Xây dựng thương hiệu cho rau an toàn
Rau an toàn của Văn Đức được gắn nhãn trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Rau an toàn có nguồn gốc từ đâu, được trồng như thế nào và làm cách nào để nhận biết được là rau an toàn luôn là mối lo ngại của người tiêu dùng Thủ đô. Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội vừa thí điểm gắn nhãn cho rau an toàn (RAT) tại xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội). Sản phẩm RAT sau khi thu hoạch sẽ được gắn nhãn nhận diện có biểu tượng RAT Hà Nội trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Giờ đây người dân có cách để nhận biết khi mua RAT.Đầu năm 2011, UBND TP Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã giao cho Chi cục BVTV phối hợp địa phương chỉ đạo toàn bộ vùng rau Văn Đức đạt tiêu chí RAT, trong đó có 25 ha đạt tiêu chuẩn VietGap. Chi cục BVTV Hà Nội chỉ đạo hợp tác xã và nông dân xã Văn Đức thực hiện đúng quy định sản xuất RAT; đồng thời thường xuyên tập huấn các lớp về...
|
Đầu năm 2011, UBND TP Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã giao cho Chi cục BVTV phối hợp địa phương chỉ đạo toàn bộ vùng rau Văn Đức đạt tiêu chí RAT, trong đó có 25 ha đạt tiêu chuẩn VietGap. Chi cục BVTV Hà Nội chỉ đạo hợp tác xã và nông dân xã Văn Đức thực hiện đúng quy định sản xuất RAT; đồng thời thường xuyên tập huấn các lớp về RAT cho các hộ nông dân…
Sau khi áp dụng tiêu chuẩn VietGap, người dân xã Văn Đức được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, phân bón vi sinh, quy trình chăm sóc, thu hoạch. Sau hơn một năm được quy hoạch vùng RAT tại Văn Đức, đến nay bà con nông dân trồng rau tại đây đều nhận thức được việc trồng RAT là một chiến lược bền vững để phát triển kinh tế trong từng hộ gia đình. Và từ đó bà con đều có ý thức cao trong việc áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trong mọi khâu sản xuất.
RAT của Văn Đức đang ngày càng có uy tín trên thị trường Hà Nội. Tại đây, công ty TNHH Hương Cảnh đã đầu tư xây dựng nhà sơ chế và đang ký hợp đồng bao tiêu rau thường xuyên của các hộ nông dân trong khu vực rau VietGap để cung cấp cho các siêu thị lớn ở Hà Nội như: Fivimart; Intimex; Hapro và các nhà hàng, khách sạn. Phó Giám đốc Công ty TNHH Hương Cảnh Phạm Văn Dương cho biết, hiện giá RAT do Văn Đức cung cấp trên thị trường Hà Nội đang được UBND TP Hà Nội hỗ trợ về giá nên RAT của Văn Đức cũng chỉ bán tương đương giá các loại rau ngoài thị trường như: bắp cải: 12.000 đồng/kg; cải ngọt; 13.000 đồng/kg; cà chua 16.000 đồng/kg; dưa chuột 15.000 đồng/kg… Nếu không được UBND TP Hà Nội hỗ trợ về giá thì rau an toàn sẽ có giá cao hơn rau bình thường khoảng hai đến ba lần. Hiện doanh nghiệp Hương Cảnh, đang đề nghị Chi cục BVTV Hà Nội định hướng cho người dân Văn Đức trồng thêm các loại rau trái mùa để cung cấp ổn định rau trên thị trường Thủ đô.
Gặp ông Đoàn Văn Thành một nông dân xã Văn Đức đã có kinh nghiệm gần 30 năm trồng rau màu cho biết: Từ ngày áp dụng quy trình trồng RAT đến nay đã giúp chúng tôi hiểu biết thêm các quy trình trồng rau theo tiêu chuẩn RAT, khiến chúng tôi thật sự yên tâm. Tôi rất mừng là Văn Đức đã được chọn là xã thí điểm để gắn nhãn RAT. Vậy là từ nay RAT của Văn Đức sẽ có thương hiệu trên thị trường để người tiêu dùng biết đến. Tôi mong rằng kể từ nay đầu ra cho RAT của người dân Văn Đức chúng tôi sẽ bán được giá cao hơn.
Về việc gắn nhãn RAT cho các sản phẩm rau của xã Văn Đức, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Đào Duy Tâm đánh giá: Hà Nội làm RAT từ những năm 1996-1997, nhưng giờ mới áp dụng thí điểm gắn nhãn hiệu được cho RAT xã Văn Đức. Nhưng hiện nay RAT vẫn chưa được bán theo giá RAT và vẫn đang được bán tương đương giá rau bình thường cho nên khó khuyến khích được các nhà sản xuất và người tiêu dùng.
RAT của Văn Đức đã được áp dụng nghiêm ngặt các quy trình theo tiêu chuẩn VietGap cho nên từ đây RAT của Văn Đức sẽ được nhiều người biết đến và giá bán sẽ cao hơn. Người trồng rau Văn Đức cần giữ gìn thương hiệu của mình để chiếm lĩnh được lòng tin yêu của người tiêu dùng. Mô hình này sẽ được nhân rộng ra các xã khác của thành phố.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Trưởng phòng quản lý chất lượng nông – lâm sản (Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) Nguyễn Văn Thuận cho biết: Gắn nhãn RAT là việc làm rất quan trọng để người tiêu dùng phân biệt được giữa RAT và rau không an toàn. Nhưng để giữ được thương hiệu này đòi hỏi người dân xã Văn Đức và các cơ quan liên quan cần nghiêm túc tuân thủ đúng quy trình không để những nơi khác lạm dụng. Các nhà sản xuất kinh doanh, nhà quản lý cần liên kết kiểm soát thật chặt chẽ để bảo vệ và phát triển vùng rau Văn Đức phát triển bền vững.
Được biết, năm 2012 theo dự kiến Văn Đức sẽ mở rộng thêm 10 ha sản xuất RAT để phát triển vùng rau nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô Hà Nội. Hiện mỗi ngày có tới vài chục xe ô-tô tải của các thương lái nối đuôi nhau về mua RAT tại Văn Đức để chở đi các nơi trong thành phố cung cấp cho người dân Thủ đô.
Theo Nhandan
Ý kiến ()