Xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long
Thành phố Cần Thơ được Bộ Chính trị đánh giá 5 năm qua đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên tất cả lĩnh vực, từng bước thể hiện vai trò trung tâm trên một số lĩnh vực.Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân: 'Vấn đề lớn nhất đặt ra với Cần Thơ là bảo đảm trách nhiệm thành phố động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vai trò động lực vùng thể hiện những điểm nhấn trung tâm mang tính lan tỏa, chi phối tới các tỉnh, thành phố khác trong khu vực, là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hoá'.Hàng loạt những con số minh chứng cho sự tăng trưởng toàn diện của thành phố Cần Thơ: Kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng...
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân: 'Vấn đề lớn nhất đặt ra với Cần Thơ là bảo đảm trách nhiệm thành phố động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vai trò động lực vùng thể hiện những điểm nhấn trung tâm mang tính lan tỏa, chi phối tới các tỉnh, thành phố khác trong khu vực, là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại – dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ, trung tâm y tế và văn hoá'.
Hàng loạt những con số minh chứng cho sự tăng trưởng toàn diện của thành phố Cần Thơ: Kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm (2006-2010) đạt 15,13%, cao hơn 1,63% so với giai đoạn 2001 – 2005. Ước tính giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2010 tăng gấp hai lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn chuyển dịch theo hướng công nghiệp – thương mại, dịch vụ – nông nghiệp công nghệ cao. Thu nhập bình quân đầu người của Cần Thơ tăng bình quân 14,14%, đến năm 2010 đạt 36,82 triệu đồng, tương đương 1.950 USD. Những yếu tố mang vai trò đầu mối của thành phố Cần Thơ tại vùng ĐBSCL ngày càng rõ nét. Cụ thể: Công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá cao, giá trị tăng thêm trong cơ cấu GDP giai đoạn 2006 – 2010 bình quân 18,06%/năm, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh ngành chế biến nông, hải sản xuất khẩu được nâng lên, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 19,82%. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển mạnh về quy mô, ngành nghề, thị trường và hiệu quả hoạt động. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân hằng năm 17,82%, gấp hai lần so với năm 2005, giá trị tăng thêm 17,26% (kế hoạch 14,5 – 15%). Kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng, nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đưa vào hoạt động theo quy hoạch, phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ hằng năm của Cần Thơ tăng 26,54%, tổng mức bán lẻ tăng 25,34%, so với giai đoạn 2001 – 2005 tăng gấp ba lần. Dịch vụ vận tải, bưu chính – viễn thông phát triển theo hướng hiện đại; các loại hình vận tải chất lượng cao ra đời và phát huy hiệu quả; mạng lưới viễn thông, điểm giao dịch bưu điện được mở rộng. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo, du lịch… không ngừng phát triển. Nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ mới như kinh doanh bất động sản, kho vận, thông tin, truyền thông… phát triển khá tốt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Hoạt động du lịch mở ra một số loại hình, sản phẩm mới, thu hút khách du lịch tăng bình quân 13%/năm. Nhiều dự án được đầu tư và đưa vào khai thác như nhà lồng chợ cổ Cần Thơ, phố đi bộ và chợ đêm bến Ninh Kiều, du thuyền trên sông, công viên sông Hậu, khu du lịch Cồn Khương, khu du lịch Phù Sa… cùng với hệ thống nhà hàng, khách sạn được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, góp phần phát triển du lịch của thành phố. Trong nhiệm kỳ qua, Cần Thơ phối hợp đăng cai tổ chức nhiều lễ hội như Năm Du lịch quốc gia với chủ đề sông nước miệt vườn Nam Bộ, Lễ hội văn hóa – thể thao – du lịch dân tộc Khmer Nam Bộ, Tuần văn hóa – du lịch Mê Công – Nhật Bản, công nhận Cần Thơ là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, Festival thủy sản Việt Nam lần thứ nhất, Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL, cùng hàng loạt các Hội chợ thương mại quốc tế…
Trong bốn tỉnh vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau thì Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng, là một cực phát triển quan trọng, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng. Với định hướng 'gắn kết – đồng hộ – hỗ tương' giữa các tỉnh trong nội vùng, sự phát triển của Cần Thơ trong sự phát triển của ĐBSCL và với TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và cả nước để cùng phát triển. Sau sự kiện thông xe cầu Cần Thơ vào ngày 24-4-2010, thành phố trẻ này đúng nghĩa là đầu mối, điểm hội tụ của nhiều hệ thống đường giao thông thủy, bộ, hàng không nối liền các tỉnh trong vùng và liên vận quốc tế, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với thành phố Hồ Chí Minh, với Cam-pu-chia, nút mở của tứ giác kinh tế Cần Thơ – Cà Mau – Kiên Giang – An Giang. Vị thế ấy tạo cho Cần Thơ tầm vóc của đô thị trung tâm với nhiều chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế – văn hóa – xã hội của cả vùng. Nhiều công trình, dự án của thành phố và Trung ương đầu tư trên địa bàn đã đưa vào sử dụng như: sân bay Cần Thơ giai đoạn 1, Trung tâm điện lực Ô Môn, cảng Cái Cui giai đoạn 2 và khu dịch vụ hậu cần Logistic. Kéo theo đó, hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại của Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố đón tiếp nhiều đoàn khách của các nước và các tổ chức quốc tế đến tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Hoạt động xuất nhập khẩu đạt những bước tiến quan trọng, kể cả về quy mô, chủng loại hàng hóa và đa dạng thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ của Cần Thơ đạt 3.692 triệu USD, vượt 2,28% chỉ tiêu, tăng bình quân 19,6%/năm; kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 17,23%/năm.
Bản thân Cần Thơ đã là một lợi thế so sánh về giáo dục – đào tạo và y tế. Hiện nay, Trường đại học Cần Thơ và Đại học Y dược Cần Thơ là hai cơ sở đào tạo đội ngũ trí thức quy mô bậc nhất của vùng. Hiện nay, số ngành nghề đào tạo của trường Đại học Cần Thơ là 120 ngành, chuyên ngành (trong đó bảy chuyên ngành nghiên cứu sinh, 32 chuyên ngành cao học, 81 ngành bậc đại học và cao đẳng), loại hình đào tạo liên thông, văn bằng hai ngày càng mở rộng với tổng số 41.226 sinh viên và học viên, trong đó có 2.000 sinh viên sau đại học. Từ năm 2006 đến 2009, có 129 đề tài, dự án nghiên cứu, quy trình công nghệ và mô hình thực nghiệm của Đại học Cần Thơ đã được chuyển giao cho các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đại học Cần Thơ khởi xướng chương trình Mekong 1000, đào tạo một nghìn cán bộ có trình độ sau đại học ở nước ngoài về phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa vùng ĐBSCL. Mới đây Cần Thơ có thêm Đại học dân lập Tây Đô, Đại học Công nghệ và Kỹ thuật Cần Thơ, thích hợp cho việc hợp tác phát triển công nghệ thông tin trong vùng, hợp tác phát triển mạng lưới đào tạo trong vùng và hợp tác xây dựng trung tâm đào tạo quốc tế chất lượng cao vùng ĐBSCL. Việc quy hoạch xây dựng Trường đại học quốc tế tại thành phố Cần Thơ đang được triển khai. Về y tế, trong nhiệm kỳ qua, Cần Thơ có thêm Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Tây Đô, Bệnh viện Hoàn Mỹ, cùng các Trung tâm huyết học, Bệnh viện Ung bướu… góp phần chăm sóc sức khỏe, tiết kiệm chi phí ăn ở, đi lại cho người dân vùng ĐBSCL. Thành phố trẻ này đang triển khai chương trình xây dựng và phát triển giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, nhằm xây dựng thành phố Cần Thơ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đón đầu cung ứng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đến đầu tư tại Cần Thơ và ĐBSCL. Chính nhờ vai trò đầu tàu về giáo dục – đào tạo, với đội ngũ nhà khoa học ở Viện lúa ĐBSCL và Đại học Cần Thơ, lĩnh vực khoa học, công nghệ tiếp tục có chuyển biến mới, nhiều hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học trên lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến và bảo quản nông sản, y tế kỹ thuật cao… mang lại hiệu quả thiết thực cho cả vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, thành phố Cần Thơ đang trở thành trung tâm tài chính của Vùng đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 49 tổ chức tín dụng và 213 điểm giao dịch và Trung tâm thông tin báo chí với 51 Văn phòng đại diện đang có mặt tại thành phố Cần Thơ.
Khẳng định vai trò thành phố động lực của vùng ĐBSCL, một số vấn đề đang được Đảng bộ và chính quyền thành phố Cần Thơ tập trung triển khai, trước hết là phát huy lợi thế các công trình trọng điểm do Trung ương đầu tư trên địa bàn như sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, quốc lộ…vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL; thứ hai, đó là phát triển mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là trường đại học, đẳng cấp quốc tế, kiến trúc, khoa học-công nghệ, kinh tế, sớm triển khai Viện Công nghệ sinh học, tiến hành đầu tư mở rộng trung tâm khoa học công nghệ, sớm triển khai chương trình phát triển khoa học và công nghệ vùng ĐBSCL; thứ ba, Cần Thơ huy động mọi nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, phấn đấu đến năm 2020 là thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xứng tầm là thành phố cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mê Công. Cần Thơ phát triển không chỉ vì Cần Thơ mà còn vì sự phát triển của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()