Xây dựng thương hiệu cho mận Bắc Hà
Huyện Bắc Hà (Lào Cai) từ lâu được biết đến là vùng cây ăn quả với chủ lực là cây mận nổi tiếng vùng Tây Bắc và là nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân. Thời gian qua, huyện đã bắt tay xây dựng thương hiệu sản phẩm mận địa phương với mong muốn nâng cao sức cạnh tranh, tạo chỗ đứng trên thị trường.
Nằm trên cao nguyên đá vôi, khí hậu quanh năm mát mẻ, Bắc Hà nổi tiếng với những vườn mận được trồng bạt ngàn trên sườn đồi, phủ kín những thung lũng nhỏ kẹp giữa những ngọn núi ngút ngàn. Hiện nay, huyện là vùng chuyên canh cây mận Tam hoa lớn nhất tỉnh và vùng miền núi phía bắc, với ưu điểm quả to, mầu sắc đẹp, được thị trường ưa chuộng và giá khá cao. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, quả mận nói chung và mận Bắc Hà nói riêng ngoài giá trị dinh dưỡng cao, cứ 100g mận sẽ cung cấp cho con người 23 kcal bởi trong mận rất giàu vi-ta-min C và các dưỡng chất có lợi cho sức khỏe như B1, B2, C, can-xi, sắt… mận còn là vị thuốc tốt. Không ít gia đình ở các xã: Bản Phố, Lầu Thí Ngài, Na Hối, Tả Chải, Nậm Mòn… vươn lên thoát nghèo nhờ cây mận.
Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, song mận Tam hoa cũng như một số giống mận địa phương khác tuy phát triển, nhưng chất lượng dần kém đi do phần lớn cây đã hơn 30 năm tuổi, đồng thời người dân chỉ biết khai thác, ít quan tâm chăm sóc, cải tạo. Cơ sở vật chất, dịch vụ kỹ thuật và hỗ trợ sản xuất, công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Việc áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn do nhận thức của đồng bào chưa cao. Khả năng đầu tư phát triển sản xuất hạn chế. Thêm vào đó, thời tiết những năm gần đây không thuận lợi, có nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài vào mùa đông khiến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây và năng suất, chất lượng quả kém hẳn. Giá cả không ổn định cũng gây khó khăn trong việc nỗ lực tìm kiếm thị trường. Trước đó, các dự án nước xi-rô mận, nước ép mận Tam hoa đóng chai, làm ô mai mận, mận khô… chưa mang lại hiệu quả bền vững. Có những năm được mùa, nhưng giá mận lúc thu hoạch rớt xuống chỉ còn 200 đến 300 đồng/kg đối với mận xô; 400 đến 500 đồng/kg với mận chọn, dẫn đến thu nhập từ quả mận quá thấp, tạo tâm lý không tốt cho người dân trong việc đầu tư.
Trước thực trạng trên, huyện Bắc Hà vẫn xác định: Mận Tam hoa là cây trồng chủ yếu, không chỉ giúp nhân dân cải thiện đời sống mà còn trở thành một sản phẩm du lịch chất lượng cao. Từ những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, khí hậu, con người, huyện đã triển khai dự án quy hoạch vùng cây ăn quả tại các địa phương, trong đó chia ra ba vùng cây trồng trọng điểm: Vùng trung tâm huyện với khí hậu mát mẻ, thuận lợi, ưu tiên trồng mận Tam hoa, bên cạnh đó là trồng đào Pháp, lê VH6. Vùng cao khí hậu lạnh hơn có thể trồng các loại mận địa phương như mận tím, mận hậu, mận Tả Van…; vùng thấp dành cho cây ăn quả nhiệt đới.
Mặt khác, theo định hướng phát triển kinh tế của huyện trong những năm tiếp theo, cây mận sẽ được đầu tư nhằm nâng cao chất lượng thông qua các biện pháp: Xác định cây đầu dòng để cải tạo bằng cách trồng mới hoặc đốn tỉa, thâm canh, trong đó chú trọng phát triển cây mận Tam hoa trở thành thương hiệu và là một trong những sản phẩm du lịch mang đặc trưng Bắc Hà.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Thị Hằng cho biết: UBND huyện đã phối hợp Viện Thổ nhưỡng-Nông hóa, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Lào Cai triển khai Dự án Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mận của địa phương với các sản phẩm: mận Tam hoa, mận Tả Van, mận Hậu, mận Tả Hoàng Ly, hiện đang được nhân rộng tại 13 xã trên địa bàn. Dự án khi hoàn thành sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho Bắc Hà nói chung và người dân trồng mận nói riêng .
Để Dự án đạt hiệu quả cao, huyện đã có chính sách, chương trình hỗ trợ người trồng mận duy trì và phát triển ổn định; phối hợp Viện Thổ nhưỡng – Nông hóa điều tra, khảo sát, lập hồ sơ, bản đồ, thiết kế lô-gô cho sản phẩm mận và xây dựng hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xét duyệt cấp chứng nhận. Đến tháng 6- 2014, các sản phẩm mận trong giai đoạn thử nghiệm có gắn tem nhãn của Nhãn hiệu chứng nhận đã được giới thiệu đến khách du lịch trong và ngoài nước, tạo niềm tin về chất lượng đối với người tiêu dùng, quảng bá cây mận đến mọi miền Tổ quốc…
Với giá trị kinh tế từ cây mận và là sản phẩm du lịch đặc trưng của Bắc Hà, thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mận làviệc làm cần thiết. Thành công của dự án sẽ là tiền đề nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm trên thị trường, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững của huyện nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung trong thời gian tới.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()