Xây dựng thiết bị dạy học số: Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 10
- Năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên thực hiện dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên, trang bị thiết bị dạy học theo chương trình tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nhất là đối với môn giáo dục kinh tế và pháp luật. Khắc phục khó khăn này, từ tháng 2/2022 đến tháng 3/2023, thầy Hoàng Văn Luận, giáo viên Trường THPT Lộc Bình, huyện Lộc Bình đã nghiên cứu và đề xuất sáng kiến “Xây dựng thiết bị dạy học số đáp ứng nhu cầu dạy học môn giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 10 ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh”.
Thầy Hoàng Văn Luận chia sẻ: Trước đây, thiết bị dạy học môn giáo dục kinh tế và pháp luật đều ở dạng tranh, ảnh, mô hình hiện vật, khi cần sử dụng giáo viên phải mang theo rất cồng kềnh, cần phòng riêng để bảo quản. Qua khảo sát cho thấy hầu hết các trường THPT đều có phòng học trang bị máy chiếu hoặc ti vi màn hình cỡ lớn để trình chiếu, đây chính là điều kiện thuận lợi để tôi nghiên cứu đưa thiết bị dạy học số vào giảng dạy.
Quy trình thiết kế thiết bị dạy học số gồm các bước: xác định mục tiêu, nội dung bài giảng; xây dựng kho tư liệu phục vụ xây dựng thiết bị dạy học số; lựa chọn công cụ và số hóa tư liệu dạy học; chạy thử chương trình, sửa chữa và hoàn thiện.
Kho tư liệu phục vụ xây dựng thiết bị dạy học số được xây dựng với nội dung chủ yếu là các tư liệu liên quan đến kinh tế, pháp luật dưới dạng video, hình ảnh, âm thanh, biểu đồ, đồ họa…Tư liệu được sắp xếp như một thư viện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng khi khai thác, tìm kiếm. Phần mềm được lựa chọn để thiết kế thiết bị dạy học số là iSpring Suite có tích hợp cả tính năng trình chiếu, dễ sử dụng và thân thiện với người dùng.
Trong quá trình nguyên cứu tác giả đã xây dựng được 8 thiết bị dạy học số gồm: các chủ thể của nền kinh tế; thị trường; thuế; sản xuất kinh doanh và mô hình sản xuất kinh doanh; tín dụng và vai trò của tín dụng trong cuộc sống; dịch vụ tín dụng; lập kế hoạch tài chính cá nhân; nội dung cơ bản của hiến pháp về chế độ chính trị; nội dung cơ bản của hiến pháp về bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau khi hoàn thành xây dựng các thiết bị dạy học số, tác giả đã đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường phối hợp thực nghiệm tại khối 10 của 11 trường THPT trên địa bàn tỉnh gồm: THPT Lộc Bình, Đình Lập, Bình Gia, Tràng Định, Lương Văn Chi, Việt Bắc, Tân Thành, Tú Đoạn, Pắc Khuông, Ba Sơn, Bình Độ với 1.400 học sinh tham gia. Qua thực nghiệm, các thiết bị dạy học có nội dung trực quan, dễ nhớ, dễ hiểu tạo được hứng thú cho học sinh với môn học này. Cùng đó, các thiết bị cũng được 15/15 giáo viên bộ môn đánh giá là thiết thực, dễ sử dụng, có thể áp dụng vào môn học này ở lớp 11, 12 và một số môn học khác. Cách thức xây dựng thiết bị dạy học số ở môn giáo dục kinh tế và pháp luật cũng có thể áp dụng cho nhiều môn học khác.
Theo cô Vi Thị Khuyên, giáo viên môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Trường THPT Đình Lập, huyện Đình Lập, việc đưa các thiết bị dạy học số của thầy Luận vào ứng dụng giảng dạy trong thực tế không chỉ giúp học sinh hứng thú hơn với môn học mà còn hiểu nhanh, khắc sâu kiến thức. Với các mã Qr code, đường dẫn (link) cho từng bài, học sinh có thể xem đi xem lại bài học trên điện thoại thông minh, máy vi tính, từ đó, góp phần nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu.
Cô Vi Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Bình cho biết: Các thiết bị dạy học số do thầy Luận xây dựng được nhà trường đánh giá cao, sau khi thực nghiệm, năm học 2023 – 2024 nhà trường tiếp tục đưa các thiết bị này vào giảng dạy. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Thiết bị dạy học số có ý nghĩa quan trọng trong công tác dạy và học trong thời đại công nghệ số như hiện nay, các thiết bị có thể sử dụng linh hoạt cho nhiều bộ sách khác nhau; góp phần làm giảm chi phí mua sắm trang thiết bị dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học… Với những ý nghĩa đó, năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã công nhận sáng kiến “Xây dựng thiết bị dạy học số đáp ứng nhu cầu dạy học môn giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 10 ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” là sáng kiến cấp tỉnh. Tin rằng, thời gian tới sáng kiến sẽ tiếp tục được phát triển, nhân rộng trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Ý kiến ()