Xây dựng Tam Kỳ thành đô thị xanh
Nhiệm kỳ qua, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, Đảng bộ và nhân dân thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực.
Xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Trong thời gian qua, TP Tam Kỳ luôn chú trọng đến công tác xúc tiến, thu hút các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Và để công tác này đạt kết quả cao, thành phố đã tiến hành rà soát lại quy hoạch, coi công tác quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) ở địa phương. Đến nay, thành phố đã tập trung thực hiện đồng bộ các quy hoạch đô thị và sử dụng đất. Trong năm 2014, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Tam Kỳ đã hoàn thành Đồ án Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm nền tảng cơ bản để xây dựng Tam Kỳ theo hướng đô thị xanh. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB) và tái định cư đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm năm qua, thành phố đã thực hiện 300 dự án với tổng giá trị bồi thường 1.284 tỷ đồng, có 7.188 hộ bị ảnh hưởng; trong đó có 493 hộ trong diện giải tỏa trắng đã được bố trí tái định cư. Việc làm này vừa giải quyết dứt điểm các vụ, việc tồn đọng kéo dài, vừa bảo đảm tiến độ các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương và của tỉnh trên địa bàn.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, nhiều công trình trọng yếu như: Cầu Kỳ Phú 1, 2; Quảng trường 24-3; đường Tam Kỳ – Tam Thanh; Kè suối Tây Yên; đường N10; Nhà Văn hóa thiếu nhi; mở rộng quốc lộ 1A… đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Một số dự án lớn sử dụng nguồn vốn ODA đang được triển khai như: đường Điện Biên Phủ; nhà máy xử lý nước thải đô thị; nâng cấp mở rộng nhà máy nước Tam Kỳ và nhiều công trình khác đang tiếp tục được xây dựng và chỉnh trang làm cho diện mạo Tam Kỳ ngày càng khang trang, sạch, đẹp… làm tiền đề cho việc công nhận thành phố loại hai vào năm 2016. Theo thống kê, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010 – 2015 đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng bình quân 14%/năm. Từ khi hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng, các cơ sở sản xuất, dịch vụ đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến năm 2015, tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ: 72,8%, công nghiệp – xây dựng: 24,5%; nông nghiệp: 2,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/năm, GRDP/người đạt 2.557 USD (vượt 21,7% so với kế hoạch). Tổng giá trị thương mại, dịch vụ (giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2010-2015 đạt hơn 43.794 tỷ đồng, tăng bình quân 13,88%/năm.
Điều đáng mừng là, thị trường trong nước ngày càng phát triển, kết cấu hạ tầng thương mại được tập trung đầu tư xây dựng, mạng lưới bán buôn và bán lẻ hàng hóa được mở rộng. Trên địa bàn thành phố hiện có bảy chợ, bốn siêu thị. Nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ: Tài chính ngân hàng, thông tin truyền thông, vận tải, y tế, giáo dục… được hình thành và phát triển. Công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng du lịch được quan tâm, các loại hình dịch vụ lưu trú ngày càng phong phú, đa dạng.
Một số công trình như: Khu sinh thái và bãi tắm Tam Thanh, Khách sạn ven sông Bàn Thạch, Khu dịch vụ khách sạn Mường Thanh, Khu Du lịch nghỉ dưỡng Hạ Thanh, Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, Quảng trường 24-3, Địa đạo Kỳ Anh… sau khi được xây dựng và đưa vào sử dụng, đã bắt đầu thu hút du khách đến tham quan, tạo ra tiền đề quan trọng để thúc đẩy du lịch phía nam của tỉnh phát triển. Trên lĩnh vực công nghiệp (CN) có nhiều chuyển biến đáng kể. Hạ tầng các khu, cụm CN được tiếp tục đầu tư xây dựng. Đến nay, đã có 30 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước vào mở cơ sở, nhà máy sản xuất tại Khu CN Thuận Yên và cụm CN Trường Xuân. Mới đây, thành phố đã phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đầu tư xây dựng khu CN Tam Thăng với quy mô 200 ha. Bước đầu đã thu hút một số nhà đầu tư Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký gần 100 triệu USD. Trong giai đoạn 2010-2015, tổng giá trị sản xuất CN – xây dựng toàn thành phố đạt hơn 15.139 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng bình quân 16,32%/năm. Nhờ sản xuất phát triển, trong năm năm qua, thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 23 nghìn lao động và góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. Đến nay, TP Tam Kỳ không còn hộ nghèo (theo tiêu chí hiện hành).
Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Trong quá trình xây dựng, phát triển, Thành ủy Tam Kỳ luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng và xác định đây là nhiệm vụ then chốt. Tuy nhiên, muốn nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh việc làm tốt công tác chính trị tư tưởng, Thành ủy đặc biệt chú trọng công tác tổ chức và cán bộ. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, luân chuyển cán bộ được triển khai bảo đảm quy trình, đúng quy định của trung ương, của Tỉnh ủy. Thành phố ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở các trường đại học có uy tín và thạc sĩ loại giỏi để bổ sung vào các vị trí còn thiếu ở các cơ quan chuyên môn; thực hiện thí điểm việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đồng thời tạo ra bước đột phá trong công tác chuyển giao cán bộ lãnh đạo; mạnh dạn bố trí những cán bộ trẻ có phẩm chất đạo đức, được đào tạo bài bản vào những chức vụ chủ chốt ở địa phương.
Năm năm qua, thành phố đã cử hơn 2.830 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng; trong đó, đào tạo lý luận chính trị 454 đồng chí; chuyên môn, nghiệp vụ: 110 đồng chí. Đồng thời tuyển chọn và cử 30 học viên theo học Đề án 500 của UBND tỉnh. Đến nay, đã bố trí 30 học viên về công tác tại 13 xã, phường; trong đó, có bảy đồng chí đã được cơ cấu vào cấp ủy. Trong công tác đào tạo, thành phố chú trọng cả về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học.
Đến nay, 93% số cán bộ, công chức xã, phường đạt ba chuẩn (tăng 45% so với năm 2010); 98% số cán bộ cấp trưởng, phó phòng và tương đương thành phố có trình độ chuyên môn đại học trở lên và có hơn 80% số cán bộ có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị.
Công tác phát triển đảng viên được quan tâm đúng mức; nhiệm kỳ qua, đã kết nạp 813 đảng viên, tăng 22,6% so với nhiệm kỳ 2005-2010. Công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên và trong lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên được các cấp ủy chú trọng. Công tác khảo sát, thẩm định, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng được thực hiện theo đúng quy trình, hướng dẫn của cấp trên. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh luôn đạt hơn 75%, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt hơn 90%. Cùng với làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức, phẩm chất và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Thành ủy thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát ngày càng được nâng lên.
Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 39 tổ chức đảng và 133 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, giám sát 183 tổ chức đảng và 142 đảng viên. Qua đó đã thi hành kỷ luật một tổ chức đảng và 66 đảng viên.
Xây dựng đô thị xanh, phát triển nhanh và bền vững
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ qua, Tam Kỳ còn một số hạn chế. Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện còn chậm, việc phát triển KT – XH chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế; chưa huy động tốt nguồn lực đầu tư của xã hội, thiếu các dự án lớn, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách. Mặt khác, công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân; năng lực đội ngũ cán bộ và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ tới, là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, huy động mọi nguồn lực, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh.
Để đạt được mục tiêu này, Tam Kỳ đã đề ra các giải pháp đột phá, tạo động lực thúc đẩy để thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Theo đó, Thành ủy sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý thông qua thi tuyển nhằm thu hút những người có trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Có cơ chế thu hút người tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc, có trình độ sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác đào tạo sau đại học và ngoại ngữ. Làm tốt việc luân chuyển cán bộ, công chức về công tác tại cơ sở, thực hiện có hiệu quả đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ thành phố đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo quy trình ISO 9001:2008 và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa liên thông, tiến đến xây dựng cơ chế “một cửa điện tử” và hình thành hệ thống trung tâm thông tin địa lý của thành phố (GIS).
Thành phố Tam Kỳ sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; có cơ chế chính sách, thu hút nguồn vốn, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; ưu tiên thu hút các DN có công nghệ sạch, công nghệ cao…nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh KT-XH. Tập trung công tác BT, GPMB và tái định cư, tạo mặt bằng thuận lợi để thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, nhất là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; không ngừng nâng cao dân trí, đổi mới tư duy lãnh đạo, phát động phong trào thi đua yêu nước; mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước trong các lĩnh vực đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trước mắt, thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; hoàn thiện công tác quy hoạch và đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các loại hình thương mại, dịch vụ; sớm hoàn thành đưa vào khai thác cụm dịch vụ khách sạn; tạo dựng những sản phẩm du lịch độc đáo riêng, phấn đấu xây dựng Tam Kỳ thành Trung tâm du lịch phía nam của tỉnh và hướng tới là một “điểm đến” trong địa chỉ du lịch quốc gia. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đông; ưu tiên thu hút những dự án lớn có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Xây dựng khu CN Tam Thăng trở thành trung tâm CN sạch, công nghệ cao, là đầu tàu kinh tế CN của thành phố. Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch và lập kế hoạch thực hiện theo Đồ án Quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận cao trong thực thi nhiệm vụ.
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng, phát triển Tam Kỳ theo hướng đô thị xanh, hiện đại, văn minh và bền vững.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()