Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp
Bắc Giang, Lào Cai có nhiều tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, mang tính bản địa. Lựa chọn các giống cây, con có ưu thế về chất lượng, hiệu quả kinh tế và gắn kết "bốn nhà" để xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, được coi là "chìa khóa" xây dựng vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế nông nghiệp trên đất trung du, miền núi...Những vùng nông sản mới... Chúng tôi đến thăm cơ sở chế biến tương ớt đóng chai liên hoàn, theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX kinh doanh tổng hợp Mường Khương (Lào Cai). Quả "mạc lá" (ớt cay) truyền thống của người dân tộc Pa Dí đủ độ chín sinh học (không bị chín ép bằng hóa chất), đều nhau, được rửa sạch bằng nước lọc RO, diệt khuẩn bằng tia cực tím, rồi đưa vào máy nghiền thành bột, hòa trộn với nước tỏi đỏ và rượu ngô bản địa Cốc Ngù, ủ lên men tự nhiên trong thời gian 30 ngày và cuối cùng rót đóng chai tự động, có mã vạch...
Những vùng nông sản mới…
Chúng tôi đến thăm cơ sở chế biến tương ớt đóng chai liên hoàn, theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX kinh doanh tổng hợp Mường Khương (Lào Cai). Quả “mạc lá” (ớt cay) truyền thống của người dân tộc Pa Dí đủ độ chín sinh học (không bị chín ép bằng hóa chất), đều nhau, được rửa sạch bằng nước lọc RO, diệt khuẩn bằng tia cực tím, rồi đưa vào máy nghiền thành bột, hòa trộn với nước tỏi đỏ và rượu ngô bản địa Cốc Ngù, ủ lên men tự nhiên trong thời gian 30 ngày và cuối cùng rót đóng chai tự động, có mã vạch và nhãn mác độc quyền thương hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp năm 2006. Phó phòng Kinh tế huyện Mường Khương Giang Trung Dũng cho biết, giống ớt cay của người Pa Dí có ưu thế nổi trội, đó là: Cây mọc khỏe, sai quả, thời gian thu hoạch kéo dài liên tục trong năm. Do được trồng trên độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ và đất giàu can-xi bởi nền địa tầng đá vôi phong hóa, nên quả ớt có thịt dày, ít hạt, đặc biệt là vị cay nồng, hương thơm đặc trưng. Đồng bào dân tộc Pa Dí có bí quyết làm tương ớt tự nhiên có hương vị thơm, ngon, an toàn. Trên cơ sở đó, huyện Mường Khương quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu ớt hơn 300 ha ở vùng trung và hạ huyện, với sản lượng khoảng 1.200 tấn; thành lập HTX kinh doanh tổng hợp, nhằm liên kết sản xuất, phát huy tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương để sản xuất, chế biến tương ớt. Quá trình sản xuất tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hằng năm, HTX kinh doanh tổng hợp Mường Khương đưa ra thị trường hàng chục nghìn lít tương ớt/năm. Tương ớt Mường Khương đã có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhờ trồng ớt, hàng trăm hộ gia đình ở huyện vùng cao này có nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Sau tương ớt, huyện Mường Khương quy hoạch vùng chuyên canh lúa Séng Cù, là giống lúa đặc sản địa phương, với ưu điểm: hạt gạo trắng trong, dài, tỷ lệ prô-tê-in và thành phần anynopectin cao hơn so với các loại gạo khác nên cơm gạo Séng Cù dẻo, thơm, ngon (cả khi nóng và nguội). Hiện tại, gạo Séng Cù bán với giá từ 28 đến 30 nghìn đồng/kg, cung không đủ cầu, do chất lượng cao, an toàn, được nhiều siêu thị tại Hà Nội, Hải Phòng và cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh đặt hàng tiêu thụ với số lượng lớn.
Những năm gần đây, Mường Khương lựa chọn cây trồng đặc hữu bản địa, có ưu thế chất lượng cao để hình thành vùng chuyên canh, áp dụng thâm canh truyền thống (sử dụng phân bón hữu cơ) và tiêu chuẩn VietGAP để tạo nên sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu mạnh, nhờ đó nâng cao sức cạnh tranh và giữ được thị trường tiêu thụ ổn định. Sản phẩm gạo đặc sản Séng Cù và tương ớt đã đem lại cho nông dân nơi đây, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm. Từ thành công của Mường Khương, ngành nông nghiệp Lào Cai đề ra Chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai Lê Tân Phong cho biết, đến nay, các huyện vùng cao của Lào Cai đã có năm sản phẩm có thương hiệu độc quyền, đó là: Tương ớt, gạo Séng Cù (Mường Khương), rượu San Lùng (Bát Xát), su su (Sa Pa) và thảo quả (Lào Cai).
Trao đổi với chúng tôi về định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Lào Cai, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Đình Quê cho biết: Tỉnh xác định ba tiêu chí để xây dựng thương hiệu sản phẩm, đó là: Sản phẩm có lợi thế so sánh hơn hẳn về chất lượng và hiệu quả (so với cùng loại trên thị trường), có khả năng phát triển thành hàng hóa (sản xuất tập trung, chuyên canh); được quy hoạch, đầu tư phát triển lâu dài, bền vững. Trong thời gian tới, Lào Cai tập trung quy hoạch lại vùng sản xuất; áp dụng sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; cải tiến bao bì, nhãn mác; tổ chức mạng lưới phân phối đồng bộ để tiến tới xây dựng thương hiệu độc quyền cho các sản phẩm chè San, hoa hồng lai giống Pháp, nấm hương, thảo quả, mận Tam Hoa, lợn đen, trâu ngố…
Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa
Bắc Giang là tỉnh bán sơn địa, có cả đồng bằng, trung du và miền núi, diện tích tự nhiên 382.250 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn một phần ba diện tích đất tự nhiên. Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 17 đã đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới… Cho đến nay, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung giai đoạn 2011 – 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó có thủy sản; vùng sản xuất vải thiều an toàn VietGAP; đề án Cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp; đề án phát triển trang trại nuôi thủy sản thâm canh; dự án trồng rừng sản xuất… Ngoài ra, các đề án, dự án, chính sách khác thuộc tám sản phẩm hàng hóa tập trung khác đã từng bước triển khai thực hiện trên diện rộng cho kết quả khả quan.
Đặc biệt, chủ trương của tỉnh gắn sản xuất nông nghiệp hàng hóa với xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc hoàn thành quy hoạch cho 38/40 xã nông thôn mới, Bắc Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung với tổng diện tích quy hoạch vùng rau, quả toàn tỉnh hơn 60 nghìn ha, ngoài ra còn có các vùng chăn nuôi tập trung như lợn, gà, cá… tạo được nhiều vùng chuyên canh có thương hiệu nổi tiếng trên cả nước như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, cam Bố Hạ. Tỉnh quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo hướng “năm cây, ba con” là: lợn, cá, gia cầm, lúa, lạc, cây ăn quả, rau chế biến, cây lâm nghiệp.
Áp dụng VietGAP cho cây vải thiều trên đất Lục Ngạn cũng là một bước nhảy vọt đối với sản phẩm nông nghiệp được coi là trọng điểm của tỉnh. Năm 2011, toàn tỉnh có 5.000 ha vải áp dụng quy trình này đã bán được giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi vải thường, thậm chí nhiều đơn hàng phải đặt mua với mức giá ổn định cho cả vụ. Năm 2012, diện tích đăng ký trồng vải VietGAP tăng lên hơn 9.000 ha. Tương tự như vậy, các huyện miền núi Yên Thế, Sơn Động chú trọng phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm và con đặc sản; các huyện vùng thấp Tân Yên, Yên Dũng đầu tư nuôi thả thủy sản; Lạng Giang, Lục Nam tổ chức thâm canh các loại giống cây trồng đặc sản, phục vụ xuất khẩu…
Những kết quả đạt được trong việc chuyển dịch sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang là những con số “biết nói”: Diện tích lúa lai đạt 14.840 ha, năng suất đạt 71,6 tạ/ha; trong đó lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 11.749 ha; sản lượng đạt 623.540 tấn; sản lượng quả vải đạt hơn 200 nghìn tấn; diện tích rau an toàn, rau chế biến 1.054 ha; đàn lợn hiện có 1,15 triệu con; đàn gia cầm có 14,5 triệu con; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 12 nghìn ha…
Liên kết “bốn nhà” để xây dựng thương hiệu
Đến Sa Pa, du khách không quên thưởng thức món cá hồi vân, cá tầm, từ xứ lạnh Bắc Âu đã được nuôi thành công tại Sa Pa, ở độ cao hơn 1.600 m (so với mực nước biển) từ năm 2006. Hiện nay, cá hồi, cá tầm đã được nuôi ở nhiều địa phương như Lai Châu, Cao Bằng, Lâm Đồng, Đác Nông… Tuy nhiên, cá hồi, cá tầm Sa Pa vẫn hút khách, bởi chất lượng cao hơn hẳn. Lý giải điều này, Phó phòng Kinh tế huyện Sa Pa Trần Mạnh Hùng cho biết, đó là do nguồn nước mát lạnh và đặc biệt là chất lượng thức ăn nuôi cá bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cao. Tại Sa Pa hiện có 28 cơ sở nuôi cá hồi, với sản lượng khoảng 150 tấn/năm; huyện đã có đề án “Phát triển cá nước lạnh chất lượng cao”, hỗ trợ thành lập HTX Can Hồ A và HTX Hợp Lực tại xã Bản Khoang để tổ chức sản xuất và xây dựng thương hiệu cá hồi, các tầm Sa Pa, bảo đảm các quy định VSATTP. Cũng tại Sa Pa, HTX Hoa Đào đã xây dựng thành công thương hiệu su su Ô Quý Hồ ăn quả và ăn ngọn. Chủ nhiệm HTX Hoa Đào Đỗ Thị Liên cho biết: Để xây dựng thương hiệu su su, huyện Sa Pa quy hoạch hơn 100 ha trồng su su theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng bằng giống nguyên chủng, bón phân hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học và không dùng thuốc trừ sâu. Huyện Sa Pa đã thành lập Hội sản xuất, kinh doanh su su Sa Pa nhằm phát triển bền vững sản phẩm đặc sản. Nhờ có sự chung tay của “bốn nhà”, su su Sa Pa đã khẳng định được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài tỉnh. Hằng năm, nông dân ở vùng cao Sa Pa, như Ô Quý Hồ, Bản Khoang, thị trấn… cung ứng ra thị trường khoảng 1.300 tấn quả, thu về hàng chục tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải khẳng định: “Đối với Bắc Giang, sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo và là thế mạnh của tỉnh. Hướng nông nghiệp đến sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới là bước đi đúng đắn và có ý nghĩa to lớn đến việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”. Để thực hiện điều đó, ngành nông nghiệp đã thực hiện chủ trương liên kết “bốn nhà” để tạo ra những vùng sản xuất khép kín, chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế lớn và hạn chế thấp nhất những rủi ro cho người nông dân. Vấn đề người nông dân quan tâm nhất, cũng là trăn trở của các ngành chức năng của tỉnh là việc bao tiêu sản phẩm cũng đã bước đầu được giải quyết. Hiện nay Bắc Giang đã đầu tư xây dựng được 11 nhà máy chế biến rau, quả ở các vùng sản xuất trọng điểm như Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa… Sản phẩm nông nghiệp đã đăng ký sản phẩm hàng hóa của nông dân hầu hết được các nhà máy chế biến ký hợp đồng bao tiêu từ trước khi sản xuất.
Vấn đề đặt ra đối với ngành nông nghiệp của Bắc Giang là quỹ đất sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm và số lượng lao động dư thừa tại khu vực nông thôn ngày càng nhiều. Trong khi đó nông nghiệp hàng hóa tuy không cần nhiều lao động nhưng diện tích đất tập trung lại có tính quyết định. Chính vì vậy, mặc dù đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung và bước đầu đã mang lại hiệu quả với tốc độ tăng trưởng đạt hơn 4,3% nhưng trên địa bàn Bắc Giang vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh chưa nhiều. Khá nhiều diện tích đất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ và vẫn áp dụng phương pháp sản xuất truyền thống. Yêu cầu đặt ra đối với các ngành chức năng là phá giải tình trạng manh mún, xây dựng các vùng chuyên canh hướng đến sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác nhằm tạo quỹ đất; tăng cường áp dụng khoa học-kỹ thuật, giống cây trồng năng suất cao; ưu tiên các giống cây, con đặc sản, có giá trị kinh tế lớn; tăng cường sự liên kết giữa “bốn nhà”; mở rộng thị trường bao tiêu sản phẩm. Xa hơn nữa, là hướng đến một nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao…
Theo Nhandan
Ý kiến ()