Xây dựng quy trình khai thác, phát triển đối tượng BHXH, BHYT
Quy trình khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT sẽ được xây dựng, bổ sung với 8 điểm mới, giúp các địa phương, đơn vị, các đại lý vận dụng vào tình hình thực tế để mở rộng, phát triển đối tượng.
Tư vấn phát triển đối tượng BHXH tự nguyện là hoạt động được cơ quan BHXH địa phương rất quan tâm. |
Ngày 17/7, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì Hội thảo sửa đổi, bổ sung Quy định hoạt động đại lý thu BHXH, BHYT và xây dựng quy trình khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Các đại biểu đã cùng thảo luận để xây dựng quy định hoạt động của đại lý thu phù hợp thực tiễn, đồng thời quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng hoạt động của các đại lý thu. Bên cạnh đó, xây dựng quy trình khai thác, phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, BHYT để các địa phương, đơn vị, các đại lý, nhân viên đại lý vận dụng vào tình hình thực tế của để mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, BHXH Việt Nam đã tập trung xây dựng, triển khai nội dung sắp xếp bộ máy tinh gọn; tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả của các đại lý thu, xây dựng các đại lý chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả. BHXH Việt Nam đã phối hợp với nhiều đơn vị, DN, trong đó có Bưu điện Việt Nam và thông qua tổ chức tài chính, Ngân hàng Thế giới soạn thảo bộ kỹ năng quản lý, các bước quy trình khai thác BHXH tự nguyện, BHYT của đối tượng tự đóng, đóng một phần, gọi chung là BHYT hộ gia đình.
Sau gần 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Quy định hoạt động đại lý thu BHXH, BHYT, tính đến ngày 31/3, BHXH Việt Nam đã mở rộng và phát triển được trên 12.000 đại lý thu với trên 37.000 điểm thu và trên 52.000 nhân viên đại lý thu. Có thể thấy rằng, thông qua hệ thống đại lý thu, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngày càng tăng, kết quả hằng năm đều đạt kế hoạch của Thủ Tướng Chính phủ giao về phát triển đối tượng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy, một số quy định cũng còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung. Ví dụ, chưa quy định về pháp nhân đối với một số tổ chức làm đại lý thu, chưa quy định đối với đại lý thu được cơ quan BHXH ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ khác; công tác đào tạo, bồi dưỡng quy trình khai thác phát triển đối tượng cho nhân viên đại lý thu còn chưa được chú trọng; nhân viên đại lý thu chưa chuyên nghiệp, kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa chủ động trong việc tiếp cận đến một số địa bàn rộng, dân cư không tập trung và chưa hiểu rõ về chính sách BHXH, BHYT.
Ngoài ra, với chủ trương hướng đến xây dựng một hệ thống đại lý thu chuyên nghiệp nên cần xây dựng các điều kiện làm đại lý thu, nhân viên đại lý thu chặt chẽ hơn; từ trước đến nay chưa có tài liệu hay văn bản hướng dẫn cho cán bộ đi tuyên truyền, tư vấn phát triển đối tượng về các quy trình cần thực hiện, tư vấn cho đối tượng, chủ yếu các tỉnh, các đại lý, các nhân viên tự mày mò làm theo khả năng, kinh nghiệm của bản thân.
Vì vậy, thực tiễn đặt ra vấn đề cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 1599, đồng thời xây dựng bộ tài liệu về quy trình khai thác, phát triển đối tượng để cán bộ BHXH, nhân viên đại lý thu làm cẩm nang trong quá trình thực hiện tuyên truyền, tư vấn, phát triển đối tượng.
Theo ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban thu (BHXH Việt Nam), quy trình khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT sẽ được xây dựng, bổ sung với 8 điểm mới, bao gồm: Quy trình khai thác phát triển đối tượng tham gia dùng chung cho cả BHXH tự nguyện, BHYT; bổ sung nội dung phân cấp quản lý của BHXH tỉnh, BHXH huyện; bổ sung nội dung chế độ thông tin báo cáo cụ thể đối với nhân viên đại lý, đại lý, BHXH huyện, BHXH tỉnh; quy định những bước cụ thể và lồng ghép kỹ năng thực hiện trong quy trình; phân định rõ trách nhiệm của cơ quan BHXH tỉnh, huyện, đại lý, nhân viên đại lý; Bổ sung minh họa, giả định cụ thể về mức đóng, mức hưởng của người tham gia BHXH; Quy trình khai thác, phát triển đối tượng bao gồm 2 quy trình là tư vấn trực tiếp cho cá nhân và tổ chức Hội nghị khách hàng; Bổ sung một số lợi ích của BHXH tự nguyện, BHYT và một số tình huống cụ thể.
Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT cho biết, hiện nay, Trung tâm CNTT đang thực hiện trích xuất dữ liệu để cung cấp kịp thời cho địa phương, phục vụ hiệu quả cho công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, Trung tâm CNTT cũng đã triển khai thực hiện giao dịch điện tử, thanh toán trực tuyến đối với người tham gia BHXH, BHYT trên Cổng dịch vụ công quốc gia. “Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ triển khai một ứng dụng trên thiết bị di động, giúp người dân có thể tra cứu các thông tin cá nhân liên quan đến thẻ BHYT, quá trình tham gia BHXH, thời gian đóng – hưởng… nếu được lồng ghép cùng với công tác phát triển đối tượng sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho người tham gia”, ông Nguyễn Hoàng Phương cho biết.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()