Xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ em vùng khó khăn
Một số trẻ em dân tộc thiểu số ở Yên Bái và Quảng Nam cùng các phụ huynh, giáo viên, một số nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan đã có mặt tại sự kiện. “Ngày hội đọc sách” là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập của trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam” do cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ và Tổ chức Cứu trợ trẻ em phối hợp với các đối tác địa phương thực hiện.
Theo báo cáo về kết quả của nghiên cứu gần đây đối với thói quen đọc sách của trẻ em dân tộc thiểu số tại hai tỉnh Yên Bái và Quảng Nam do Tổ chức Cứu trợ trẻ em công bố, 95,5% số trẻ em được phỏng vấn đều yêu thích đọc sách, 88,4% sách các em đọc là sách giáo khoa, 61,6% là truyện tranh. 84,7% số sách này các em đều đọc tại trường.
Phát biểu tại sự kiện, ông Vương Đình Giáp, Giám đốc Thực hiện Chương trình của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, cho biết: “Nâng cao kỹ năng đọc viết là một phương pháp tiếp cận sáng tạo, dựa trên bằng chứng thực tế của Tổ chức Cứu trợTrẻ em trước cảnh báo toàn cầu về sự gia tăng số lượng trẻ em đã hoàn tất bậc tiểu học nhưng chưa thành thạo kỹ năng đọc. Hiện trên thế giới có khoảng 250 triệu trẻ em không biết đọc, và có tới 130 triệu em trong số đó đã dành ít nhất bốn năm học ở bậc tiểu học. Sử dụng những bằng chứng thu thập được thông qua các nghiên cứu về kỹ năng đọc, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã phát triển phương pháp Tăng cường đọc viết cho trẻ em. Phương pháp có bốn hợp phần chính, gồm đánh giá ban đầu, tập huấn cho giáo viên, phát triển tài liệu và hoạt động tại cộng đồng.”
Nhiều kinh nghiệm quý báu từ việc khuyến khích, xây dựng thói quen đọc sách đối với trẻ dân tộc thiểu số đã được các đại biểu chia sẻ.
Anh Avô Mưng, cha của một bé trai học lớp 2 và một bé gái học mẫu giáo, cư trú tại thôn A-giốc, xã Bhalee, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, anh đã từng tham gia CLB Cha mẹ tại thôn, và dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo, anh đã được thực hành các hoạt động giúp con học hằng ngày và mượn sách truyện để về đọc cùng con.
“Tôi thường xuyên đọc truyện cùng con mỗi tối, hỏi xem con cảm thấy thế nào, con thích điều gì nhất, và không thích điều gì trong nội dung câu chuyện. Tôi cũng khuyến khích con mượn truyện đem về để bố đọc cho con nghe. Những hôm tôi bận quá thì cho vợ đọc con nghe hoặc bảo con tự đọc. Ngoài ra, trong các hoạt động thường ngày tôi luôn cho con cùng tham gia. Như khi nấu ăn thì tôi cho con đong, đếm, so sánh, mô tả, gọi tên các loại nguyên liệu dùng để nấu ăn và nhận biết các đồ dùng trong nhà bếp. Lúc đi dạo cùng con thì tôi nói chuyện với con về cây cối, con vật, màu sắc,…mà tôi và con nhìn thấy” – anh chia sẻ.
Ngoài ra, anh Avô Mưng còn được tập huấn và điều hành CLB Trại đọc, từ tích lũy được một số kinh nghiệm và kỹ năng dạy trẻ tại nhà, cũng như những kỹ năng giúp các cháu học sinh vui chơi mà vẫn tăng cường khả năng đọc viết…
Anh Avô Mưng cũng kể về sự phát triển vượt bậc của hai học sinh lớp 1 là hai chi em sinh đôi Pơloong Thị Mi và Pơloong Thị Mơ: Tại buổi sinh hoạt đầu tiên của CLB Trại đọc, hai bé rất chậm chạp, nói gì cũng không hiểu, nhưng nhờ các hoạt động thiết thực, hiệu quả của CLB, cũng như sự hướng dẫn linh hoạt của người điều hành, các bé đã thay đổi tích cực về các kỹ năng viết, vẽ, đọc nghe và hiểu. Qua kiểm tra sổ nhật, hai bé đều vẽ đẹp, viết cũng đẹp và đúng nội dung yêu cầu, tham gia các hoạt động nhiệt tình, sôi nổi nhất trong các buổi sinh hoạt.
Tương tự, đại diện của nhóm giáo viên vùng cao huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của mình trong quá trình hình thành thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ vùng cao. Đó là tạo những bất ngờ để các em khám phá, đặt ra các câu hỏi để các em tìm câu trả lời thông qua đọc sách trong thư viện, chơi trò “Tìm kho báu” thông qua các câu trả lời trong sách, khuyến khích các em tóm tắt lại nội dung cuốn sách vừa đọc và tặng những món quà nhỏ để động viên, thường xuyên trao đổi với phụ huynh để có những định hướng đọc sách cho con trẻ.
Những kinh nghiệm này thực sự vô cùng quý báu đối với những vùng khó khăn, ít điều kiện tiếp cận với sách như ở thành phố, miền xuôi. Kỹ năng đọc sách của trẻ ở những nơi này được nâng cao, nghĩa là trẻ sẽ có cơ hội tiếp cận với giáo dục tiên tiến, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, đó cũng là mong muốn của nhiều đơn vị, tổ chức, trong đó có Cứu trợ trẻ em.
Ý kiến ()