Xây dựng sản phẩm OCOP: Góp phần giúp hợp tác xã vươn lên
– Những năm gần đây, từ sự hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước và phát huy nội lực, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó tạo động lực để các HTX từng bước vươn lên phát triển.
Được thành lập từ năm 2017, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng, thành phố Lạng Sơn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp với sản phẩm chính là mật ong và rau an toàn. Ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc HTX cho biết: Trong 2 năm (2019 và 2020), HTX được các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn quy trình, thủ tục và hỗ trợ nguồn lực (3.000 hộp đựng sản phẩm), HTX đã xây dựng và có 2 sản phẩm mật ong được chứng nhận sản phẩm OCOP gồm: sản phẩm mật ong Hương rừng Xứ Lạng (3 sao) và mật ong Ngũ gia bì (4 sao). Được công nhận sản phẩm OCOP giúp việc tiêu thụ sản phẩm mật ong của HTX thuận lợi hơn. Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, song doanh thu của HTX được trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng, tăng 200 – 300 triệu đồng so với năm 2021 trở về trước.
Sản phẩm mật ong “Hương rừng Xứ Lạng” của HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng (xã Quảng Lạc) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao
Tương tự, HTX Nông nghiệp Tuấn Hưng, huyện Bắc Sơn cũng đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao. Ông Hoàng Văn Ón, Giám đốc HTX cho biết: HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dầu lạc. Năm 2020, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước về quy trình thủ tục, hỗ trợ 20 triệu đồng cho HTX mới thành lập, HTX đã tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó cuối năm 2020, sản phẩm dầu lạc của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao. Bình quân mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường khoảng 2.000 lít dầu lạc. Từ việc được công nhận sản phẩm OCOP là cơ sở để HTX tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới như các nhà hàng, siêu thị…
Không chỉ 2 HTX kể trên, từ năm 2019 (năm đầu triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh) đến nay, các cấp, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các chủ thể, trong đó có hỗ trợ HTX xây dựng các sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Từ khi triển khai chương trình OCOP đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn cho đại diện các HTX, sáng lập viên, trong đó lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phát triển các sản phẩm OCOP.
Cùng với Liên minh HTX tỉnh, các cấp, ngành liên quan cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về chương trình OCOP cho các chủ thể là doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ sản xuất. Cụ thể từ năm 2019 đến nay, các cấp, ngành đã tổ chức, lồng ghép tổ chức được 183 hội nghị tuyên truyền cho trên 10.300 lượt người, cấp phát trên 10.300 bộ tài liệu; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng; tổ chức 85 hội nghị tập huấn về chương trình OCOP với 5.414 lượt người tham dự…
Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cơ quan liên quan còn hỗ trợ cho các chủ thể (trong đó có các HTX) tham gia 33 chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ trên 1.506.126 tem truy xuất nguồn gốc; 67.647 bao bì các loại; 5.000 tem, nhãn dán; hỗ trợ thiết kế bao bì, logo… đối với 57 sản phẩm của 44 chủ thể tham gia chương trình, trong đó có một số HTX.
Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự chủ động, nỗ lực của mình, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 48 sản phẩm OCOP đạt 3 – 4 sao của 40 HTX. Trên thực tế, những HTX có sản phẩm OCOP đều hoạt động ổn định, chất lượng hoạt động ở mức khá, tốt, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế tập thể chung trên địa bàn tỉnh. Mặc dù ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng năm 2022, doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 830 triệu đồng, tương đương với những năm trước.
Ý kiến ()