Xây dựng phong trào toàn dân tham gia chống buôn lậu
LSO-Sáng nay (20/7), Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng BCĐ 389 quốc gia chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh phát biểu tại hội nghị |
Tại điểm cầu Lạng Sơn, đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh cùng các thành viên BCĐ tham dự hội nghị.
Qua 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương đã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đã phát hiện và xử lý 88.564 vụ việc vi phạm, xử phạt hành chính, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 8 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2016. Qua đó đã khởi tố 1.189 vụ với 1.372 đối tượng.
Đối với Lạng Sơn, các lực lượng chức năng đã xử lý 2.354 vụ buôn lậu, gian lận thương mại; xử phạt vi phạm hành chính, phạt bổ sung, truy thu thuế hơn 19,2 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 36,3 tỷ đồng; khởi tố 55 vụ, với 88 đối tượng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Các lực lượng chức năng trong BCĐ 389 của tỉnh đã quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, không để phát sinh thêm tụ điểm, đường dây buôn lậu. Đồng chí kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng tại các tỉnh nội địa tăng cường triệt phá các tụ điểm hàng lậu, buôn bán pháo để giảm áp lực cho tỉnh biên giới; giao quyền cho các địa phương xem xét, quyết định mặt hàng xuất khẩu; hỗ trợ kinh phí cho lực lượng đấu tranh với tội phạm ma túy; các bộ, ngành liên quan rà soát lại việc khai báo giá xuất khẩu và xử lý nghiêm các đối tượng gian lận; hỗ trợ các tỉnh biên giới phương tiên, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống buôn lậu.
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Chống lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ chính trị quan trọng, không có vùng cấm trong hoạt động này. Thời gian tới, các địa phương cần xây dựng phong trào toàn dân cùng tham gia đấu tranh chống buôn lậu. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước để nâng cao sản lượng, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh về giá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, từ đó hạn chế hàng hóa nhập lậu; thực hiện tốt chính sách, hỗ trợ cư dân biên giới cải thiện đời sống. Cùng với đó là tiếp tục tuyên truyền để cư dân biên giới không tham gia, vận chuyển hàng lậu. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đòi hỏi sự nỗ lực của từng cá nhân trong Ban Chỉ đạo các cấp. Cùng đó, tăng cường công tác quản lý cán bộ trong từng khâu, xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ.
ANH DŨNG
Ý kiến ()