Xây dựng thành phố truyền thông thông minh đầu tiên của Việt Nam tại Huế
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh đang triển khai xây dựng Huế thành phố truyền thông thông minh đầu tiên của Việt Nam.
Theo đó, dự án được xây dựng trên diện tích 39,6ha nằm trong Khu đô thị mới An Vân Dương (thành phố Huế) với tổng kinh phí hơn 22 triệu USD. Dự án được xem là một bước triển khai của Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”.
Mục tiêu của dự án trên nhằm hình thành một thành phố truyền thông thông minh Huế đầu tiên tại Việt Nam; trong đó, chú trọng vào phát triển ngành công nghệ thông tin, công nghệ thực tế ảo và ngành công nghiệp điện ảnh. Đồng thời, kết nối với các nguồn tài nguyên lịch sử vốn được bảo tồn ở Huế, nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp du lịch tại địa phương.
Dự án này sẽ mở rộng các ngành công nghiệp vốn có thông qua việc thu hút các ngành công nghiệp mới gắn kết với du lịch; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chiến lược; đẩy mạnh nền kinh tế địa phương, tạo ra cơ hội việc làm cho nguồn lao động địa phương; phát triển đô thị bền vững thông qua ứng dụng công nghệ kỹ thuật số thông minh.
Trước đó, Thừa Thiên – Huế đã thành lập Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh để thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”.
Thực hiện thí điểm từ tháng 8/2018, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai giải pháp phản ánh hiện trường nhằm tiếp nhận các phản ánh của người dân về các lĩnh vực như trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, an toàn, trật tự xã hội và chất lượng dịch vụ du lịch…
Từ khi đưa vào hoạt động thí điểm, Trung tâm đã phát huy được 3 chức năng chính là giám sát, điều hành và tổng hợp để đáp ứng nhu cầu điều hành đô thị thông minh của tỉnh trong tương lai, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân được tốt hơn; đồng thời, nhanh chóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân.
Mới đây, Trung tâm cũng đã triển khai hệ thống tiếp nhận ý kiến phản ánh người dân trực tuyến thông qua smartphone hoặc facebook. Việc tiếp nhận thông tin ý kiến phản ánh, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công giúp chính quyền địa phương đưa ra quyết định trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công; tiếp nhận, hỗ trợ, giải đáp, tư vấn cho du khách về các vấn đề gặp phải khi du lịch trên địa bàn tỉnh…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ, việc phát triển dịch vụ đô thị thông minh ở địa phương dựa trên nền tảng chính quyền điện tử. Là một trong những địa phương tiên phong trong cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, thời gian qua, Thừa Thiên – Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng một chính quyền phục vụ, một đô thị thông minh, trở thành đơn vị dẫn đầu toàn quốc về phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh.
Đến nay, Cổng dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cung cấp 1.349 thủ tục hành chính cấp độ 2; 530 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3; 404 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Một số cơ quan triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông… Ngoài ra, hình thức thanh toán trực tuyến cũng được đưa vào triển khai, bước đầu đem lại hiệu quả tại Cổng thanh toán trực tuyến tỉnh. Đây là Cổng thanh toán trực tuyến đầu tiên trong cả nước kết nối với hệ thống thông tin của ngân hàng…
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, sau khi đưa Trung tâm vào hoạt động, từ năm 2019, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ mở rộng tiếp nhận phản ánh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội; việc triển khai thành công giải pháp phản ánh hiện trường là cơ sở để triển khai có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh khác trong thời gian tới. Qua đó, bảo đảm hoàn thành mục tiêu Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu xây dựng một chính quyền phục vụ xã hội tốt nhất./.
Ý kiến ()