Xây dựng quy chế thi vào lớp 10: Gọn nhẹ, không áp lực và không tốn kém
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng quy chế thi vào lớp 10 các trường Trung học phổ thông (THPT) công lập với 3 nguyên tắc cốt lõi: Gọn nhẹ, không gây áp lực và không tốn kém.
Chiều 7/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã chia sẻ về một số nội dung quan trọng liên quan công tác tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
3 nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng quy chế thi vào lớp 10
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã xác định 3 nguyên tắc cốt lõi trong việc xây dựng quy chế thi vào lớp 10 các trường THPT công lập: Gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém; thúc đẩy giáo dục toàn diện; bảo đảm công tác quản lý Nhà nước.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh rằng, năm học 2024-2025 sẽ là năm học khép kín chu kỳ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (từ lớp 1 đến lớp 12).
Do đó, việc thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ theo chương trình giáo dục phổ thông mới này. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường và học sinh trong quá trình chuẩn bị, quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10 dự kiến sẽ được ban hành vào tháng 11/2024, sớm hơn ít nhất 3 tháng so với các năm trước.
Trong quá trình xây dựng quy chế, Bộ GD&ĐT đã xác định rõ ba nguyên tắc cốt lõi: Thứ nhất, gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém. Đây là một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo đó, phương thức thi cần bảo đảm tính hiệu quả nhưng không gây quá tải cho học sinh và gia đình, tránh những chi phí không cần thiết. Nguyên tắc này cũng được thể hiện rõ trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
Thứ hai, thúc đẩy giáo dục toàn diện, bảo đảm học sinh không chỉ có kiến thức mà còn phát triển phẩm chất và năng lực, chuẩn bị đủ điều kiện để học tiếp lên THPT hoặc chuyển hướng học nghề.
Việc thi cử cần gắn kết giữa kiểm tra, đánh giá thường xuyên và đánh giá cuối kỳ, nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện ở các môn học Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Ngoại ngữ và Tin học.
Thứ ba, bảo đảm quản lý Nhà nước chặt chẽ nhưng phân cấp rõ ràng. Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra khung quy định chung, các Sở GD&ĐT địa phương sẽ có thẩm quyền lựa chọn phương thức thi, số lượng môn thi và cách thức tổ chức thi phù hợp với điều kiện của từng tỉnh, thành phố.
Phương thức thi tuyển sinh và vấn đề thống nhất trong tổ chức
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, về phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10, hiện nay có 3 phương thức chính: Thi tuyển, xét tuyển, hoặc phối hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, các Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để lựa chọn phương thức phù hợp.
Về môn thi, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ quy định hai môn thi bắt buộc là Ngữ văn và Toán. Môn thi thứ 3 sẽ do các địa phương quyết định, trên cơ sở đề xuất của Sở GD&ĐT và phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu sự thống nhất trong việc lựa chọn môn thi thứ 3 nhằm bảo đảm tính toàn diện trong đánh giá học sinh, tránh tình trạng học lệch, học tủ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng GD&ĐT cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự thống nhất trong thời gian tổ chức thi, thời gian làm bài thi của từng môn.
Hiện nay, một số địa phương tổ chức thi môn Toán và Ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút, trong khi môn Tiếng Anh có nơi thi 90 phút, có nơi chỉ thi 60 phút.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp để xây dựng quy chế thi phù hợp, bảo đảm tính thống nhất trên toàn quốc.
Trong quá trình xây dựng quy chế, Bộ GD&ĐT đã khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng thực tiễn tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 trong suốt 10 năm qua.
Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các tỉnh lựa chọn tổ chức thi 3 môn, trong khi chỉ có một số ít tỉnh thi 2 môn. Việc chưa có quy định cụ thể về môn thi thứ 3 khiến công tác quản lý và đánh giá chất lượng học tập của học sinh gặp nhiều khó khăn.
Bộ GD&ĐT cam kết sẽ lắng nghe ý kiến từ các cơ sở giáo dục, phụ huynh và học sinh để bảo đảm quy chế thi được xây dựng trên cơ sở khoa học, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời bảo đảm tính ổn định và tính toàn diện trong đánh giá.
Những thay đổi trong quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ giúp học sinh giảm áp lực, tạo điều kiện cho quá trình học tập và thi cử diễn ra thuận lợi, đồng thời thúc đẩy sự phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực của học sinh trong hệ thống giáo dục phổ thông mới.
Ý kiến ()