Xây dựng Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam
Theo số liệu từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, nước ta có khoảng 40.000 di tích phân bố trên khắp các vùng, miền đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Cổng Ngọ Môn, Kinh thành Huế trong Quần thể di tích Cố đô Huế. (Ảnh: Minh Duy)
Trong đó, có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 3.614 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó là khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, với 498 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; và 9 di sản tư liệu.
Không chỉ phản ánh bề dày lịch sử văn hóa, hệ thống di sản phong phú, giàu có của Việt Nam còn đóng vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội, tạo nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia.
Bằng chứng là nhiều di sản sau khi được xếp hạng, ghi danh đã trở thành tài nguyên đặc sắc của du lịch, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế địa phương, tạo nhiều sinh kế cho cộng đồng.
Năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, chỉ riêng 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón hơn 21,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 11 triệu khách quốc tế, mang lại doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 3.123 tỷ đồng.
Dẫn ra những điều này để khẳng định, càng thấy được giá trị to lớn từ di sản, càng cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa khai thác và bảo tồn, nếu không muốn di sản bị hư hại hay biến mất.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng công tác bảo tồn di sản. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách nhà nước hằng năm đều quan tâm cấp cho mục tiêu bảo tồn chống xuống cấp di tích. Giai đoạn 2011-2015, kinh phí bảo tồn 1.302 di tích là 1.436,844 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, kinh phí bảo tồn 471 di tích là 245 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với nhu cầu thực tế.
Thời gian qua, báo chí từng không ít lần phản ánh hiện trạng nhiều di tích, di sản tại các địa phương xuống cấp trầm trọng; nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một do thiếu chính sách đầu tư cho bảo tồn; không có kinh phí cho công tác sưu tầm hiện vật hay hồi hương di sản…
Thực trạng này đặt ra đòi hỏi cần có một quỹ riêng có khả năng huy động những nguồn lực ngoài ngân sách để nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Đây cũng là giải pháp giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong gìn giữ, trân trọng di sản văn hóa.
Trên thực tế, nhiều quỹ phát triển văn hóa sớm đã được các quốc gia thành lập, giúp tăng tính chủ động trong thực hiện các chiến lược đầu tư cho bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa. Tiêu biểu như Quỹ bảo tồn văn hóa của Hoa Kỳ (AFCP) đã hỗ trợ tài chính giúp di sản Việt Nam được hưởng lợi suốt 20 năm qua, với 16 dự án bảo tồn được thực hiện.
Tại nước ta, ở lĩnh vực có liên quan mật thiết tới di sản là du lịch, cũng đã có Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được thành lập nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân lực, xúc tiến, quảng bá du lịch.
Ngay với lĩnh vực di sản, Thừa Thiên Huế đã trở thành địa phương tiên phong khi xây dựng Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế. Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ khi chính thức hoạt động vào quý II năm 2023, đến nay, được sự quan tâm của cộng đồng, Quỹ tiếp nhận được khoảng 8 tỷ đồng tiền tài trợ và đã sử dụng triển khai trùng tu một số công trình.
Mô hình và kết quả hoạt động bước đầu của những quỹ này càng cho thấy sự cần thiết của việc phải có cơ chế để tích hợp các nguồn tài chính đa dạng từ cộng đồng để nâng cao hiệu quả cho hoạt động văn hóa nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói riêng.
Tín hiệu đáng mừng là tại Điều 131 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã đưa vào quy định liên quan Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam. Theo đó, Quỹ được Chính phủ thành lập, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhằm huy động nguồn lực cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà chưa được ngân sách bố trí kinh phí hoặc kinh phí chưa đủ để tu bổ các di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt đang có nguy cơ bị hủy hoại, sưu tầm và bảo quản hiện vật, mua và đưa các hiện vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước, mua và bảo quản các hiện vật, cổ vật có giá trị đặc biệt ở trong nước; để sưu tầm các bộ sưu tập và trưng bày di sản văn hóa Việt Nam tại các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Các chuyên gia nhận định, sự xuất hiện của Quỹ sẽ cho phép tích hợp các nguồn tài chính đa dạng như ngân sách công, tài trợ từ doanh nghiệp tư nhân, quỹ từ thiện, đóng góp từ các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng, nguồn thu từ hoạt động văn hóa…, từ đó mở ra nhiều cơ hội bảo tồn đa dạng các giá trị di sản mà việc sử dụng ngân sách đầu tư công không thể đáp ứng, đồng thời giảm bớt thời gian, thủ tục về đầu tư, linh hoạt hơn trong đề xuất, giải quyết kịp thời các nhu cầu cấp thiết.
Để Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam có thể hoạt động hiệu quả, bền vững, điều quan trọng là cần có những cơ chế, chính sách song hành như tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi… để khuyến khích, thu hút các cá nhân, tổ chức cùng đóng góp, tham gia vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Việc tổ chức, quản lý, điều hành, phân phối quỹ cần được cụ thể hóa bằng những quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng, khách quan, giúp tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và cộng đồng, tạo hành lang pháp lý giúp huy động hiệu quả sự chung tay của cộng đồng vì mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đất nước.
Nguồn:https://nhandan.vn/xay-dung-quy-bao-ton-di-san-van-hoa-viet-nam-post784504.html
Ý kiến ()