Xây dựng quỹ “Ngày vì đồng đội”: Mô hình hay cần được nhân rộng
LSO-Khác với các huyện, ngoài vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, quỹ hội, cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) ở thành phố Lạng Sơn còn có thêm một nguồn vốn hỗ trợ khác. Đó là vốn hỗ trợ phát triển kinh tế trích từ quỹ “Ngày vì đồng đội” do Hội CCB thành phố xây dựng từ năm 2007.
LSO-Khác với các huyện, ngoài vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, quỹ hội, cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) ở thành phố Lạng Sơn còn có thêm một nguồn vốn hỗ trợ khác. Đó là vốn hỗ trợ phát triển kinh tế trích từ quỹ “Ngày vì đồng đội” do Hội CCB thành phố xây dựng từ năm 2007.
Cán bộ CCB thăm mô hình trồng cây Bò Khai tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn |
Nhận thấy sự cần thiết phải có một nguồn quỹ riêng để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, cuối năm 2007, được sự đồng ý của cấp ủy, Ban Chấp hành Hội CCB thành phố đã phát động gây quỹ “Ngày vì đồng đội”. Công văn được soạn thảo và gửi đến từng hội cơ sở, chi hội. Đối tượng kêu gọi đóng góp ủng hộ quỹ không dừng lại ở cán bộ, hội viên mà còn mở rộng đến các nhà hảo tâm trên địa bàn thành phố. Với nguyên tắc tự nguyện, các cán bộ, hội viên đã đóng góp mỗi người từ 10 ngàn, 20 ngàn, 30 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng, đặc biệt có người ủng hộ quỹ 1 triệu đồng. Kết quả, chỉ trong vòng 1 tháng, tổng số quỹ thu được trên 21 triệu đồng. Ngay sau đó, hội đã rà soát danh sách hộ nghèo để cho vay vốn, đầu tư mua giống vật nuôi, cây trồng. Số tiền hỗ trợ đối với mỗi hộ gia đình tăng theo từng thời điểm. Ban đầu là 2 triệu đồng, sau tăng lên 3 triệu và hiện nay là 5 triệu đồng. Trước khi cho vay vốn, cán bộ Hội CCB thành phố đã khảo sát rất kỹ về hoàn cảnh, điều kiện phát triển kinh tế của từng gia đình. Từ đó có phương án hỗ trợ phù hợp sao cho quỹ được sử dụng đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, có hộ gia đình được hỗ trợ tiền mặt để tự đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhưng cũng có trường hợp, cán bộ hội phải trực tiếp “cầm tay chỉ việc” để hạn chế thất thoát vốn. Đơn cử như 3 trường hợp năm 2012 vừa qua, cán bộ hội đã đưa hội viên ra tận chợ, chọn lợn giống, đưa đi tiêm phòng và mua thức ăn chăn nuôi giao về từng gia đình. Sau đó thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chăm sóc. Nhờ quản lý quỹ hiệu quả, từ tháng 1/2008 đến nay, hội đã trích quỹ cho 18 lượt hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh và đã có 11 hộ gia đình thoát nghèo.
Ông Chu Anh Minh, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố cho biết, vì đây là quỹ được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, với mục đích hỗ trợ hội viên nghèo về vốn để xây dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình nên được cán bộ hội viên đồng tình, ủng hộ, hăng hái tham gia xây dựng quỹ. Hiện nay, thành phố vẫn còn 2 hộ gia đình CCB nghèo (trong đó có 1 hộ mới phát sinh). Tuy nhiên 2 gia đình này có hoàn cảnh rất khó khăn do thiếu người, bệnh tật nên không có phương án phát triển kinh tế. Vì thế, năm 2013, hội đã nghiên cứu và quyết định sử dụng quỹ để thử nghiệm dự án trồng cây Bò Khai (một loại cây đặc sản của Xứ Lạng, có giá trị kinh tế cao) tại 3 hộ gia đình CCB làm điểm với số tiền 5 triệu đồng/hộ. Là 1 trong 3 mô hình kinh tế điểm, bà Hoàng Thị Biệt, Chi hội trưởng chi hội CCB thôn Quảng Trung 2, xã Quảng Lạc đã đầu tư hơn 3 triệu đồng mua 300 cây giống từ Công ty cổ phần giống cây trồng nông lâm Đông Bắc. Sau hơn 1 tháng chăm sóc, đến nay phần lớn cây đã bắt đầu sinh trưởng và phát triển tốt, cao khoảng 30 – 50 cm. Có cây đã đẻ nhánh dài gần 10 cm. Bà Biệt phấn khởi cho biết, ban đầu trồng cũng rất khó khăn, một số cây bị chết, vừa trồng vừa học hỏi thêm kinh nghiệm của một số người về cách chọn giống, thời vụ trồng. Lần này, gia đình bà trồng vào mùa hè là sai thời vụ nhưng nhờ chăm sóc tốt, cây đã có dấu hiệu phát triển tốt, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao.
Hội viên CCB xã Mai Pha, TP Lạng Sơn phát triển chăn nuôi |
Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng là cách làm hay của CCB. Hay hơn nữa là nguồn vốn này xuất phát từ quỹ “Ngày vì đồng đội”, là sự đóng góp nghĩa tình từ những người đồng chí, đồng đội, mong muốn giúp đỡ nhau vượt khó phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Đây là một cách làm hay cần được cấp hội CCB học hỏi, nhân rộng ra các huyện, xã trên địa bàn toàn tỉnh.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()