Xây dựng sự đồng thuận xã hội từ công tác dân vận chính quyền
LSO-Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lạng Sơn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền tại các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Bộ đội Biên phòng và dân quan xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc giúp dân làm đường giao thông – Ảnh: ĐÌNH QUANG |
Trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện: xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh uỷ với Đảng đoàn HĐND tỉnh và Ban cán sự đảng UBND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận; Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; ban hành quyết định phân công đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác dân vận của chính quyền.
Hoạt động của HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới, quan tâm nâng cao chất lượng công tác tổ chức các kỳ họp, xây dựng nghị quyết, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; duy trì thực hiện tốt việc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp để lắng nghe ý kiến phản ảnh của cử tri, đồng thời báo cáo cho cử tri biết những nội dung đã được xem xét, giải quyết và các chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước, HĐND tỉnh thông qua. Hình thức tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri không ngừng được đổi mới, đa dạng và thiết thực. Nghị quyết của các kỳ họp được ban hành sát với thực tiễn, đúng luật, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước, của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Công tác quản lý, điều hành của UBND các cấp tiếp tục được tăng cường, việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nâng cao về chất lượng thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở từng bước đi vào nền nếp; các chủ trương, cơ chế, chính sách lớn của cấp ủy, chính quyền trước khi ban hành đã được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tổ chức lấy ý kiến tham gia đảm bảo đáp ứng yêu cầu về thực hiện quy chế dân chủ. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến tài sản, đóng góp tiền, ngày công lao động với trị giá hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, để lắng nghe, vận động, thuyết phục, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc ở cơ sở, không để nảy sinh phức tạp, hình thành “điểm nóng”. Các buổi tiếp xúc được thực hiện trong không khí dân chủ, cởi mở, chân thành vì lợi ích chung; giải quyết những vấn đề phát sinh, không để xảy ra những bức xúc trong quá trình giải quyết các quyền lợi của nhân dân. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo được chính quyền các cấp xây dựng thành quy chế, phân công lãnh đạo cơ quan trực tiếp tiếp dân. Tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề được nhân dân quan tâm liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, giải quyết các chế độ, chính sách… Hằng năm, các cơ quan hành chính đã tiếp hàng ngàn lượt công dân; tỷ lệ giải quyết đơn thư đạt trên 90%.
Việc xây dựng quy chế làm việc; quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội được quan tâm thực hiện. Việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ đạt tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu vị trí công tác được coi trọng.
Cùng với những kết quả đạt được, công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, như: một số cơ quan, đơn vị chưa quán triệt đầy đủ và quan tâm đúng mức đến việc thực hiện công tác dân vận, còn thiếu kế hoạch, biện pháp cụ thể triển khai công tác dân vận gắn với nhiệm vụ của từng địa bàn, đơn vị. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội có lúc, có nơi chưa được coi trọng. Việc lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng, triển khai các dự án, chương trình chưa được toàn diện. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc, chưa hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, thiếu kỹ năng về công tác dân vận, chưa thật sự “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”…
Xác định vai trò của chính quyền và các cơ quan nhà nước trong công tác dân vận được coi là khâu đột phá, trước hết là việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận thành các chính sách hợp lòng dân; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan công quyền có tinh thần làm việc công tâm, gần gũi, tôn trọng và có trách nhiệm với nhân dân. Để làm tốt điều này, trong thời gian tới, tỉnh cần thực hiện tốt một số nội dung sau: tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận chính quyền. Các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước cần tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách hợp với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án ngay từ khi đang còn dự thảo; chú trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội; tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đẩy mạnh các hoạt động của ban thanh tra nhân dân, các hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng, các tổ hòa giải ở cơ sở. Định kỳ hằng năm, các cấp ủy đảng có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận chính quyền, cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tổ chức tốt việc xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong hoạt động của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước và nhân rộng các cách làm hay về vận động nhân dân trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng… Định kỳ sơ kết, tổng kết các chương trình hành động, nhiệm vụ từng thời kỳ, các phong trào thi đua để biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có cách làm sáng tạo về công tác vận động nhân dân, qua đó rút ra được những kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm xử lý các vụ việc nhạy cảm, phức tạp trên địa bàn.
Thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền sẽ góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
HOÀNG VĂN NGHIỆM
Ý kiến ()