc, nâng cao chất lượng, gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Đến nay toàn tỉnh có 42 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ với 4 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 33 nhãn hiệu tập thể. |
Năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt Đề án triển khai chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, riêng về phát triển thương hiệu cộng đồng đề án đưa ra mục tiêu giai đoạn là xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với 3 dự án; hỗ trợ xác lập nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đối với 15 dự án. Việc xây dựng thương hiệu cộng đồng được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung như: Vùng na (Chi Lăng, Hữu Lũng), vùng ớt (Chi Lăng, Lộc Bình) vùng hồi (Văn Quan, Bình Gia, Chi Lăng) vùng thạch đen (Tràng Định, Văn Lãng)… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao dựa trên áp dụng các phương pháp sản xuất an toàn như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, đây là nền tảng quan trọng cho việc phát triển thương hiệu cộng đồng.
Là cơ quan chủ trì triển khai phát triển thương hiệu cộng đồng, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố xác định nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu cộng đồng đối với sản phẩm nông sản tiêu biểu, chủ lực của huyện, thành phố. Cùng đó, tổ chức tuyển chọn, giao các cơ quan, đơn vị có đủ điều kiện năng lực thực hiện nhiệm vụ cũng như xác định chủ thể quản lý thương hiệu cộng đồng. Trong quá trình triển khai xây dựng nhãn hiệu cộng đồng, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã chú trọng tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của thương hiệu cộng đồng, quyền và nghĩa vụ của các hộ gia đình khi sử dụng thương hiệu cộng đồng… Đơn vị triển khai cũng xây dựng logo, bao bì sản phẩm, quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm cũng như xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Chính vì vậy, sau khi triển khai xây dựng thương hiệu cộng đồng vị thế của sản phẩm trên thị trường đều được nâng lên.
Ông Hà Văn Việt, khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Thông qua việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm na chúng tôi hiểu được mục đích, ý nghĩa của thương hiệu cộng đồng. Vì vậy, bản thân tôi đã chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của gia đình, góp phần bảo vệ danh tiếng của sản phẩm na trên thị trường.
Thông qua việc xây dựng thương hiệu cộng đồng, các sản phẩm nông lâm sản, đặc sản của tỉnh được người tiêu dùng trong cả nước biết đến và tin dùng. Điều đó cho thấy thương hiệu cộng đồng có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa vào kế hoạch và đang triển khai xây dựng thương hiệu cộng đồng đối với các sản phẩm: trám đen, mít, dứa (Hữu Lũng); mật ong (Bình Gia); gà Vạn Linh, lạc đỏ (Chi Lăng); lạc đỏ (Bắc Sơn); chuối tây, mận sớm (Văn Lãng); mác mật, lạp sườn (Bình Gia); bánh phổng, vịt quay (Tràng Định)… nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông lâm sản, đặc sản của tỉnh.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()